
Hôm qua 16-6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Cơ yếu và Luật Dân quân tự vệ.
- Không nên giao Bộ Nội vụ quản lý nhà nước về cơ yếu
Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, hiện nay, Luật An ninh quốc gia và Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước hiện hành giao Bộ Công an chịu trách nhiệm giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ bí mật Nhà nước; Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ bí mật Nhà nước trong lĩnh vực quốc phòng. Nay giao thêm Bộ Nội vụ thực hiện quản lý nhà nước về cơ yếu cũng thuộc lĩnh vực an ninh quốc gia như dự thảo luật đưa ra, như vậy là có sự chồng chéo. Vì thế đề nghị chuyển Ban Cơ yếu Chính phủ về một trong hai bộ là Bộ Công an hoặc Bộ Quốc phòng cho phù hợp tính chất hoạt động cơ mật, đặc biệt, thuộc lĩnh vực an ninh quốc gia. Cũng có ý kiến đề nghị nên để Ban Cơ yếu Chính phủ là cơ quan độc lập thuộc Chính phủ.

Đại biểu Quốc hội Võ Văn Đủ (Đắc Nông) phát biểu tại hội trường.
Vấn đề chính sách cho người làm công tác cơ yếu cũng được các ĐB tập trung thảo luận. “Hoạt động trong lĩnh vực cơ yếu rất vất vả và thường xuyên phải tiếp xúc với môi trường độc hại. Do đó, người làm việc trong lĩnh vực này phải được hưởng chế độ ưu đãi như đối với lực lượng vũ trang” - ĐB Võ Trọng Việt (Sơn La) nói và cho rằng, hiện nay có khoảng 70% những người làm cơ yếu là thuộc lực lượng vũ trang. Chỉ có 30% là dân sự. Vì vậy, không nên phân biệt và chia tách ra làm nhiều loại chế độ khác nhau.
Ngoài ra, theo ý kiến của các ĐB Nguyễn Hữu Cường (Nghệ An), Ngô Quang Xuân (Đồng Tháp), cần có chính sách thu hút nhân tài, người có đủ sức khỏe, năng lực, trình độ làm việc trong lĩnh vực cơ yếu. Một số ý kiến cho rằng, luật cần quy định rõ, có chế tài chặt chẽ hơn về việc xử lý những người làm cơ yếu vi phạm, làm lộ thông tin bí mật quốc gia.
ĐB Nguyễn Hùng Cường (Nghệ An) nói, trong bối cảnh hiện nay yêu cầu bảo vệ quốc gia đặt ra rất gay gắt, vì thế luật phải quy định rõ trách nhiệm của người làm công tác cơ yếu.
- Thời hạn phục vụ của dân quân tự vệ nòng cốt là 4 năm
Thảo luận về Luật Dân quân tự vệ, nhiều ý kiến đồng tình việc nâng Pháp lệnh dân quân tự vệ hiện hành lên thành luật. Theo dự thảo, luật quy định “Thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ nòng cốt là 4 năm”. Về vấn đề này, nhiều ý kiến nhất trí với quy định của dự thảo luật. Có ý kiến cho rằng, thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ nòng cốt chỉ nên từ 2 - 3 năm, nhưng cũng có ý kiến đề nghị cần kéo dài thêm.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, theo quy định của Pháp lệnh dân quân tự vệ hiện hành, thời hạn phục vụ của dân quân tự vệ nòng cốt là 5 năm, dự thảo luật quy định 4 năm (giảm 1 năm) cơ bản là phù hợp với thực tiễn. Với thời hạn 4 năm là bảo đảm đủ thời gian huấn luyện, học tập và hiệu quả hoạt động, đồng thời tạo nguồn lực để vũ trang toàn dân, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời bình và thời chiến. “Nếu thời hạn tham gia nghĩa vụ dân quân tự vệ là 2 - 3 năm tuy tạo được nguồn nhân lực nhiều hơn, giải quyết được công bằng xã hội, song thời hạn đó chưa đủ để bảo đảm chất lượng xây dựng, huấn luyện, hoạt động của dân quân tự vệ”, ủy ban này khẳng định.

Đại biểu Bế Xuân Trường (Bắc Kạn) phát biểu tại hội trường. Ảnh: MINH ĐIỀN
Vấn đề tập trung nhiều ý kiến khi thảo luận về dự án luật này, đó là về tổ chức lực lượng tự vệ trong doanh nghiệp. Theo đó, Chính phủ trình 2 phương án và lựa chọn phương án 1 quy định: Doanh nghiệp có tổ chức Đảng đã hoạt động ổn định từ 12 tháng trở lên, quy mô lao động phù hợp thì phải tổ chức lực lượng tự vệ. Doanh nghiệp chưa có tổ chức Đảng đã hoạt động ổn định từ 12 tháng trở lên, quy mô lao động phù hợp, có yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, an ninh theo kế hoạch của cơ quan quân sự địa phương thì được tổ chức lực lượng tự vệ do chủ tịch UBND tỉnh quyết định. Doanh nghiệp chưa có tổ chức tự vệ, người đứng đầu doanh nghiệp có trách nhiệm bố trí thời gian và kinh phí bảo đảm cho người lao động của doanh nghiệp mình thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ ở địa phương nơi họ cư trú.
Các ý kiến phát biểu có 2 quan điểm. Đa số ý kiến nhất trí với phương án của Chính phủ vì như thế vừa bảo đảm sự lãnh đạo trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với lực lượng tự vệ, vừa xác định trách nhiệm các doanh nghiệp trong việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí như dự thảo luật. Vì ủy ban này cho rằng, tổ chức, xây dựng lực lượng tự vệ trong các loại hình doanh nghiệp hiện nay là nhiệm vụ rất quan trọng. Ủy ban này cũng tán thành với quy định của dự thảo luật về việc thành lập quỹ quốc phòng - an ninh. Tuy nhiên, để bảo đảm nguyên tắc tự nguyện, phù hợp với thực tiễn từng địa phương hiện nay, đề nghị giao HĐND tỉnh quyết định.
LÂM NGUYÊN