Thủ tướng: Bảo đảm phát triển hòa bình, nhưng kiên quyết không nhân nhượng về chủ quyền ​

"Chúng ta bày tỏ lòng tiếc thương tới những công dân Việt Nam thiệt mạng trong thảm kịch vừa xảy ra tại Anh và xin chia buồn với gia quyến các nạn nhân. Chúng ta không được để thảm kịch đó tái diễn. Thực tiễn và bối cảnh đòi hỏi chúng ta phải hành động thiết thực hơn nữa, nhanh và mạnh hơn nữa, hiệu quả hơn nữa để đạt mục tiêu chiến lược là dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, Thủ tướng nêu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo trước Quốc hội. Ảnh: VGP
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo trước Quốc hội. Ảnh: VGP

Tiếp tục chương trình chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 8, từ 14 giờ 45, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc báo cáo làm rõ vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Đây cũng là thành viên Chính phủ cuối cùng trả lời chất vấn tại kỳ họp lần này, khép lại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khoá XIV.

Trước đó, 4 bộ trưởng đã tham gia trả lời chất vấn chính gồm: Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng.

Trước khi trả lời chất vấn trực tiếp các ĐBQH, Thủ tướng đã có báo cáo giải trình thêm một số vấn đề ĐBQH quan tâm. Thủ tướng nhấn mạnh, qua phiên chất vấn, các ĐBQH đã nhiệt tâm theo dõi, đặt nhiều câu hỏi chất vấn sâu sắc, giúp cho các thành viên Chính phủ nâng cao chất lượng quản lý, điều hành. Thủ tướng cũng xin ghi nhận ý kiến của cử tri và nhân dân cả nước đã phản ánh tại kỳ họp, Chính phủ trân trọng cảm ơn sự quan tâm giám sát, đánh giá của các ĐBQH đối với Chính phủ và các thành viên Chính phủ.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tham dự phiên trả lời chất vấn chiều 8-11

Không được để thảm kịch 39 nạn nhân tái diễn

Thủ tướng nhấn mạnh, theo tinh thần cương lĩnh bổ sung, phát triển 2011, đến giữa thế kỷ XXI, phấn đấu xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, thì những khó khăn, thách thức phía trước là không hề nhỏ. Xóa đói giảm nghèo đã khó, làm cho đất nước cường thịnh, bền vững, thu hẹp và tiến kịp các nước phát triển, sẽ càng khó khăn hơn nhiều. “Thách thức lớn nhất của chúng ta hiện nay không phải là thoát bẫy thu nhập trung bình. Nguy cơ lớn nhất không phải là tụt hậu kinh tế mà thách thức lớn nhất của chúng ta chính là thiếu ý chí mạnh mẽ vươn lên và không hành động vì sợ trách nhiệm”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng: Bảo đảm phát triển hòa bình, nhưng kiên quyết không nhân nhượng về chủ quyền ​ ảnh 2 Thủ tướng Nguyễn Xuân  Phúc trao đổi với ĐBQH trong giờ giải lao. Ảnh VIẾT CHUNG

Thủ tướng cho rằng, nguồn lực phát triển lớn nhất của đất nước ta không phải là “rừng vàng, biển bạc”. Nguồn lực phát triển lớn nhất của đất nước ta chính là con người, là gần 100 triệu người dân Việt Nam. Đảng và Nhà nước ta cùng cả hệ thống chính trị cam kết luôn nỗ lực chăm lo cho mọi người dân được chăm sóc sức khỏe, được học hành, được có việc làm, không ai bị bỏ lại phía sau.

Phải làm sao để mỗi người dân Việt Nam có cơ hội thực hiện khát vọng làm giàu hợp pháp, phát triển khả năng trên chính mảnh đất quê hương. “Chúng ta bày tỏ lòng tiếc thương tới những công dân Việt Nam thiệt mạng trong thảm kịch vừa xảy ra tại Anh và xin chia buồn với gia quyến các nạn nhân. Chúng ta không được để thảm kịch đó tái diễn. Thực tiễn và bối cảnh đòi hỏi chúng ta phải hành động thiết thực hơn nữa, nhanh và mạnh hơn nữa, hiệu quả hơn nữa để đạt mục tiêu chiến lược là dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, Thủ tướng nêu.

