Thực phẩm chức năng (TPCN) rất phổ biến ở Mỹ, được bán rộng rãi trong các cửa hàng thực phẩm sức khỏe, tiệm tạp hóa, nhà thuốc tây, trên Internet... Người Mỹ ước chi khoảng 32 tỷ USD mỗi năm cho TPCN, cho các loại sản phẩm giúp giảm cân, tạo cơ bắp kháng đủ bệnh, từ cảm lạnh đến mạn tính. Khoảng phân nửa dân Mỹ có sử dụng TPCN và phần lớn trong số đó dùng nhiều hơn một loại TPCN cùng lúc.
|
Con người đã sử dụng các thành phần tích cực trong TPCN từ hàng ngàn năm nay để hỗ trợ sức khỏe và phòng trị bệnh, chữa nhiễm trùng, hạ sốt, làm lành vết thương. Các loại thảo dược cũng có thể trị táo bón, giảm đau, hoặc hoạt động như chất tạo thư giãn hoặc gây kích thích. Nghiên cứu một số loại thảo mộc và sản phẩm thực vật cho thấy một số tác dụng tương tự các loại thuốc thông thường, tuy nhiên có những thứ có thể không có tác dụng hoặc thậm chí có hại. Một số sản phẩm tự nhiên có lợi, ví dụ, các acid béo omega-3 có thể giúp hạ mức triglyceride.
Đôi khi những bổ sung này là cơ sở của một số loại thuốc thông dụng hiện nay. Ví dụ, người ta đã sử dụng trà vỏ cây liễu (willow) trong nhiều thế kỷ để hạ sốt. Các công ty dược phẩm đã xác định trong vỏ cây liễu chứa hóa chất làm giảm sốt và từ đó họ sản xuất thuốc aspirin.
Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Mỹ (FDA) cấm các nhà sản xuất TPCN nói rằng TPCN có thể chẩn đoán, chữa bệnh, điều trị hoặc ngăn ngừa bệnh, nhưng được nói TPCN góp phần duy trì sức khỏe và hạnh phúc.
FDA quản lý TPCN khác với quản lý thuốc. Một TPCN có thể được bán mà không có nghiên cứu về cách nó hoạt động. Trong số khoảng 55.000 TPCN được bán ở Mỹ, ước tính chỉ có khoảng 0,3% được nghiên cứu đánh giá các tác dụng phụ có thể. Khoảng 70% số công ty TPCN không tuân thủ các tiêu chuẩn kiểm soát chất lượng.
TPCN thường được sử dụng vì các lý do liên quan sức khỏe. Vitamin và khoáng chất thường được sử dụng để bổ sung chế độ ăn uống và hỗ trợ trị bệnh. Ví dụ, cúc dại (echinacea) có thể giúp giảm nguy cơ bị cảm và tốt cho hệ miễn dịch, hay vitamin C liều cao cũng có thể tốt cho hệ miễn dịch.
Tháng 1-2014, FDA công bố 2 văn bản hướng dẫn mới về TPCN, giải quyết những gì từ lâu đã là một “vùng xám” ngày càng tăng trong ngành công nghiệp thực phẩm và công nghiệp TPCN: những sự khác biệt chủ yếu giữa TPCN dạng lỏng và đồ uống truyền thống.
Hướng dẫn đầu tiên, “Phân biệt TPCN dạng lỏng với nước giải khát”, là kết luận từ dự thảo đầu tiên công bố tháng 12-2009. Hướng dẫn đưa ra các yếu tố mà FDA sẽ xem xét khi xác định một sản phẩm dạng lỏng được giới thiệu cho người tiêu dùng là TPCN hoặc đồ uống truyền thống. Hướng dẫn cung cấp nhiều ví dụ thực tế để minh họa các yếu tố - bao gồm tuyên bố sản phẩm, tên, đóng gói, liều dùng, mức tiêu thụ hàng ngày khuyến nghị, hướng dẫn sử dụng, thành phần và hình ảnh đại diện - giúp các nhà sản xuất hiểu đúng, đảm bảo sản phẩm đáp ứng các yêu cầu của FDA.
Hướng dẫn thứ hai, “Cân nhắc những chất thêm vào thực phẩm, bao gồm đồ uống và TPCN”, phần lớn tóm tắt các quy tắc và quy định hiện hành, nhưng nhắc nhở các nhà sản xuất rằng FDA đang theo dõi các xu hướng mới đang nổi của ngành công nghiệp TPCN, nhấn mạnh sự tăng trưởng của các sản phẩm chứa nhiều chất mới, như các chiết xuất và thành phần thực vật, giải thích các quy định an toàn áp dụng cho các thành phần thêm vào thực phẩm thông thường so với TPCN. Các thành phần mới đang xuất hiện trong nhiều sản phẩm và hướng dẫn này cho thấy FDA đang rất quan tâm xu hướng này. Các hướng dẫn này không phải là luật, do đó về mặt kỹ thuật chúng không ràng buộc các công ty TPCN nhưng cho thấy quan điểm hiện tại của FDA và các công ty sẽ cân nhắc khi phát triển sản phẩm TPCN mới.
| |
TRÂN NGUYÊN
>> Người tiêu dùng trước "ma trận" thực phẩm chức năng