Trong một báo cáo mới đây, Ngân hàng Phát triển liên Mỹ (IDB) cho biết, Chile đã tuyên bố việc triển khai mạng 5G sẽ là nền tảng trong chiến lược kỹ thuật số của nước này. Chính phủ của Tổng thống Sebastián Piñera cam kết mạnh mẽ trong việc chuyển đổi kỹ thuật số và kiên định với ý tưởng đưa Chile trở thành “trung tâm kỹ thuật số” của Mỹ Latinh, đồng thời là cửa ngõ để đầu tư nước ngoài vào công nghệ kỹ thuật số có thể dễ dàng tiếp cận nhiều thị trường hơn. Kết quả của chiến lược này là sự hiện diện ngày càng vững chắc của các tập đoàn công nghệ như Google, Amazon và Huawei tại Chile.
Tại Colombia, chính phủ của Tổng thống Iván Duque đã đi trước một bước so với các nước trong khu vực về những vấn đề liên quan đến kỹ thuật số sau khi đưa ra thỏa thuận khung về “đám mây công cộng” - một trong những kế hoạch sáng tạo nhất để triển khai trong khu vực công. Chính phủ nước này đã không ngừng thúc đẩy chuyển đổi kỹ thuật số tại các cơ quan nhà nước. Chẳng hạn như sớm ban hành văn bản hướng dẫn các tiêu chí về việc sử dụng trí tuệ nhân tạo, các giao thức an ninh mạng và quản lý dữ liệu...
So với các nước trong khu vực, Brazil thời gian qua đã đạt được tiến bộ trong lĩnh vực kỹ thuật số. Tuy nhiên, quốc gia lớn nhất Mỹ Latinh này vẫn còn nhiều việc phải làm để đạt được mức độ hòa nhập kỹ thuật số ở mức tương đương các nền kinh tế tiên tiến. Trên thực tế, theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), 23% dân số Brazil chưa bao giờ sử dụng kết nối internet, và các doanh nghiệp vừa và nhỏ của nước này chưa bắt nhịp được với quá trình hiện đại hóa công nghệ.
Riêng Argentina và Mexico lại tỏ ra tụt hậu so với các nền kinh tế lớn khác tại Mỹ Latinh trong vấn đề phát triển kinh tế kỹ thuật số. Argentina vẫn chưa đưa ra được chiến lược quốc gia về chuyển đổi kỹ thuật số. Tương tự, Mexico hiện triển khai các chương trình phát triển số mà không có chiến lược kỹ thuật số quốc gia. Do không có tầm nhìn tập trung, quá trình chuyển đổi kỹ thuật số ở khu vực công tại Mexico diễn ra không được như kỳ vọng.
Trước đó, IDB cũng nhận định việc thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số giữa khu vực với các nước thuộc OECD có thể giúp các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe giảm bất bình đẳng, tạo ra thêm 15 triệu việc làm trực tiếp cũng như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Để lấp đầy khoảng cách kỹ thuật số này, Mỹ Latinh cần thêm 68,5 tỷ USD vốn đầu tư, trong đó khoảng 60% sẽ được dành để cải thiện kết nối số ở các khu vực đô thị.
Số vốn còn lại sẽ được dành cho khu vực nông thôn, nơi đầu tư công thường là nguồn tín dụng chủ yếu. Theo IDB, nếu các quốc gia Mỹ Latinh có thể tiếp cận và áp dụng công nghệ thông tin ở mức tương đương như các nền kinh tế mới nổi thuộc OECD, khu vực này sẽ tăng năng suất thêm 6,3% và tổng sản phẩm quốc nội sẽ tăng thêm 7,7%.
Nhìn chung, sự chuyển đổi kỹ thuật số ở Mỹ Latinh đang tiến triển, nhưng với tốc độ khác nhau. Chính phủ các nước Mỹ Latinh vẫn còn nhiều việc phải làm để có thể khai thác hết tiềm năng kỹ thuật số khổng lồ của khu vực này giai đoạn hậu dịch Covid-19.