Phiên chất vấn Quốc hội ngày 8-11. Ảnh: VIẾT CHUNG

Để đạt được mục tiêu đó, Thủ tướng cho rằng, chúng ta phải cùng quyết chí, đồng tâm hợp lực với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Nghị quyết, chính sách của quốc gia thực thi có hiệu quả hay không thì cần có sự chung tay vào cuộc quyết liệt của toàn hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò chủ động, tích cực của các địa phương. Cùng một thể chế và chính sách nhưng một số địa phương tạo được môi trường đầu tư, kinh doanh rất tốt trong khi nhiều địa phương khác lại chưa tốt. Không ít ngành, địa phương giải ngân vốn đầu tư công cao, nhưng ngược lại nhiều nơi còn rất thấp. Tại sao cùng vướng mắc như nhau, có địa phương chủ động quyết liệt tháo gỡ để triển khai thành công, có địa phương lại chưa làm được? “Câu trả lời chủ yếu nằm ở sự quyết tâm của mỗi chúng ta, ở việc nhận diện những khó khăn, thách thức và năng lực sáng tạo, sự quyết liệt trong tổ chức thực hiện của chúng ta”, Thủ tướng Chính phủ khẳng định.

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận hoàn thành vào đầu năm 2021

Một lần nữa, Thủ tướng báo cáo Quốc hội: năm 2019 là năm thứ hai liên tiếp dự báo chúng ta đạt và vượt toàn bộ 12/12 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó có 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Nhưng kết quả này sẽ cao hơn nữa nếu mỗi chúng ta cùng nêu gương, hành động quyết liệt hơn để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của nền kinh tế.

Trong báo cáo của mình, Thủ tướng đã làm rõ thêm về các vấn đề trọng tâm mà Quốc hội, đồng bào, cử tri cả nước quan tâm như giải ngân vốn đầu tư công; về dự án trọng điểm quốc gia Cảng hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành) và đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông; về triển khai Nghị quyết về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu; cơ cấu lại DNNN; cơ cấu lại các ngân hàng thương mại yếu kém và xử lý nợ xấu …

Thủ tướng: Bảo đảm phát triển hòa bình, nhưng kiên quyết không nhân nhượng về chủ quyền ​ ảnh 4 Thủ tướng Nguyễn Xuân  Phúc  dự  phiên trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ

Về sân bay Long Thành và đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Thủ tướng nhấn mạnh đây là những dự án đã được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư, ưu tiên bố trí vốn. Thủ tướng Chính phủ đã báo cáo Quốc hội và phê duyệt báo cáo khả thi sân bay Long Thành. Tỉnh Đồng Nai đã cam kết bàn giao mặt bằng vào đầu năm 2020 để khởi công vào đầu năm 2021 và hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2025. Đối với 11 dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc -  Nam phía Đông, trong số 3 dự án đầu tư công thì đã khởi công 1 dự án, 2 dự án còn lại sẽ triển khai trong quý IV năm nay. 8 dự án theo hình thức PPP chuyển sang đấu thầu trong nước, sẽ triển khai xây dựng vào giữa năm 2020.

Về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, Thủ tướng báo cáo còn nhiều khó khăn về nguồn vốn, trong khi hệ thống hạ tầng giao thông kết nối còn nhiều bất cập và tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển nghiêm trọng gần đây... Chính phủ đã và đang tập trung chỉ đạo, quyết tâm sớm hoàn thành các tuyến đường bộ quan trọng kết nối các địa phương trong vùng ĐBSCL; đặc biệt cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã được ưu tiên bố trí đủ vốn và dự kiến hoàn thành vào đầu năm 2021; Dự án cầu Mỹ Thuận 2 sẽ triển khai quý 1-2020 và đoạn cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ sẽ sớm triển khai thực hiện.

Chúng ta có kế hoạch bố trí 16.700 tỷ đồng cho các dự án phát triển ĐBSCL. Chính phủ sẽ kiến nghị Quốc hội tiếp tục bố trí đủ 3.400 tỷ đồng nữa từ kế hoạch đầu tư công trung hạn và dự phòng ngân sách Trung ương 2019 để hỗ trợ các địa phương trong vùng. Thời gian tới, Chính phủ tiếp tục ưu tiên bố trí ngân sách và tăng cường huy động các nguồn lực xã hội để giải quyết các vấn đề cấp bách của vùng. Quyết tâm thực hiện hiệu quả các đề án, chương trình đã được duyệt, không ngừng cải thiện đời sống của hơn 20 triệu người dân vùng ĐBSCL, phát huy hơn nữa các tiềm năng, thế mạnh và sự đóng góp của vùng cho đất nước.

