
Hôm qua (23-10), Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội. Vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là làm sao thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính.
Tăng lương: nông dân càng khó khăn
“Năm 1990, khoảng cách giàu, nghèo giữa các địa phương là 4,1 lần; năm 1993: 6,2 lần, đến năm 2004 con số đã lên đến: 8,4 lần” - đại biểu Huỳnh Thị Hường (Quảng Nam) bức xúc. “Chính phủ cần phải quan tâm hơn nữa đối với các địa phương nghèo, cần có cơ chế đầu tư riêng, mang tính chất đặc thù của từng địa phương, tạo điều kiện cho các địa phương nghèo phát triển...” – bà Hường đề nghị.

Chia sẻ ý kiến này, đại biểu Trần Công Kích (Ninh Bình) nêu rõ: Chúng ta chớ vội yên lòng khi nói về giá trị gia tăng 3,4% - 3,5% của lĩnh vực nông nghiệp, chớ vội yên lòng khi nói bình quân thu nhập 720 USD/người, bởi nông dân không được như vậy.
“Vừa rồi tôi đi tiếp xúc cử tri, ở đâu cũng cho rằng, các đối tượng hưởng lương thì được hưởng tăng lương đi theo tăng giá, nông dân thì chẳng được gì mà lại phải chịu tăng giá, nên đã khó khăn lại càng khó khăn hơn”, ông Kích nói.
Ông đề nghị Chính phủ phải tăng cường quản lý Nhà nước về giá vật tư nông nghiệp, đồng thời, phải tập trung huy động vốn, xây dựng thêm nhà máy sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giảm bớt khó khăn cho nông dân.
Đại biểu Trần Hồng Việt (Cần Thơ) thẳng thắn: Tỷ lệ hộ nghèo là 19%, liệu có phản ảnh đúng thực chất? Hiện nay, có một thực tế là nhiều xã đã giao chỉ tiêu cho ấp số lượng cụ thể về hộ nghèo, ấp thông báo về chỉ tiêu số lượng được giao để trên cơ sở đó bình chọn không được vượt, vì chọn số lượng hộ nghèo theo tiêu chí quy định hiện hành thì sẽ vượt, làm ảnh hưởng đến tiêu chí ấp văn hóa, xã văn hóa, thành tích thi đua, khen thưởng! Đời sống thu nhập của đông đảo nông dân tiếp tục khó khăn, chưa được cải thiện đáng kể gì.
Tỉnh và thành phố: không thể mặc áo giống nhau!
Đại biểu Trần Hồng Việt (Cần Thơ) nhấn mạnh: Thủ tục hành chính là khâu trì trệ, yếu kém nhất so với các lĩnh vực khác, hàng năm ngân sách phải bỏ ra 40 tỷ đồng để thực hiện đề án CCHC nhưng kết quả như thế nào thì chưa thấy báo cáo của Chính phủ đề cập, đánh giá.
Đại biểu Đặng Thuần Phong băn khoăn: “Việc tinh giảm bộ máy biên chế, nâng cao hiệu quả phục vụ của chính quyền trước nhân dân ra sao mà năng lực cạnh tranh môi trường kinh doanh của ta bị tụt hạng. Khiếu nại, tố cáo của công dân cũng có dấu hiệu phức tạp và bất an hơn...”.
Đại biểu Phạm Phương Thảo (TPHCM) cho rằng, cần sắp xếp tổ chức bộ máy phù hợp với nhiệm vụ mới theo hướng làm gọn bộ máy, bộ đa ngành, phân cấp mạnh hơn nữa giữa trung ương với địa phương và địa phương với cơ sở.
Theo bà Thảo, để làm tốt công tác này, cần phải quan tâm xây dựng đội ngũ công chức có trình độ, có tâm, có tinh thần phục vụ dân, đào tạo cán bộ. Cùng với điều đó là xây dựng trách nhiệm công chức gắn với trách nhiệm công dân, vừa đề cao trách nhiệm công chức, vừa đề cao trách nhiệm công dân. Dân cũng tự chịu trách nhiệm với hành vi của mình.
Bà Thảo dẫn chứng: TPHCM đã thực hiện khoán biên chế và quản lý hành chính từ phường đến thành phố. Năm nay, việc khoán đã tiết kiệm khoảng 70 tỷ đồng và biên chế chưa sử dụng là 2.574 người; đãi ngộ cho người có trình độ đại học về công tác tại phường, xã (về xã thì được thêm 800.000 đồng, về phường thì được thêm 600.000 đồng)…
Từ đó, đại biểu Phạm Phương Thảo đề nghị Quốc hội cho TPHCM làm thí điểm mô hình chính quyền đô thị vào cuối năm 2007. “Vì thành phố có những vấn đề riêng của thành phố, tỉnh có những vấn đề riêng của tỉnh. Chúng ta mặc áo giống nhau hết thì không phù hợp, cùng một kiểu phân cấp như nhau, cùng một cơ chế như nhau thì khó. Do đó, tôi thấy trong thời kỳ hội nhập và phát triển, chúng ta cần phân cấp, cần cơ chế quản lý hợp lý hơn cho từng vùng”.
HÀ MY – ANH PHƯƠNG