Thư pháp và văn hóa

Thư pháp và văn hóa

Cần khẳng định ngay rằng thư pháp - phép viết chữ Hán theo kiểu chữ Hán là một bộ phận văn hóa, là văn hóa. Vào dịp lễ tết, thư pháp với việc “xin chữ” và “cho chữ” là một thú chơi xuân trí tuệ, tao nhã. Thời ông cha ta, ngoài việc lo bàn thờ cúng có đèn hương, hoa quả, còn là lo sắm vài ba câu đối có chữ như “phượng múa rồng bay” hiện trên giấy hồng điều treo mừng năm mới với hàm ý là cầu xin hồng phúc, hanh thông, thịnh đạt.

Thư pháp và văn hóa ảnh 1

Chữ Hòa, thư pháp Trương Lộ. Ảnh: ĐINH TRẦN TOÁN

Hoa quả bày trên bàn thờ là trưng lộc của trời đất thuận theo mùa nào thức nấy, hương đèn là chuyện truyền thống của con người, còn câu đối tết thể hiện nét văn hóa văn minh.

Hương thắp tối đa ba nén tượng trưng: một nén thờ trời phật, một nén thờ đất đai và nén thờ tổ tiên – người, thắp tối thiểu thì chỉ cần một nén khi có chủ ý hợp nhất trời - đất - người  vào một, vừa tiết kiệm vừa trang nghiêm, không lãng phí.

Xin chữ và cho chữ là nét văn hóa đặc trưng, tiêu biểu của phương Đông nông nghiệp, của nền văn minh Hoa Hạ – Trung Hoa, của Nhật Bản, Hàn Quốc và của Việt Nam.

Thường thì, người đi “xin chữ” cần tấm lòng thành, người “cho chữ” sẵn đủ đức thuần hậu, đủ tài cho chữ. Cả hai người “xin chữ” và “cho chữ” là hai đối tượng của một chuyên ngành văn hóa được duy danh là thư pháp.

Thư là chữ nghĩa và pháp là phép tắc viết chữ nghĩa. Nói một cách khác, thư pháp chính là phép tắc, là quy phạm khi viết chữ. Hán tự với kiểu chữ tượng hình, đặc sắc ở chỗ chỉ một thao tác viết thực hiện hai chức năng: một là ghi âm tạo hình chữ, hai là đồng thời ngữ nghĩa hóa từ vựng, nghĩa là xác lập nội dung ý nghĩa của con chữ.

Hán tự đã làm một việc mà thực hiện được hai nội dung: định lượng - ghi âm hình chữ và định tính - ngữ nghĩa hóa từ vựng, rồi tùy theo điều kiện và trình độ hình dung, tưởng tượng của những cộng đồng xã hội mà tạo thêm các ý nghĩa cụ thể cho một con chữ, do đó những con chữ có “đa” nghĩa.

Hán tự mô tả khái niệm tối giản là bằng các nét “ngang bằng sổ ngay”. “Ngang bằng sổ ngay” là điều kiện ắt có (tung - hoành), là phép đầu tiên viết chữ Hán cùng với việc ngữ nghĩa hóa từ vựng là điều kiện đầy đủ mới tạo thành thư pháp... mà chữ THẬP (là 10) là điển hình của sự phối hợp hai chiều ngang - thời gian (trục hoành) “ngang” viết trước; chiều dọc - không gian (trục tung) “sổ” viết sau…

Sách vở ghi nhận thư pháp Trung Hoa có lịch sử phát triển bền vững theo tiến trình lịch sử mấy nghàn năm, mỗi giai đoạn con chữ của Hán tự có tên gọi riêng, tách bạch từng thời kỳ phát triển, khởi đầu hình như vẽ theo kiểu chân chim (hay “gà bới”), rồi tới việc thắt nút dây thừng tạo thành kiểu chữ Hoa văn Thừng, khắc chữ lên xương thành Giáp cốt văn, viết chữ lên thanh tre xanh thành kiểu Sử xanh và trên cơ sở ấy mà phát triển thành các loại chữ Triện, chữ Khải, chữ Lệ (kiểu chữ viết lép dẹp, có một nét ngang điển hình “đầu tằm đuôi én” do tầng lớp nô lệ sáng tạo ra, được tập quyền phong kiến thừa nhận và dùng, chữ “lệ” này không có nghĩa là đẹp trong chữ “mỹ lệ”), chữ Thảo, chữ Hành… và còn nhiều những quy phạm, phép tắc chi tiết cụ thể và khái quát để phân biệt, đánh giá việc viết đúng hoặc sai, đẹp hoặc xấu, có bút lực uy dũng, cương nghị hay uyển chuyển không, có thần thái ung dung tự tại, thư nhàn không, có xương thịt, có gân cốt hay không. Chúng tôi không đủ kiến thức chuyên sâu, hiểu rộng về thư pháp, nhưng mạnh dạn ghi nhận nhằm khẳng định đặc tính văn hóa của vấn đề.

Khác hẳn với kiểu chữ Hán tự, kiểu chữ quốc ngữ của ta đang dùng theo mẫu tự La tinh, viết theo một chiều ngang chỉ mới có một điều kiện ắt có “hoành” nhưng vẫn thiếu “tung”, không có điều kiện ngữ nghĩa hóa từ vựng cùng một lúc với việc “ghi âm” theo mẫu tự La tinh chỉ là việc “phiên âm” chữ cái, ghép chúng thành vần, ghép vần thành chữ, không thể ngữ nghĩa hóa từ vựng được.

Chữ tạo trước nghĩa ghép sau nên “đơn” nghĩa, do đó không thể tạo ra cái gọi là “thư pháp Việt” được. Có chăng chỉ có thể gọi đó là “thư họa” vẽ chữ chơi kiểu vẽ tranh “ấn tượng”, người vẽ thích vẽ thế nào thì tùy, thả sức, người xem thì cứ việc đoán mò vì không có quy tắc. Trào lưu “thư pháp Việt” là cách “tự bất minh” do thói quen tùy tiện khá phổ biến của nền văn minh nông nghiệp, tự ý, tự nghĩ chuẩn không qua kiểm nghiệm thực tế, tự phong như hề chèo: “tôi ra đây có phải xưng danh không nhỉ?”.

Sở dĩ chúng tôi nêu vấn đề trên nhằm nhấn mạnh cái gốc văn hóa trong truyền thống nhân - tâm - đức thể hiện bằng tính hiếu hòa - khiêm cung - thuận động của người Việt. Đất nước chúng ta đang bước vào thời kinh tế thị trường, nằm trong cung hệ thống văn minh nông nghiệp, với sức mạnh nội hàm từ tư duy hệ thống có hành động thiết thực, hiệu quả của chính mình, so với ba nước quanh ta, đã và đang nhìn thẳng vào sự thật lịch sử để khẳng định nền văn hóa của ta, khẳng định cái gốc văn hóa dân tộc, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa gốc Việt ấy nên cần, rất cần sự học và hành căn cơ, đủ sức khái quát và sáng tạo trên cái nền văn hóa với xung lực căng tràn trong mùa xuân mới!

Mạc Tuấn

Tin cùng chuyên mục