Thông tấn xã Giải phóng nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trân trọng bày tỏ sự tri ân, ghi nhận, biểu dương những cống hiến, hy sinh to lớn của Thông tấn xã Giải phóng, chúc mừng những thành tựu của Thông tấn xã Việt Nam về những đóng góp quan trọng cho nền báo chí cách mạng Việt Nam và sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, xây dựng đất nước những năm qua. 

Chiều 11-10, tại TPHCM, Thông tấn xã Việt Nam tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Thông tấn xã Giải phóng (12-10-1960_12-10-2020) và vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Tham dự có các đồng chí: Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước; Võ Văn Phuông, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam; Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM; cùng đại diện lãnh đạo các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, An Giang, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 và lãnh đạo Thông tấn xã Việt Nam các thời kỳ, thân nhân các gia đình thương binh, liệt sĩ Thông tấn xã Việt Nam, các thế hệ cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên, nhân viên đã từng tham gia Thông tấn xã Giải phóng.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân của Chủ tịch nước tặng Thông tấn xã Giải phóng nhân kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Thông tấn xã Giải phóng
Đồng chí Nguyễn Đức Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam đọc diễn văn điểm lại chặng đường vẻ vang của Thông tấn xã Giải phóng. Trong hơn 15 năm hoạt động, từ những năm tháng ác liệt của chiến tranh tới ngày đất nước hoàn toàn độc lập, non sông thu về một mối, Thông tấn xã Giải phóng trở thành chứng nhân cho một thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc.
Trong giai đoạn ác liệt của cuộc kháng chiến, không một chiến trường, không một hướng tiến quân, không một địa bàn chiến đấu nào vắng mặt những người làm báo - chiến sĩ ngành thông tấn. Họ luôn sát cánh cùng các lực lượng vũ trang kịp thời đưa tin, ảnh về từng chiến thắng trên khắp chiến trường Trị Thiên, Tây Nguyên, Khu V, Nam bộ, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân 1968 và nhiều chiến dịch khác để đi tới ngày toàn thắng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trân trọng bày tỏ sự tri ân, ghi nhận, biểu dương những cống hiến, hy sinh to lớn của Thông tấn xã Giải phóng, chúc mừng những thành tựu của Thông tấn xã Việt Nam về những đóng góp quan trọng cho nền báo chí cách mạng Việt Nam và sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, xây dựng đất nước những năm qua.
Cách nay tròn 60 năm, ngày 12-10-1960, tại khu rừng Chàng Riệc (tỉnh Tây Ninh), Thông tấn xã Giải phóng chính thức ra đời, phát đi bản tin đầu tiên thông báo cho quốc dân đồng bào và bè bạn trên thế giới. Trong suốt 15 năm chống Mỹ ác liệt, từ năm 1960 đến 1975, mặc dù gặp khó khăn nhiều mặt, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật thiếu thốn, nhất là phải thay đổi trụ sở hàng chục lần do bị Mỹ - ngụy tấn công, nhưng Thông tấn xã Giải phóng đã kiên quyết bám trụ, không ngừng phát triển cả về lực lượng và tổ chức, duy trì mạch thông tin liên tục, thông suốt. Với khẩu hiệu “Làn sóng điện không bao giờ tắt" như một mệnh lệnh, trong mưa bom bão đạn đội ngũ phóng viên, kỹ thuật viên, truyền báo viên, nhân viên của Thông tấn xã Giải phóng đã không quản gian khổ, hy sinh, luôn có mặt tại những nơi nóng bỏng, ác liệt nhất trên chiến trường miền Nam, từ mũi Cà Mau đến mảnh đất khói lửa Quảng trị, từ vùng nông thôn U Minh Thượng đến đô thị Sài Gòn - Gia Định, cũng chiến đấu như những người lính để có được những dòng tin, bức ảnh quý giá, nóng hổi tính thời sự.
Không chỉ cung cấp kịp thời cho các cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài nước, mà còn giúp cho Trung ương Cục miền Nam phân tích, nhận định tình hình đi đến những quyết định có tính chiến lược; những thông tin và hình ảnh về chiến thắng Ấp Bắc năm 1963, Bình Giã năm 1964, đến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân 1968… đã làm nức lòng nhân dân cả nước, có tác dụng cổ vũ, động viên mạnh mẽ tinh thần chiến đấu của quân và dân ta.
Để có được hòa bình, độc lập như ngày nay, hàng triệu đồng bào, chiến sĩ, đồng chí đã anh dũng chiến đấu, dũng cảm hy sinh vì Tổ quốc, trong đó có hơn 240 cán bộ, phóng viên Thông tấn xã Giải phóng đã ngã xuống; nhiều đồng chí đã để lại một phần thân thể trên chiến trường, nhiều phân xã đã bị xóa sổ hoàn toàn. Thông tấn xã Giải phóng là cơ quan báo chí có số lượng nhà báo hy sinh lớn nhất trong lịch sử báo chí cách mạng.
Với những thành tích và hy sinh lớn lao đó, Thông tấn xã Giải phóng đã được Trung ương Cục miền Nam khen tặng 16 chữ vàng: “Cần cù, dũng cảm, tự lực cánh sinh, khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ”; Tập thể cơ quan và nhiều cá nhân đã được khen thưởng về những thành tích tiêu biểu trong kháng chiến, như Huân chương Giải phóng hạng Nhất, Huân chương Thành đồng hạng Nhì, Huân chương Độc lập, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ các hạng…
"Và hôm nay, Thông tấn xã Giải phóng vinh dự được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, phần thưởng cao quý thể hiện sự ghi nhận trân trọng của Đảng, Nhà nước đối với những đóng góp, thành tích đặc biệt xuất sắc của tập thể các phóng viên, kỹ thuật viên, điện báo viên, nhân viên Thông tấn xã Giải phóng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước", Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn mạnh.
Thông tấn xã Giải phóng nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân ảnh 2 Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nhân viên Thông tấn xã Việt Nam

Thay mặt Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã trao tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Thông tấn xã Giải phóng và trao tặng bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh cho Thông tấn xã Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục