
“Giao lưu nhân dân ASEAN” là hoạt động được tổ chức luân phiên tại các nước thành viên ASEAN. Chương trình này đã được thực hiện thành công tại Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia và Myanmar. Chương trình năm 2004 do nghệ nhân các nghề truyền thống của 10 nước ASEAN: Brunei, Lào, Campuchia, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Singapore, Thái Lan, Philippines, Việt Nam diễn ra từ ngày 1 đến 7-12-2004 tại Trung tâm Triển lãm văn học nghệ thuật Việt Nam (Vân Hồ-Hà Nội) và một số tỉnh phía Bắc đã thu hút sự chú ý của nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ Việt Nam.

Khách tham quan các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Thái Lan.
Năm nay, mỗi nước có 4 thành viên tham gia, riêng đoàn Việt Nam là nước chủ nhà có 12 nghệ nhân được tham dự. Các nghề thủ công truyền thống của Việt Nam được giới thiệu tại đây đa dạng về thể loại, phong phú về nghệ thuật như: làm gốm, sứ, vẽ tranh sơn mài, tranh Đông Hồ, nghề chạm khắc đồng, chạm bạc, dệt thổ cẩm, thêu tay, nghề làm nhạc cụ dân tộc, đàn t’rưng, sáo trúc, đan lát mây, tre…
Bên cạnh các nghệ nhân Việt Nam, nghệ nhân “xóm giềng” cũng thao tác đan giỏ mây, điêu khắc gỗ, gốm phù điêu, dệt thổ cẩm…
Hầu hết các nghệ nhân tham dự hoạt động này là những người đã từng đoạt giải thưởng bàn tay vàng của Nhà nước hoặc Huy chương vàng tại các cuộc thi nghề truyền thống trong nước và quốc tế.
Các nghệ nhân Việt Nam trình diễn trong chương trình này là những người đã làm nghề từ hơn 40 hoặc hơn 50 năm theo nghề gia truyền như: nghệ nhân (NN) chạm khắc đồng Nguyễn Viết Lâm, NN chạm bạc Nguyễn Ngọc Trọng, NN-nghệ sĩ Thái Sơn chuyên đàn t’rưng, sáo trúc, NN Thái Văn Bôn chuyên thêu tay, NN làm quạt lụa nghệ thuật Lan Tuyết, NN Thanh Hải làm hoa lụa, NN Nguyễn Đăng Chế làm tranh Đông Hồ, hoạ sĩ Phạm Chính Trung tranh sơn mài…
Với chủ đề “Nghề truyền thống Việt Nam xưa và nay” nghệ nhân của 10 nước tham gia chương trình này sẽ có cuộc giao lưu, trao đổi với một số nghệ nhân ở các địa phương: Mai Châu (Hòa Bình), làng gốm Bát Tràng (Hà Nội), làng đúc đồng Đại Bái, làng dệt lụa tơ tằm Vạn Phúc, một số làng có nghề truyền thống thêu, ren, sơn mài ở Hà Tây… để tìm hiểu thêm về đất nước, con người, về những nét độc đáo, mang đậm bản sắc dân tộc của Việt Nam.
Mỗi gian trưng bày của từng nước, các nghệ nhân cho ta thấy hoa văn trang trí và họa tiết trên vải thổ cẩm của cộng đồng ASEAN tuy khác nhau, nhưng dường như đều mang màu sắc ẩn dụ của đời sống tinh thần theo một thể tương đồng. Đó chính là sự tương đồng của cư dân nền văn minh lúa nước trong khu vực Đông Nam Á chúng ta.
Phát biểu tại ngày khai mạc, ông Trần Chiến Thắng, Chủ tịch Ủy ban Văn hóa Thông tin ASEAN Việt Nam-Thứ trưởng Bộ VHTT Việt Nam nhấn mạnh đến mục tiêu chính của hoạt động này nhằm nuôi dưỡng tinh thần đoàn kết, hợp tác giữa các quốc gia ASEAN trong mọi lĩnh vực. Đây chính là thông điệp của cộng đồng ASEAN gửi tới bạn bè bốn phương về một ASEAN đoàn kết, năng động trên đường phát triển, hội nhập và giữ gìn các loại hình nghề truyền thống của ASEAN.
THỦY VÂN