Thương hiệu xứ dừa

Có thể đến năm 2006 cầu Rạch Miễu mới thông xe. Bến Tre vẫn còn cách trở. ĐBSCL đang tụt hậu so với nhiều vùng cả nước, Bến Tre lại là một trong những tỉnh nghèo nhất trong vùng. Kỳ diệu chăng khi xứ dừa Bến Tre được xếp hàng thứ 8 về sở hữu công nghiệp và nhãn hiệu hàng hóa của cả nước?
Thương hiệu xứ dừa

Có thể đến năm 2006 cầu Rạch Miễu mới thông xe. Bến Tre vẫn còn cách trở. ĐBSCL đang tụt hậu so với nhiều vùng cả nước, Bến Tre lại là một trong những tỉnh nghèo nhất trong vùng. Kỳ diệu chăng khi xứ dừa Bến Tre được xếp hàng thứ 8 về sở hữu công nghiệp và nhãn hiệu hàng hóa của cả nước?

Chuyện xảy ra năm 1997. Hồi ấy, nhãn hiệu kẹo dừa giả nhãn hiệu Bến Tre được bày bán khắp thị trường Trung Quốc. Bà Phạm Thị Tỏ, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất kinh doanh tổng hợp Đông A (chủ nhân nhãn hiệu kẹo dừa Bến Tre) đã rất bức xúc khi phát hiện ra điều đó trong một lần đi khảo sát ở Trung Quốc. Sản lượng kẹo dừa từ 300 tấn đã co hẹp lại còn 50 tấn/ngày.

Quyết tâm bảo vệ nhãn hiệu kẹo dừa Bến Tre, năm 1998 bà Tỏ khăn gói sang Trung Quốc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và đương đầu với nhiều gian truân trong tranh tụng pháp lý. Bà Tỏ kiến nghị chính quyền Trung Quốc từ chối việc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa của Công ty Rừng Dừa ở Hải Nam (dựa vào phân loại của nhóm sản phẩm 30 chủng loại kẹo trên quốc tế để từ chối); đồng thời phê duyệt cho Công ty Đông Á đăng ký nhãn hiệu kẹo dừa Bến Tre có hình người đàn bà đeo kính (đơn nộp vào tháng 9-1998).

Thương hiệu xứ dừa ảnh 1

Các đại biểu tham quan vườn cây giống hoa kiểng Cái Mơn, tỉnh Bến Tre.

Qua các đơn khiếu nại và trình bày có tình lý của bà, chính quyền Trung Quốc chấp thuận xem xét và cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa cho nhãn hiệu “Bến Tre” vào tháng 5-1999 thời gian hiệu lực là 10 năm kể từ ngày ký; nhãn hiệu kẹo dừa Bến Tre được trả về cho Công ty TNHH Sản xuất kinh doanh tổng hợp Đông Á. Đó cũng là một trong những hành trình tạo lập và bảo vệ thương hiệu của 750 nhãn hiệu hàng hóa (NHHH) được bảo hộ trong nước và 15 nhãn hiệu bảo hộ nước ngoài (Trung Quốc, Hàn Quốc), đưa Bến Tre lên xếp hàng thứ 8 so với cả nước.

Theo Sở KHCN–MT tỉnh Bến Tre, trong 3 năm gần đây, chương trình “Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh giai đoạn 2003 - 2005” trong đó có dự án “Hỗ trợ doanh nghiệp xác lập quyền sở hữu công nghiệp về nhãn hiệu hàng hóa trong nước và quốc tế “, việc đăng ký xác lập quyền nhãn hiệu của các doanh nghiệp có chiều hướng gia tăng mạnh. Năm 2002 với 80 NHHH, năm 2003 với 95 NHHH, năm 2004 với 130 NHHH (có 15 NHHH đăng ký nước ngoài).

Các sản phẩm nông nghiệp (giống cây trồng, cây ăn trái chất lượng cao), sản phẩm các làng nghề (hàng thủ công mỹ nghệ, bánh tráng, bánh phồng, rượu…) gần đây được các chủ thể sản xuất, kinh doanh quan tâm bảo hộ và khai thác tốt như: sầu riêng Chín Hóa, sầu riêng Hoàng Nam, sầu riêng Sáu Lợi, cây giống Tư Thành, bưởi da xanh Ba Rô (BR 99), xoài cát Thanh Sơn, bưởi da xanh Hai Hoa... Các hợp tác xã vào cuộc, “liên kết lại” xác lập quyền về “nhãn hiệu tập thể” một hình thức tổ chức sản xuất đang được khuyến khích như Hợp tác xã Sản xuất cây giống Cái Mơn, Hiệp hội Trái cây Cái Mơn, Hợp tác xã Bưởi da xanh Mỹ Thạnh An, Hợp tác xã Bánh tráng Mỹ Lồng, Hợp tác xã Bánh phồng Sơn Đốc.

Các chương trình hỗ trợ của tỉnh cùng ý thức về thương hiệu hàng hóa của người dân đã tạo nên một chân dung Bến Tre giàu có, sở hữu nhiều hàng hóa độc đáo. Nổi lên là sầu riêng Chín Hóa ở Chợ Lách – Bến Tre. Từ trồng cây ăn trái và bán cây giống khai thác trên diện tích đất 2.900m2, nhà vườn Chín Hóa đã chọn lọc được giống cây sầu riêng quý “Sầu riêng cơm vàng sữa hạt lép”. Giống bán đi khắp nơi và rồi bị người khác sử dụng tên gọi “Sầu riêng sữa cơm vàng hạt lép” để bán cạnh tranh. Được sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng trong tỉnh, năm 2003 nhãn hiệu “Chín Hóa” đã được Cục Sở hữu công nghiệp cấp giấy chứng nhận bảo hộ sản phẩm.

Bảo vệ và tạo lập thương hiệu đã giúp các doanh nghiệp ở Bến Tre tăng tốc phát triển sản xuất - kinh doanh. Như Công ty TNHH sản xuất kinh doanh tổng hợp Đông Á đến nay đã có 7 phân xưởng sản xuất, số công nhân làm việc thường xuyên là 1.200 người, lương tháng bình quân 1 triệu đồng/người/tháng. Bà Phạm Thị Tỏ, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất kinh doanh tổng hợp Đông Á, nói: “Trong xu thế hội nhập và phát triển kinh tế của nước ta hiện nay, việc cho ra đời và bảo hộ các thương hiệu là một việc làm rất cần thiết và quan trọng. Thương hiệu là linh hồn của sản phẩm, rất cần sự hỗ trợ và quan tâm của các ngành các cấp qua các lớp tập huấn về quyền sở hữu công nghiệp”.

Nét đáng quý là tỉnh Bến Tre đã tạo lập được thương hiệu “Bến Tre” trên nhiều mặt hàng đặc sản, độc đáo của địa phương. Đó chính là tiền đề vững chắc để những sản phẩm đặc thù dừa, sầu riêng, bưởi da xanh… tạo lập thương hiệu trên cơ sở chỉ dẫn địa lý Bến Tre.

Cao Phong

Tin cùng chuyên mục