
“Chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch nước Trần Đức Lương là chuyến thăm quy mô, thu hút nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam tham gia”, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc đã nói như vậy với phóng viên SGGP, hôm qua, 17-7, trước khi ông cùng đoàn doanh nghiệp tháp tùng Chủ tịch nước Trần Đức Lương sang thăm hữu nghị chính thức Trung Quốc.
Một thành viên khác của đoàn cũng nhận xét, kết quả các cuộc hội đàm cấp cao trong chuyến đi này sẽ làm cho tiến trình hiện thực hóa các cam kết giữa hai bên được rút ngắn.
- Nâng kim ngạch buôn bán hai chiều lên 15 tỷ USD

Nhân dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc qua lại cửa khẩu Lào Cai trao đổi hàng hóa.
Trung Quốc hiện là quốc gia có GDP lớn thứ 6 trên thế giới với tổng trị giá đạt 1.650 tỷ USD. Tỷ lệ GDP của Trung Quốc trong GDP thế giới đã tăng từ 5% trong năm 1978 lên trên 10% vào thời điểm hiện nay. Trung Quốc cũng là một địa chỉ thu hút mạnh đầu tư nước ngoài.
Tổng giá trị các dự án đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc đạt trên 1.000 tỷ USD, góp phần đưa giá trị công nghiệp của nước này lên 882 tỷ USD vào cuối năm qua, góp phần tạo ra trên lãnh thổ Trung Quốc nhiều tập đoàn kinh tế mạnh.
Tổng kim ngạch ngoại thương của Trung Quốc năm 2004 đạt 1.154 tỷ USD. Theo Bộ Thương mại, năm 2004, kim ngạch buôn bán hai chiều giữa Trung Quốc và Việt Nam mới đạt 7,2 tỷ USD, chỉ chiếm 0,6% tổng kim ngạch ngoại thương Trung Quốc. Trong khi đó, đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam cũng còn khiêm tốn.
Tính đến tháng 5-2005, tổng vốn đầu tư của Trung Quốc mới đạt khoảng 675,6 triệu USD, đứng thứ 15 trong tổng số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ của hai nước đã cam kết đưa giá trị trao đổi thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Trung Quốc vượt trên 10 tỷ USD vào năm 2010. Tuy nhiên, đây vẫn là chỉ tiêu rất khiêm tốn so với tiềm năng và quan hệ giữa hai nước. Vì vậy, theo một thành viên trong đoàn quan chức tháp tùng Chủ tịch nước Trần Đức Lương, chuyến đi này sẽ thúc đẩy tiếp tục nâng kim ngạch buôn bán Việt – Trung lên 14 - 15 tỷ USD vào năm 2010.
Điều này đồng nghĩa với việc dầu thô, cao su, than, rau quả, thủy sản... của Việt Nam sẽ “chảy” vào Trung Quốc nhiều hơn. Ngược lại, máy móc, thiết bị, xăng dầu, vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng... của Trung Quốc cũng có thêm cơ hội vào Việt Nam.
- Quan trọng là biến các cam kết thành hiện thực
“Trong chuyến thăm này, tôi sẽ cùng với đồng chí Hồ Cẩm Đào trao đổi ý kiến một cách sâu rộng về quan hệ song phương, đề ra những phương hướng và biện pháp lớn nhằm củng cố và tăng cường hơn nữa sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa hai Đảng, hai nước, đặc biệt là đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại cùng có lợi, cho tương xứng với tiềm năng của hai bên và quan hệ hữu nghị tốt đẹp Việt Nam - Trung Quốc, góp phần đưa quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa hai nước tiếp tục phát triển theo phương châm 16 chữ “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”. |
Theo Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng, chuyến thăm lần này của Chủ tịch nước tuy có nội dung bàn thảo khá rộng, từ trao đổi các vấn đề hợp tác giữa hai đảng đến những vấn đề về biên giới, lãnh thổ, từ ngoại giao đến hợp tác an ninh... Sẽ có khoảng 4 - 5 hiệp định, thỏa thuận mới cấp nhà nước sẽ được ký kết. Còn lại, hai nước sẽ tập trung bàn thảo để nhanh chóng triển khai, hiện thực hóa các hiệp định, thỏa thuận đã ký kết trước đây.
Một số thành viên trong đoàn mong muốn chuyến đi này cũng bàn đến việc triển khai thỏa thuận về khảo sát, thăm dò dầu khí. Tuy 3 công ty dầu khí 3 nước Việt, Trung và Philippines đã ký thỏa thuận về khảo sát địa chấn chung trong một số khu vực trên biển Đông nhưng theo Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam, thỏa thuận này dường như vẫn “giậm chân tại chỗ”.
Song, điểm nổi bật được giới doanh nghiệp quan tâm vẫn là vấn đề hiện thực hóa khoảng 20 hiệp định, thỏa thuận cấp nhà nước liên quan đến kinh tế.
Vấn đề triển khai xây dựng “2 hành lang, 1 vành đai kinh tế” Việt – Trung diễn ra chậm dù hiệu quả của chương trình này đã rất rõ. Sự chậm trễ này cũng có nguyên nhân từ phía Việt Nam. Dự kiến, mùng 1 - 10 năm nay, đường cao tốc từ Nam Ninh (Trung Quốc) xuống cửa khẩu Hữu nghị Lạng Sơn sẽ thông xe.
Đường này giờ rút ngắn lại còn 180 km, chạy xe với tốc độ cao chỉ cần khoảng 1 giờ 30 phút. Trong khi đó, về phía Việt Nam, đường bộ từ Hà Nội lên cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) đi mất khoảng hơn 2 tiếng, vì chưa phải là đường cấp 1 nên cần tiếp tục nâng cấp.
Liên quan đến hạ tầng, có thể lần này Chính phủ Trung Quốc sẽ ký hợp đồng cho vay tín dụng ưu đãi trị giá khoảng 60 triệu USD để cải tạo, nâng cấp hệ thống thông tin tín hiệu đường sắt Bắc – Nam. Chuyến đi này của Chủ tịch nước Trần Đức Lương còn hứa hẹn sẽ hiện thực hóa được khả năng doanh nghiệp Trung Quốc sẽ hỗ trợ, cho doanh nghiệp Việt Nam vay khoảng 600 – 800 triệu USD xây dựng nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh và Hải Phòng.
Bên cạnh đó, theo ông Vũ Tiến Lộc, có 11 Tổng Công ty 91, và 10 Tổng Công ty 90 và 48 doanh nghiệp khác cũng đều có các dự thảo hợp đồng hợp tác kinh tế, xúc tiến đầu tư. Cho nên, dự kiến, tổng giá trị các hợp đồng ký kết sau chuyến đi này sẽ lên tới trên 1 tỷ USD.
Theo ông Tề Kiến Quốc, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHND Trung Hoa tại Việt Nam thì “Tôi rất lấy làm phấn khởi là hai bên chúng ta đang bàn nhiều dự án hợp tác lớn, khoảng vài ba tỷ đôla Mỹ. Những gì có lợi cho sự phát triển kinh tế Việt Nam, có hiệu quả kinh tế thì Chính phủ Trung Quốc sẽ ủng hộ các doanh nghiệp sang đầu tư ở Việt Nam”.
NAM QUỐC
Dư luận quốc tế về chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch nước Trần Đức Lương TRÍ DÂN |