Thu hút đầu tư vào bất động sản: Tạo sự thông thoáng, đúng quy định pháp luật

Tại “Hội nghị gặp gỡ và trao đổi giữa lãnh đạo TPHCM với doanh nghiệp bất động sản” được tổ chức vào ngày 22-2, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nêu rõ, tạo thông thoáng để thu hút đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư nhưng cũng phải đúng quy định của pháp luật.
Đại diện doanh nghiệp kinh doanh bất động sản phát biểu tại hội nghị. Ảnh: CAO THĂNG
Đại diện doanh nghiệp kinh doanh bất động sản phát biểu tại hội nghị. Ảnh: CAO THĂNG

Hoàn thiện dự thảo báo cáo về giải quyết khó khăn, vướng mắc trong thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng các dự án nhà ở trên địa bàn TPHCM; lập tổ công tác giải quyết ngay những vướng mắc của 19 doanh nghiệp có kiến nghị cụ thể…, là những chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM tại “Hội nghị gặp gỡ và trao đổi giữa lãnh đạo TPHCM với doanh nghiệp bất động sản” được tổ chức vào ngày 22-2.

Cùng dự hội nghị có đồng chí Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TPHCM và lãnh đạo các sở ngành, Hiệp hội Bất động sản TPHCM. 

Công bố dự thảo quy trình thực hiện dự án

Doanh nghiệp (DN) đầu tư kinh doanh bất động sản (BĐS) đang gặp khó khăn, hàng loạt dự án bị ngưng trệ. Nguyên nhân được cho là xuất phát từ sự chồng chéo của quy định pháp luật, cán bộ thực thi hiểu khác nhau trước một vấn đề. Chính vì vậy, tại hội nghị, UBND TP đã công bố dự thảo về giải quyết các khó khăn vướng mắc trong thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở trên địa bàn TP. Theo đó, dự thảo đưa ra quy trình thực hiện dự án nhà ở gồm 5 bước (giảm 1 bước so với trước đây). 

Nêu ý kiến về quy trình nêu trong dự thảo, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, cho rằng, bước 4 và bước 5 cần gộp lại thành một thì hợp lý và khoa học hơn. Căn cứ mà ông Châu đưa ra là: “Bước 4 quy định DN phải thực hiện thủ tục xác định nghĩa vụ tài chính, nộp tiền sử dụng đất trước khi được công nhận là chủ đầu tư, chưa được thẩm định thiết kế dự án, chưa được cấp giấy phép xây dựng, chưa được triển khai thi công, là chưa phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành và cũng không phù hợp thực tiễn. Hơn nữa, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Xây dựng và các văn bản dưới luật đều không quy định chủ đầu tư dự án nhà ở phải nộp tiền sử dụng đất trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư dự án, giai đoạn thi công xây dựng trước khi bán nhà, nền nhà, hoặc huy động vốn bán nhà ở hình thành trong tương lai”. 

Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan cho rằng, không thể để DN triển khai dự án hoàn thành mà chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, vì đây là nguồn lực của Nhà nước.

Ông Nguyễn Văn Đồi, Tổng Giám đốc Công ty CP Địa ốc và Xây dựng SSG 2, cho rằng, việc bắt buộc doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ tài chính trước để biết năng lực doanh nghiệp như thế nào, cũng như xác định được giá thành sản phẩm, tránh tình trạng thua lỗ rồi bỏ dự án dở dang.

Sớm có kết luận các dự án thuộc diện rà soát, thanh tra

TPHCM có 158 dự án bất động sản liên quan đất công, thuộc diện phải rà soát do cơ sở pháp lý để ra quyết định chưa chính xác. Theo Hiệp hội Bất động sản TPHCM, đến nay đã có 124 dự án được vận hành trở lại kể từ tháng 3-2019, nhưng trên thực tế, nhiều dự án vẫn chưa thực sự được hoạt động bình thường. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền rà soát tính pháp lý của các dự án là rất cần thiết, để các chủ đầu tư chấn chỉnh lại hoạt động đầu tư, kinh doanh và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước, không để thất thoát nguồn thu ngân sách Nhà nước. Thế nhưng, quá trình rà soát, thanh tra đã tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều chủ đầu tư, người mua nhà, nhà đầu tư thứ cấp và cả môi trường kinh doanh.

