
Nhiều ý kiến trái ngược về dự án Luật Đầu tư (chung) trên báo chí đã làm cho phiên thảo luận hôm qua (27-7) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về dự án này thêm sôi nổi.

Thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đang khởi sắc.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Ngân sách của QH Đặng Văn Thanh đặt câu hỏi: “Chỉ luật hóa các chính sách tác động vào đầu tư hay cả việc quản lý đầu tư? Nếu dự án quy định cả về quản lý đầu tư thì sẽ trở thành vấn đề lớn và không đơn giản”.
Về vấn đề được quan tâm nhiều nhất là dự án đầu tư và thủ tục đầu tư, thay mặt Ủy ban Kinh tế – Ngân sách trình bày báo cáo thẩm tra, ông Thanh cho biết nhiều ý kiến trong ủy ban này còn chưa đồng tình.
Điều 60 của dự luật quy định các dự án phổ thông do nhà đầu tư trong nước thực hiện không thuộc diện ưu đãi đầu tư có quy mô vốn dưới 5 tỷ đồng thì không phải có giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Nhiều ý kiến cho rằng quy định mức vốn 5 tỷ đồng là thấp, cần quy định mức vốn cao hơn.
Giải trình vấn đề này, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Võ Hồng Phúc cho biết ban đầu ông cũng muốn “mở” đến 10 tỷ đồng, nhưng qua tham khảo ý kiến, một số địa phương cho rằng nếu “mở” đến mức đó thì sẽ không quản lý được.
Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Cao Sỹ Kiêm băn khoăn tại sao lại có nhiều ý kiến trái ngược về dự thảo luật: Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) cho rằng dự luật sẽ hạn chế đầu tư, hạn chế hoạt động doanh nghiệp; một số ý kiến khác thì đánh giá đây là “1 bước tiến, 2 bước lùi”, nếu thực hiện sẽ làm trỗi dậy cơ chế “xin-cho”, phát sinh thêm “giấy phép con”... Ông Kiêm cho rằng, đây là vấn đề “nhạy cảm”, Ban soạn thảo nên giải thích rõ hơn để thống nhất quan điểm.
Phát biểu mang tính định hướng về cách thức tiếp cận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An nhấn mạnh: mục đích của dự án luật này là thu hút mạnh mẽ hơn các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Chủ tịch nói: “Không đạt được mục đích này là không được. Tuy nhiên, không phải chúng ta thu hút đầu tư bằng mọi giá mà phải quản lý được để bảo đảm sự ổn định”. Nhận xét rằng, dự án luật “đã được xây dựng khá tốt”, nhưng Chủ tịch Nguyễn Văn An vẫn yêu cầu Ban soạn thảo cần tiếp tục hoàn chỉnh, bổ sung, nâng cao chất lượng dự án Luật Đầu tư (chung) để trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp cuối năm nay.
BẢO MINH