
Dự thảo báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ VIII (2005-2010) có chú trọng đến việc phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN). Đó là một định hướng đúng của Đảng bộ thành phố, đi đúng với xu thế quốc tế, vì trong thời đại ngày nay, không chỉ nước ta mà các nước đều xác định phát triển KHCN là mặt trận hàng đầu.
Trong bài diễn văn của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào vừa đọc tại chuyến viếng thăm Việt Nam cũng xác định nhiệm vụ đầu tiên của Trung Quốc: Lấy quan niệm về phát triển khoa học để chỉ đạo toàn cục phát triển kinh tế- xã hội.

Viện Sinh học nhiệt đới với chương trình nghiên cứu gien.
Quay lại với mục tiêu của thành phố chúng ta, làm sao để KHCN “phục vụ cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” thì vẫn chưa được đề cập sâu trong dự thảo báo cáo chính trị. Vấn đề đặt ra là giải pháp nào để KHCN đi đầu, mở đường cho kinh tế- xã hội phát triển, trong khi hiện nay KHCN chưa theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội? Theo tôi, trước tiên phải tìm giải pháp thu hút được chất xám, quy tụ đội ngũ trí thức hùng mạnh của thành phố vào tham gia nghiên cứu các công trình đề án phát triển thành phố.
Cụ thể là các cơ quan quản lý nhà nước phải công khai kế hoạch một số hoạt động liên quan đến dân, “mở cửa” cho các nhà khoa học vào cuộc cùng thảo luận đóng góp ý kiến. Bởi theo quan điểm của tôi, nhà quản lý không cần phải giỏi nhiều việc mà chỉ cần biết nhiều việc và quan trọng nhất là biết sử dụng người tài.
Ví dụ, với chiến lược quy hoạch chỉnh trang đô thị, Sở Quy hoạch TP không nên “khép kín” thông tin và hoạt động như hiện nay mà phải công khai và thu hút chất xám bằng cách tổ chức nhiều cuộc hội thảo để các nhà nghiên cứu, các kiến trúc sư đề xuất giải pháp, từ đó nhà quản lý chỉ cần áp dụng những đề án khả thi nhất. Hay ở các hoạt động của ngành giao thông công chánh cũng thế, cần kêu gọi nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu cùng tham gia.
Có ý kiến cho rằng, thành phố chỉ sử dụng một nguồn nước từ sông Sài Gòn để cung cấp cho người dân thành phố là rất nguy hiểm khi có sự cố. Vì thế, thành phố cần phải xây dựng thêm một hồ chứa nước giống như hồ Dầu Tiếng để dự trữ nguồn nước phòng ngừa. Với thông tin đó, các cơ quan quản lý chuyên ngành cần kêu gọi các nhà nghiên cứu xây dựng chuyên đề về phương án này xem có cần thiết hay không, hiệu quả như thế nào, nếu được thì xây hồ ở đâu…
Sau khi xác định phương án khả thi thì mới lập đề án thực hiện, như thế sẽ hạn chế quy hoạch “treo”, lãng phí tiền của Nhà nước. Nhiệm vụ của khoa học là phải đi trước, trả lời những câu hỏi, những vấn đề mà xã hội đặt ra và như thế thì mới “mở đường cho kinh tế- xã hội phát triển”.
Thứ hai là phải tạo được mối liên kết giữa 3 nhà: nhà nước- nhà khoa học và nhà doanh nghiệp, đồng thời giải quyết chuyện đề tài nghiên cứu khoa học đảm bảo được ứng dụng vào thực tế. Vì sao nhà nước dành 2% trong tổng chi ngân sách để nghiên cứu khoa học mà TPHCM- nơi có nhiều nhà khoa học- mà vẫn không sử dụng hết?
Trong khi doanh nghiệp “khát” thành tựu khoa học để ứng dụng trong sản xuất, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm thì nhiều đề tài nghiên cứu khoa học chỉ nằm trên giấy… Điều đó cho thấy rất cần sự bắt tay chặt chẽ của 3 nhà trên. Các doanh nghiệp phải nói mình cần gì, từ đó các nhà khoa học nghiên cứu bám sát “theo đơn đặt hàng” để sản phẩm của mình được đưa vào ứng dụng.
Cách làm này sẽ quy tụ được những chuyên gia giỏi tham gia vào hoạt động kinh tế. Theo thống kê của Sở Khoa học Công nghệ TP, hiện nay có khoảng 40% số đề tài được các nhà khoa học nghiên cứu theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp và sau đó được đưa vào ứng dụng hiệu quả. Đó chính là bước khởi đầu khả quan để thành phố tiếp tục thu hút nhân tài, sử dụng hiệu quả nguồn chất xám dồi dào của mình nhằm đưa khoa học đi sâu vào thực tiễn, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển.
PHAN MINH TÂN