Hiệp hội Bất động sản TPHCM đề nghị UBND TP phối hợp với các cơ quan trung ương sớm có kết luận đối với các dự án thuộc diện rà soát, thanh tra, để các chủ đầu tư chấp hành, trước hết là thực hiện các nghĩa vụ tài chính bổ sung với Nhà nước (nếu có) và được tiếp tục triển khai thực hiện dự án để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, giúp bổ sung nguồn cung sản phẩm cho thị trường bất động sản.

Cũng tại hội nghị, đại diện Tập đoàn Novaland cho biết, trong quá trình phát triển dự án những năm gần đây, tập đoàn gặp những khó khăn vướng mắc trong các chính sách pháp luật liên quan đến quản lý đất đai. Chẳng hạn như với dự án 30,2ha tại phường Bình Khánh (quận 2, TPHCM), các bộ ngành Trung ương đang rà soát lại các thủ tục pháp lý dự án chung với dự án xây dựng đô thị mới Thủ Thiêm… Đơn vị chủ động xin được đề xuất với các bộ ngành trung ương, TPHCM 2 phương án để thực hiện.

Phương án 1, được giao tiếp tục triển khai phần dự án đã hoàn thành thi công là lô D07 và phần dự án đã hoàn thành thi công phần móng như D02-D06, D08-D10; đối với phần dự án chưa triển khai thi công là lô D01 và các hạng mục thương mại dịch vụ sẽ bàn giao lại để cơ quan ban ngành tiến hành đấu giá.

Phương án 2, được tiếp tục thực hiện toàn bộ dự án với chức năng nhà ở tái định cư theo các hồ sơ pháp lý đã được phê duyệt.

Ngoài ra, còn hàng loạt vướng mắc mà nhiều doanh nghiệp đã nêu ra tại các hội nghị lần trước, đến nay nhiều vụ việc kéo dài nhiều năm nhưng vẫn chưa được giải quyết, như vụ việc xin nộp tiền sử dụng đất của Công ty CP Địa ốc Xanh, xin giao đất sau khi trúng đấu giá của Công ty CP Địa ốc Phú Long…

Một trong những những vấn đề gây ách tắc cho nhiều dự án thời gian qua là “xử lý” phần đất do Nhà nước trực tiếp quản lý trong các dự án nhà ở. Về vấn đề này, UBND TP cho biết sẽ có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho áp dụng chung trên địa bàn TP.

Theo đó, đối với quỹ đất có tổng diện ích dưới 1.000m2 do Nhà nước quản lý trong các dự án nhà ở, kiến nghị Thủ tướng chấp thuận cho UBND TP giao chủ đầu tư chuyển mục đích sử dụng đất và thực hiện theo quy hoạch. Đối với quỹ đất có tổng diện tích từ 1.000m² trở lên, kiến nghị Thủ tướng cho UBND TP thực hiện hoán đổi với chủ đầu tư có quỹ đất với diện tích tương đương để chủ đầu tư bàn giao lại cho Nhà nước quản lý, sử dụng. Ngoài ra, TP đã và sẽ kiến nghị nhiều vấn đề đối với các bộ ngành trung ương để thống nhất quy trình, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ cho doanh nghiệp.

Gặp gỡ doanh nghiệp 3 tháng/lần

 Sau khi lắng nghe các khúc mắc của DN BĐS, phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, từ năm 2000 đến nay, kinh doanh BĐS được xác định là 1 trong 9 ngành dịch vụ chủ lực của TP. Trên địa bàn TP có khoảng 415.000 DN thì trong đó có khoảng 15.000 DN kinh doanh BĐS. Tuy nhiên, lĩnh vực BĐS ngày càng khó khăn; giai đoạn 2015-2019 tăng trưởng bình quân chỉ đạt 4,3%, riêng 10 tháng đầu năm 2019 ngành xây dựng tăng trưởng âm, cuối năm 2019 mới tăng được 1%. Các dự án nhà ở thương mại được công nhận đầu tư trong năm 2019 chỉ 4 dự án, giảm 24 dự án so với năm 2018.

