Thúc đẩy hợp tác song phương
Ngay sau khi tới Pháp, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới đặt vòng hoa tại tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh và thăm không gian Hồ Chí Minh ở TP Montreuil (cách Paris khoảng 15km về phía Đông).
Trong chương trình làm việc tại Pháp, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ hội đàm với Thủ tướng Pháp, hội kiến Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, gặp Chủ tịch Thượng viện và Chủ tịch Quốc hội Pháp. Thủ tướng cũng sẽ có các cuộc hội kiến, tiếp, gặp Tổng Giám đốc UNESCO, Tổng thư ký Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ, Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế, Giám đốc điều hành chương trình COVAX, Hội Hữu nghị Pháp - Việt; gặp gỡ cộng đồng và cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp và một số nước châu Âu…
Quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp đang trên đà phát triển tích cực. Hai nước có mối quan hệ hợp tác, gắn bó truyền thống qua các thăng trầm của lịch sử. Lãnh đạo cấp cao Việt Nam và Pháp thời gian qua đã tăng cường quan tâm, nhấn mạnh sự cần thiết thúc đẩy quan quan hệ song phương. Hai nước sẽ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ Đối tác chiến lược vào năm 2023.
Hiện Pháp là bạn hàng lớn thứ 4, nhà đầu tư lớn thứ 2 và nhà tài trợ ODA hàng đầu của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU). Nhiều tập đoàn lớn của Pháp mong muốn đầu tư vào các dự án tại Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực hàng không, cơ sở hạ tầng và đô thị thông minh, năng lượng tái tạo, ứng phó với biến đổi khí hậu, công nghệ cao.
Ngoại giao vaccine là trọng tâm
Đưa tin chuyến thăm Pháp của Thủ tướng Phạm Minh Chính, nhật báo kinh tế La Tribune cho biết, ngoài tăng cường hợp tác y tế, Việt Nam và Pháp sẽ ký kết nhiều thỏa thuận trong các lĩnh vực hàng không vũ trụ, cơ sở hạ tầng, năng lượng tái tạo và công nghệ cao. Theo nhật báo trên, chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính diễn ra trong bối cảnh đặc biệt, khi đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp ở Việt Nam. Do đó, ngoại giao vaccine là một trong những hoạt động trọng tâm của chuyến thăm này. Thủ tướng Phạm Minh Chính dự kiến sẽ thăm Viện Pasteur và cơ sở nghiên cứu và phát triển của Sanofi tại Vitry-sur-Seine. Thủ tướng cũng sẽ gặp gỡ đại diện Liên đoàn Y tế Pháp - Việt được thành lập năm 2015, quy tụ khoảng 20 hiệp hội và chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực đào tạo nhân lực y tế, chuyển giao kinh nghiệm cũng như cấp thiết bị y tế cho Việt Nam.
Là thành viên của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ, Việt Nam đã sử dụng sức mạnh mềm để nâng cao vai trò nòng cốt trong quan hệ giữa châu Á và châu Âu. Trong giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng Covid-19, Việt Nam đã tặng Pháp hàng trăm ngàn chiếc khẩu trang khi Pháp còn chưa sẵn sàng đối mặt với đại dịch. Đáp lại, tháng 9 vừa qua, Pháp đã hỗ trợ 672.000 liều vaccine Covid-19 của hãng AstraZeneca cho Việt Nam.
Nhật báo La Tribune nhận định, hợp tác thương mại là một trong những động lực chính của quan hệ hai nước. Theo đó, Pháp là nhà đầu tư châu Âu lớn thứ 3 ở Việt Nam và cũng là nước viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn thứ 3 cho Việt Nam. Hiện có khoảng 300 công ty Pháp đang hoạt động tại Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, môi trường, công nghiệp, phân phối, dịch vụ và y tế. Trong thập kỷ qua, giá trị thương mại song phương đã tăng gấp 4 lần, đạt 7,2 tỷ EUR vào năm 2019. Chuyến thăm Pháp của Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ là cơ hội để thúc đẩy quan hệ thương mại song phương. Do khủng hoảng y tế, trao đổi thương mại giữa hai nước giảm xuống còn 6,3 tỷ EUR trong năm ngoái.