

Bộ trưởng Đào Đình Bình
Sáng qua, 4-4, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã có cuộc làm việc riêng với Bộ trưởng Bộ GT-VT Đào Đình Bình. Đây là cuộc làm việc bất thường, theo đề nghị ngày 3-4 của Bộ trưởng. Tại cuộc làm việc này, với tư cách là một thành viên Chính phủ, Bộ trưởng đã nhận trách nhiệm của mình trước Thủ tướng trong việc để xảy ra vụ việc nghiêm trọng tại PMU18 cũng như một số vụ việc gây dư luận xấu diễn ra tại đây. Thủ tướng đã chấp thuận về mặt nguyên tắc đơn từ chức của Bộ trưởng.
Liên quan đến việc xin từ chức của Bộ trưởng Đào Đình Bình, sáng nay, 5-4, Thường trực Chính phủ sẽ có cuộc họp đột xuất. Tại cuộc họp này, Thường trực Chính phủ sẽ đánh giá một cách toàn diện việc xin từ chức của ông Bình, đồng thời bàn phương án về nhân sự để bảo đảm hoạt động bình thường tại Bộ GT-VT. Trong đó, có việc đề xuất phương án bổ sung nhân sự cho Bộ GT-VT, vì khi hoàn tất thủ tục cho ông Bình từ chức, Bộ GT-VT sẽ thiếu hai vị trí chủ chốt: Bộ trưởng kiêm Bí thư Ban cán sự Đảng và Thứ trưởng thường trực kiêm Bí thư Đảng ủy.
Tuy nhiên, theo đánh giá của một nhà quản lý, có thể Quốc hội sẽ không cho ông Đào Đình Bình từ chức mà sẽ cách chức ông. Nhà quản lý này lập luận trách nhiệm của ông Đào Đình Bình trong vụ PMU18 là rất lớn. Từ năm 2002 đến nay, đã ít nhất 4 lần Bộ trưởng bị yêu cầu kiểm điểm, phê bình nhưng hầu hết đều lẩn tránh trách nhiệm.
Lần đầu tiên là vụ sai phạm gần 20 tỷ đồng trong việc đầu tư, nâng cấp 9 cầu đường sắt. Tại thông báo số 142 ngày 8-1-2004, Văn phòng Chính phủ đã truyền đạt ý kiến của Thủ tướng yêu cầu kiểm điểm, xử lý sai phạm diễn ra tại dự án này theo đề nghị của Thanh tra Chính phủ. Khi sai phạm diễn ra, ông Bình còn là Tổng Giám đốc Liên hiệp đường sắt Việt Nam-chủ đầu tư dự án. Tuy nhiên, do lúc thông báo xử lý, ông Đào Đình Bình đang là Bộ trưởng Bộ GT-VT nên vụ xử lý này chỉ được tiến hành qua loa tại Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam.
Lần thứ hai là vụ đổ tàu E1 ngày 12-3-2005 làm chết 11 người, bị thương 70 người. Tàu E1 cũng là “sản phẩm” của ông Đào Đình Bình. Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã yêu cầu Bộ trưởng Đào Đình Bình phải báo cáo nguyên nhân và kiểm điểm trách nhiệm. Thủ tướng cũng yêu cầu tương tự đối với vị Bộ trưởng này.
Tuy nhiên, ông Đào Đình Bình đã đẩy hoàn toàn trách nhiệm cho lái tàu và cấp dưới của mình ở Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam. Bộ trưởng cũng là người bị Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An nhắc nhở vì đã không trả lời chất vấn, đến ngày trả lời chất vấn thì đi công tác nước ngoài. Đi xa hơn, trong kỳ họp sau (kỳ thứ 8, tháng 11-2005), khi đại biểu Quốc hội chất vấn về những tiêu cực diễn ra trong ngành, ông Bình lại ngụy biện: “Tôi là Ủy viên Trung ương, chịu sự quản lý của Trung ương Đảng, các vụ việc báo chí nêu đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét, kết luận”.
Tuy nhiên, đến vụ PMU18 thì giọt nước đã tràn ly. Một văn bản của Thủ tướng đã được gửi lên Bộ Chính trị đề nghị đình chỉ công tác đối với ông Bình sau khi ông này tiếp tục thể hiện sự dửng dưng với tiêu cực của ngành và một lần nữa đùn đẩy, vô trách nhiệm. Và nay, trong lần đầu tiên dám thẳng thắn nhận trách nhiệm của mình (sau khi được Thủ tướng yêu cầu), Bộ trưởng Bình đã được chấp thuận từ chức.
Thủ tục nào để ông Bình rời chính trường? |
KIẾN QUỐC