Kiên quyết không nhân nhượng với các hành vi xâm phạm chủ quyền

Về quốc phòng, an ninh, Thủ tướng chia sẻ sự quan tâm, lo lắng của ĐBQH trước các hành vi vi phạm nghiêm trọng các vùng Biển của nước ta được xác định theo luật pháp quốc tế trên biển Đông, các ĐB đã hiến kế cho Chính phủ nhiều giải pháp cụ thể. Đây cũng là mối quan tâm, nỗi lo lắng chung của đồng bào ta. Thủ tướng nhấn mạnh: chúng ta đều biết dân tộc ta đã trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, trải qua nhiều cuộc đấu tranh bảo vệ tổ quốc, gìn giữ độc lập và thống nhất đất nước nên khó có ai thấm nhuần ý nghĩa của hòa bình sâu sắc hơn chúng ta. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và trên cơ sở các căn cứ pháp lý, thời gian qua, chúng ta kiên quyết, kiên trì bảo vệ toàn vẹn chủ quyền, quyền chủ quyền trên vùng biển nước ta.

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của ĐBQH, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các lực lượng chức năng triển khai các hoạt động thực thi pháp luật bằng các giải pháp phù hợp, “dĩ bất biến, ứng vạn biến” bảo đảm môi trường phát triển hòa bình, nhưng kiên quyết không nhân nhượng với các hành vi xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của nước ta trên biển Đông. Đồng thời tranh thủ sự ủng hộ, đồng tình của bạn bè quốc tế, của những quốc gia và lực lượng yêu chuộng hòa bình và công lý.

Về đấu tranh chống tham nhũng, Thủ tướng cũng khẳng định sẽ tiếp tục đấu tranh không khoan nhượng với tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Phải bằng công cụ pháp luật và sử dụng mạnh mẽ các chế tài pháp luật để làm trong sạch đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đi đôi với đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện thể chế pháp luật để loại trừ những kẽ hở dễ bị lợi dụng, sửa đổi những quy định không rõ ràng, chồng chéo, thậm chí mâu thuẫn. Yêu cầu các đồng chí Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, các cơ quan thực thi bảo vệ pháp luật và các cơ quan liên quan khác rà soát lại đội ngũ để đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, gây nhũng nhiễu người dân và doanh nghiệp.

Trong báo cáo của mình, Thủ tướng cũng nhấn mạnh thông điệp của Chính phủ về môi trường đầu tư kinh doanh, công tác bảo vệ môi trường, về giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc mà ĐBQH nêu như tình trạng xuống cấp về văn hóa, đạo đức, bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em; hành xử côn đồ; tai nạn giao thông, đuối nước, cháy nổ nghiêm trọng; về năng lực bộ máy hành chính và chất lượng cán bộ.. 

Hãy thắp lên tinh thần tự tôn, tự trọng dân tộc

Theo Thủ tướng, trong năm 2020, chúng ta đồng thời thực hiện vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Chủ tịch liên Nghị viện ASEAN (AIPA) và đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc nhiệm kỳ 2020- 2021. Để hoàn thành các trọng trách quốc tế lớn này, rất cần sự tham gia, hợp tác, cùng hành động của cả hệ thống chính trị và người dân, đặc biệt là của các ĐBQH, của cộng đồng quốc tế, các đối tác phát triển, Chính phủ các nước, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài. Chính phủ Việt Nam trân trọng cảm ơn và mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, hợp tác cùng phát triển thịnh vượng của bạn bè quốc tế.

“Chưa bao giờ đất nước đứng trước nhiều thời cơ và thuận lợi lớn như hiện nay. Chúng ta phải tận dụng triệt để những thời cơ lớn đó, phải nỗ lực bằng tất cả trái tim và khối óc, phải hành động bằng ý chí và sức mạnh của cả dân tộc chúng ta; bằng sự đoàn kết chung sức, đồng lòng của toàn dân và trong toàn hệ thống chính trị cũng như trong từng cơ quan/đơn vị như Bác Hồ kính yêu từng dạy: Dân ta nhớ một chữ đồng: Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng kêu gọi hãy thắp lên ngọn lửa yêu nước, tinh thần tự tôn, tự trọng dân tộc, tinh thần tự lực, tự cường vượt qua mọi khó khăn, thách thức trong mỗi chúng ta; hãy khơi dậy sức sáng tạo với ngọn lửa đầy nhiệt huyết và đam mê, hãy hành động mạnh mẽ, quyết liệt trên mỗi cương vị của mình. Các cơ quan truyền thông, báo chí cần đóng góp khơi dậy ý chí, khát vọng dân tộc hùng cường, thịnh vượng để đưa đất nước đến bến bờ vinh quang.

Tin cùng chuyên mục