Cán bộ cơ sở ở TPHCM

Thừa người yếu, thiếu người giỏi

Thừa người yếu, thiếu người giỏi

Khuyến khích người có trình độ đại học về cấp cơ sở công tác, từ tháng 8-2005, TPHCM đã có chính sách trợ cấp 800.000 đồng/tháng (hệ chính quy), 500.000 đồng/tháng (tại chức) cho người về xã - thị trấn; 600.000 đồng/tháng (chính quy), 400.000 đồng/tháng (tại chức) cho người về phường công tác. Với mức trợ cấp này, thu nhập cơ bản của cán bộ cấp phường cao hơn cấp quận. Nhưng đến nay, cấp cơ sở vẫn… thừa người yếu, thiếu người trình độ. Vì sao?

Lương cao, sao không về?

Thừa người yếu, thiếu người giỏi ảnh 1

“Nếu về phường được thêm 600.000 đồng/tháng cũng chẳng ham, số tiền đó chẳng xứng đáng gì với công việc phải làm” - Lê Thị Phương, cán bộ trẻ phường 3 quận 11 quả quyết bằng chính quá trình công tác tại phường của mình khi chúng tôi hỏi vì sao TP đã có chính sách hỗ trợ mà vẫn chưa hút được người có trình độ.

Tốt nghiệp Đại học Luật năm 2003, được Thành ủy phân công về phường công tác đến nay, Phương nói: “Nếu so thu nhập của người có trình độ đại học về phường công tác (gồm hệ số 2.34 x 350.000 + 600.000 trợ cấp) sẽ cao hơn người công tác ở quận (2.34 x 350.000). Thế nhưng, ở phường nhiều việc lắm, làm một ngành lại phải “dính” đến nhiều ngành. Vừa làm việc hành chính là tư pháp - hộ tịch, tôi còn phải phối hợp với các ngành địa chính, đô thị để xác minh, kiểm tra. Ngoài giờ còn phải tham gia đoàn thể, Đoàn TNCS, tối đi họp khu phố, tổ dân phố, tham gia văn nghệ…”.

Đã thế, theo Phương có mệt cũng phải mềm mỏng, nếu không là dân chửi! Nói chung, ở quận thì được làm chuyên môn, còn ở phường chủ yếu là phong trào. Vì thế, Chủ tịch UBND phường 3, quận 11 Lê Quang Tâm than: “Nếu áp dụng Bộ luật Lao động vào phường thì chắc chắn chủ tịch sẽ bị kiện vì luôn phân công cán bộ làm ngoài giờ (không có tiền bồi dưỡng) mà người nào không làm còn bị kỷ luật”.

Thừa người yếu, thiếu người giỏi ảnh 2

Nguyễn Thị K.D. một sinh viên ra trường đã 2 năm, đang ở lại TP “chạy sô” dạy kèm kiếm tiền chứ không làm ở phường - xã. D. bảo: “Nói thì nghe “mở” lắm nhưng hỏi kỹ, các phường - xã không nhận người ngoài TP.

Còn Nguyễn T.D. (ở Hóc Môn) đang làm hợp đồng ở một đơn vị phường than: “Ai đi làm mà không cầu tiến, nhưng về phường mà không quen biết, lý lịch không tốt thì chẳng có cơ hội thăng tiến đâu chị ơi. Chắc em nghỉ ở đây quá!”.

Khi tôi hỏi Nguyễn Thanh Tr., vừa tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin, gia đình lại có truyền thống cách mạng - đang cầm hồ sơ đi tìm việc - vì sao không về phường làm, em trả lời: “Em muốn đi làm cho các công ty lớn, ngoài việc lương cao còn có cơ hội tiếp cận với thế giới bên ngoài chứ ai lại về phường chỉ để quản lý vài máy vi tính cũ mèm, lương chỉ ba đồng ba cộc, chán lắm!”.

Năm 2010, 95% cán bộ chỉ có trình độ trung cấp!?

Thừa người yếu, thiếu người giỏi ảnh 3

Lê Thị Phương, cử nhân luật, 3 năm làm việc ở phường, lương chỉ hơn 1 triệu đồng/tháng.

Theo số liệu thống kê của TP, hiện nay gần 50% cán bộ phường - xã chưa qua đào tạo chuyên môn. Đã thế, đến giờ nhiều nơi cũng đổ thừa là người có trình độ chê lương ít nên không về phường để “bốc” cán bộ từ phong trào, đoàn thể sang - đa số là người rớt đại học.

Nói là tuyển không được người, nhưng theo tôi được biết hầu như chẳng có nơi nào công khai đăng báo tuyển dụng - trừ đợt thi tuyển gần đây của quận Gò Vấp. Phải chăng nhiều nơi không công khai thông tin tuyển người để nhận người quen biết, yếu về trình độ vào làm việc như dư luận phản ánh?!

Còn cấp TP thì mới đặt ra mục tiêu “dè dặt”: “Phấn đấu đến năm 2010, công chức phường - xã - thị trấn có trình độ trung cấp trở lên đạt 95%” (trích Quyết định 127/2006/QĐ-UB về việc phê duyệt kế hoạch đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức nhà nước giai đoạn 2006 - 2010, do Phó Chủ tịch UBNDTP Nguyễn Thành Tài ký ngày 24-8-2006). Điều này cũng “gây khó” cho cơ sở.

Anh Nguyễn Thanh Trí, Trưởng phòng Nội vụ quận 11 than: “Nghị định 121/2003/NĐ-CP yêu cầu cán bộ cấp phường xã chỉ cần đạt trung cấp, nhưng TPHCM là thành phố hiện đại nhất cả nước, lại đang xây dựng chính quyền đô thị đặc thù mà trình độ chỉ bằng các xã vùng sâu vùng xa là không phù hợp. Còn việc tuyển người, đâu phải ai có trình độ cũng muốn về phường làm. Nghị định 121 của Chính phủ không đặt ra vấn đề hộ khẩu, nhưng TP lại “chỉ tuyển người có hộ khẩu thành phố”, càng làm cho công tác tuyển chọn khó khăn hơn.

Thứ hai, tại sao TP không giải quyết “đầu ra” cho những cán bộ lớn tuổi, không đáp ứng trình độ. Chỉ cần, ngay từ bây giờ TP quy định, sau 2 năm, cán bộ nào không có bằng trung cấp thì giải quyết cho về hưu non (và TP tổ chức các khóa học hoặc hỗ trợ một phần kinh phí đào tạo). Như thế, chỉ cần đến năm 2008 là 100% cán bộ cơ sở đạt trung cấp chứ không cần đến 2010 với 95% trung cấp như chỉ tiêu trên.

Tiếp theo, khi TP đã có chính sách thu hút nhân tài thì cần bỏ quy định về hộ khẩu trong tuyển dụng để ngay từ bây giờ thu hút tất cả sinh viên hệ chính quy mới ra trường về làm việc nhằm nâng cao chất lượng cán bộ phường - xã, đáp ứng tốt nhu cầu của dân.

HÀN NI

 

Tin cùng chuyên mục