Tăng lương tối thiểu trong khu vực FDI

Thực hiện ngay không cần chờ hướng dẫn

Thực hiện ngay không cần chờ hướng dẫn

Tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB và XH Nguyễn Thị Hằng và Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Cù Thị Hậu đã chủ trì cuộc họp báo công bố các thông tin mới nhất xung quanh Nghị định số 03/2006 quy định lương tối thiểu (LTT) đối với người lao động (NLĐ) Việt Nam làm việc trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), các cơ quan đại diện nước ngoài và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam (ban hành ngày 6-1).

Từ 1-2-2006, LTT đối với NLĐ làm việc trong các khu vực DN FDI bao gồm 3 mức, từ 710.000 đồng/tháng đến 870.000 đồng/tháng.

Thực hiện ngay không cần chờ hướng dẫn ảnh 1

Quang cảnh cuộc họp báo

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Hằng, điểm rất mới trong nghị định này là quy định: mức lương thấp nhất trả cho người lao động đã qua học nghề (kể cả lao động do doanh nghiệp tự dạy nghề) phải bảo đảm cao hơn ít nhất 7% so với mức LTT nói trên.

Điều này sẽ tránh được việc doanh nghiệp nhập nhằng, lợi dụng dùng mức LTT để trả cho lao động có tay nghề, hoặc khoảng cách giữa hai bậc lương chênh rất ít, chỉ vài nghìn đồng, hoặc trả lương cho NLĐ làm nghề nặng nhọc độc hại cũng như lao động bình thường, gây thiệt thòi và bức xúc cho NLĐ.

 Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Hằng, Chính phủ chỉ công bố mức LTT (dùng để trả công đối với lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường nhất), còn mức lương để trả cho lao động kỹ thuật, theo ngành nghề là do NLĐ và doanh nghiệp tự thỏa thuận.

Việc điều chỉnh LTT lần này là bảo đảm hài hòa, đúng luật pháp về quyền lợi của NLĐ, chủ đầu tư, nhà nước, không hy sinh lợi ích bên nào. Chính vì vậy, việc ban hành Nghị định 03 chưa hẳn là chậm trễ như dư luận bức xúc, mà phải bảo đảm đúng quy trình của luật pháp (vì vậy không thể áp dụng từ 1-1-2006).

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Hằng, Nghị định 03 không cần thông tư hướng dẫn mà có hiệu lực ngay. Vì vậy, để triển khai có hiệu quả, Bộ LĐ-TB và XH, Tổng LĐLĐ Việt Nam yêu cầu các doanh nghiệp khẩn trương chuẩn bị nguồn tài chính và phương án điều chỉnh cụ thể để bảo đảm thực hiện LTT ngay từ 1-2-2006.

Ngoài ra, đề nghị các doanh nghiệp phải xây dựng thang bảng lương, định mức lao động, thực hiện chế độ trả lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, chế độ nâng bậc lương, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các chế độ khác theo quy định của pháp luật. Các địa phương, ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất sớm phổ biến nghị định trên để người sử dụng lao động và NLĐ biết, giải thích để doanh nghiệp thực hiện đúng.

Đặc biệt, Bộ LĐ-TB và XH, Tổng LĐLĐ Việt Nam yêu cầu ngay trong tháng Tết này, các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam có sử dụng lao động là người Việt Nam cần quan tâm, hỗ trợ về vật chất và tinh thần để NLĐ có thêm điều kiện cải thiện đời sống trong dịp Tết Nguyên đán.

Song song với việc thực hiện nghị định này, Bộ trưởng Nguyễn Thị Hằng cho biết sẽ thực hiện 2 đề án: sáp nhập mức LTT ở tất cả các khu vực vào năm 2010 và đưa vào thực hiện Luật LTT (doanh nghiệp không được trả thấp hơn LTT mà Chính phủ đã công bố để bảo đảm an sinh xã hội). Căn cứ vào mức tăng trưởng kinh tế, chỉ số giá sinh hoạt và cung cầu lao động theo từng thời kỳ, Chính phủ sẽ tiếp tục điều chỉnh LTT trong khu vực FDI.

Cùng ngày, tại TPHCM, Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH Lê Duy Đồng và Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN Đặng Ngọc Tùng đã tổ chức họp báo giới thiệu chính sách tiền lương mới ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Trả lời về vai trò của tổ chức Công đoàn trong việc triển khai thực hiện chính sách tiền lương mới, ông Đặng Ngọc Tùng cho biết, sắp tới hệ thống Công đoàn sẽ đào tạo đội ngũ công đoàn cơ sở để họ đủ mạnh về chất, hoạt động hiệu quả hơn, biết thương lượng với chủ sử dụng lao động thực hiện ký kết thỏa ước lao động tập thể nhằm bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người lao động.

Một số ý kiến cũng tỏ ra quan ngại trước thực tế, LTT ở khu vực FDI được điều chỉnh khá cao (710.000 - 870.000 đồng/tháng), trong khi đó mức LTT ở các khu vực kinh tế còn lại thấp hơn rất nhiều. Điều này, không chỉ tác động đến tâm lý của người lao động ở ngoài khu vực FDI mà còn dẫn đến sự biến động, dịch chuyển về lao động từ khu vực này sang khu vực khác và từ địa phương này đến địa phương khác.

Q.PH.- KH.B.

Tin, bài liên quan:

Áp dụng ba mức lương tối thiểu mới trong khu vực FDI

Nhiều DN cam kết hỗ trợ lương cho người lao động

Gần 30.000 người lao động trở lại làm việc

Dự kiến sẽ ban hành ngay trong tuần tới

Tin cùng chuyên mục