Thu hút đầu tư vào bất động sản: Tạo sự thông thoáng, đúng quy định pháp luật ảnh 1 Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại hội nghị. Ảnh: CAO THĂNG
Về dự thảo tháo gỡ vướng mắc trong đầu tư các dự án nhà ở, đồng chí Nguyễn Thành Phong cho biết, phải tiếp tục hoàn thiện để thống nhất khi triển khai. Những vấn đề nào thuộc thẩm quyền TPHCM thì ban hành văn bản thực hiện ngay, những vấn đề thuộc thẩm quyền trung ương thì đăng ký làm việc với Chính phủ để tiếp tục kiến nghị với Chính phủ, các bộ ngành.
Đồng chí cũng chỉ ra điểm hạn chế trong công tác phối hợp giữa các sở ngành thời gian qua là chưa đồng bộ. “Như trường hợp của Công ty Lê Thành, chỉ riêng nội dung trả lời chỉ tiêu quy hoạch cho một dự án mà gần cả năm không cơ quan nào trả lời. Được hay không được cũng phải trả lời cho DN biết”, đồng chí Nguyễn Thành Phong dẫn chứng. 

Vẫn theo đồng chí Nguyễn Thành Phong, quy trình bao nhiêu bước không quan trọng bằng việc ấn định thời gian trong bao lâu thì xong; đồng thời nêu rõ, tạo thông thoáng để thu hút đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư nhưng cũng phải đúng quy định của pháp luật.

Đối với các kiến nghị cụ thể của 19 DN đưa ra tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong giao Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan thành lập tổ công tác giải quyết dứt điểm trước ngày 30-4. Ngoài ra, mỗi 3 tháng một lần, lãnh đạo TP sẽ trực tiếp gặp gỡ DN BĐS để lắng nghe và kịp thời tháo gỡ vướng mắc. Người đứng đầu chính quyền TP nhấn mạnh, nếu việc thực hiện dự án phải kéo dài, chậm triển khai thì TPHCM thiệt hại rất lớn chứ không riêng gì DN, mà còn ảnh hưởng đến uy tín của chính quyền TP, ảnh hưởng môi trường đầu tư…

Ông NGUYỄN VĂN PHÚC, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội: Cần tháo gỡ những vướng mắc trong luật

Có 2 vấn đề cần quan tâm hiện nay. Thứ nhất là tháo gỡ những vướng mắc trong các bộ luật. Theo đó, Chính phủ cần trình Quốc hội những vướng mắc cần xử lý và phương án xử lý, những gì có thể xử lý được là làm luôn, phải phản ứng chính xác và nhanh nhất với thị trường. Thứ hai là vướng mắc về nguồn vốn và các vấn đề khác, các doanh nghiệp và hiệp hội cần giải trình, nghiên cứu và kiến nghị thật cụ thể thì mới có hướng giải quyết thấu đáo.

Ông NGUYỄN TRẦN NAM, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam: Sẽ kiến nghị và đề xuất giải pháp cho sự phát triển thị trường

Thời gian qua, thị trường bất động sản (BĐS) phải chịu tác động từ các thông tin siết chặt tín dụng vào BĐS; siết chặt thủ tục hành chính từ thành lập dự án đến khi hoàn thiện… dẫn đến thị trường có dấu hiệu trì trệ. Trong quá trình đánh giá lại tình hình giao dịch BĐS năm 2019, các số liệu cấp phép phê duyệt các dự án và tập hợp các kiến nghị của doanh nghiệp, đến thời điểm này, hiệp hội đã ghi nhận 4 vấn đề chính. Đó là các quy định trong Nghị định 20 về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết; cơ sở pháp lý cho dự án bất động sản; thủ tục hành chính trong lĩnh vực BĐS; tháo gỡ về vốn, giảm lãi suất cho vay. Hiệp hội BĐS Việt Nam sẽ tổng hợp toàn bộ về thông tin thị trường, kiến nghị các vấn đề liên quan đến các bộ luật, nghị định, văn bản và những giải pháp chi tiết cho từng kiến nghị để trình lên Chính phủ.

BÍCH QUYÊN ghi

Tin cùng chuyên mục