Triển khai quy hoạch ngành thép

Tiềm tàng xu hướng mất cân đối

Những dự án quan trọng của ngành thép trong 5 năm tới:
Tiềm tàng xu hướng mất cân đối

Bước vào năm 2006, tình hình sản xuất và tiêu thụ thép xây dựng đứng trước những bất ổn,  như báo SGGP đã phản ánh. Nhìn lại quy hoạch ngành thép giai đoạn 2001-2010, người ta càng thấy ngành thép loay hoay với những bước đi đầu.

  • Vẫn thiếu phôi thép
Tiềm tàng xu hướng mất cân đối ảnh 1

Dây chuyền cán thép, sản xuất thép xây dựng ở Công ty Thép Vitasteel, KCN Vĩnh Lộc TPHCM.
Ảnh: THÀNH TÂM

Mới đây, Công ty Thép Miền Nam tỏ ra rất phấn khởi khi xuất được 16 tấn thép xây dựng qua thị trường Nhật và Hàn Quốc, là xứ sở của thép xây dựng. Đây là một hướng kinh doanh mới của công ty này, dù xuất thép sang Nhật và Hàn Quốc mới ở giai đoạn thăm dò.

Lãnh đạo bộ phận kinh doanh của công ty này còn cho hay, 2 tháng đầu năm, công ty tiêu thụ được hơn 100 ngàn tấn thép xây dựng (tăng 2% so với cùng kỳ năm trước), dự kiến năm 2006 sẽ tiêu thụ khoảng 700 ngàn tấn, trong đó xuất khẩu 80 ngàn tấn.

Tuy nhiên trong năm nay, ngành thép sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn vì hiện nay nhu cầu về thép của cả nước chỉ khoảng 3,8 triệu tấn song công suất của các nhà máy hiện có đã lên tới 6 triệu tấn. Hiện lượng thép trên cả nước vẫn thừa, nhu cầu tiêu thụ thấp.

Trong khi đó, theo dự tính của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), năm 2006, lượng thép các loại sản xuất trong và ngoài hiệp hội ước khoảng 4,7 triệu tấn; nhu cầu phôi khoảng 4 triệu tấn, trong đó ngành thép chủ động được khoảng 1,5 triệu tấn, phần phôi còn lại vẫn phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Còn theo báo cáo cân đối cung-cầu thép của Bộ Công nghiệp, năng lực sản xuất thép xây dựng trong 2006 hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu nhưng vẫn phải nhập khẩu phôi thép, ước khoảng 2,1 -2, 5 triệu tấn.

Giữa lúc thị trường thép xây dựng hết sức “nóng” thì các loại thép khác như thép phẳng, thép tấm, thép inox, thép lá, thép ống... hầu như chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Theo VSA, trong thị trường thép thành phẩm nói chung, thép xây dựng chiếm đến 60%, thép khác chỉ chiếm 40%. Nhưng trong số 40% này phải nhập khẩu đến 90%, trong nước chỉ đáp ứng nhu cầu 10%...

  • Loay hoay những bước đi đầu
Tiềm tàng xu hướng mất cân đối ảnh 2

Thép tiêu thụ mạnh trong mùa khô. Ảnh: Thành Tâm

Trong 5 năm qua, ngành thép đã đầu tư 990 triệu USD, trong đó VSC đầu tư 550 triệu USD cho các dự án: đầu tư chiều sâu cải tạo gang thép Thái Nguyên với việc sản xuất phôi thép 150.000 tấn/năm, cán thép 250.000 tấn/năm; đầu tư chiều sâu Công ty Thép miền Nam nhằm sản xuất phôi thép 270.000 tấn/năm, cán thép 480.000 tấn/năm; nhà máy thép lá cán nguội có công suất 200.000-250.000 tấn/năm; nhà máy sản xuất phôi thép phía Bắc có công suất 500.000 tấn/năm; nhà máy sản xuất phôi thép phía Nam…

Nhưng diễn biến trên thị trường gần đây cho thấy, sự phát triển ngành này đang có xu hướng mất cân đối và bất ổn.

Theo các chuyên gia, bất ổn do các nguyên nhân: thứ nhất, đối với thép xây dựng, nếu tất cả các nhà máy mở hết công suất, cộng với lượng thép tồn kho, gần như lúc nào khả năng cung cũng xấp xỉ gấp đôi cầu. Trong khi đó, năng lực sản xuất phôi hàng năm chỉ đáp ứng được 41%, phần còn lại phải nhập khẩu và chịu sự biến thiên lớn của giá trên thế giới. Thứ hai, để lấy lại sự cân bằng, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích các dự án sản xuất phôi, được dựa trên hai nguồn nguyên liệu: quặng và thép phế. Nhưng thị trường phôi hiện tại đang đối mặt với không ít khó khăn.

Ngoài ra, do sức hút mạnh mẽ về lợi nhuận nên các dự án đầu tư ngành thép đã không tuân theo quy hoạch. Điều này được thể hiện ở rất nhiều dự án được cấp phép, chủ yếu là ở các địa phương, qua tình trạng tỉnh nào cũng muốn “làm thép”. Các dự án chủ yếu tập trung ở ngành thép xây dựng, do nhu cầu kiến thiết cơ bản trong thời gian gần đây và sắp tới còn tăng cao.

Trước đây, vào tháng 8-2000, tại cuộc họp về quy hoạch ngành thép đến năm 2010, Thủ tướng Phan Văn Khải đã có ý kiến kết luận chỉ đạo trong quá trình quy hoạch ngành thép phải tính toán kỹ, xác định đúng bước đi cho từng thời kỳ và dự đoán đúng nhu cầu thị trường cũng như chủng loại thép đến năm 2010; phải đẩy mạnh đầu tư sản xuất phôi để giảm nhập khẩu, đáp ứng nhu cầu phôi cho các cơ sở cán thép. Thủ tướng chỉ rõ, trước mắt VSC có trách nhiệm rà soát lại kế hoạch sản xuất, kế hoạch đầu tư, nhu cầu thị trường, năng lực, nguồn vốn để lập các dự án đầu tư theo đúng hướng, hiệu quả nhằm năng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh. Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện quy hoạch, người ta thấy ngành thép vẫn còn loay hoay với những vấn đề ban đầu.

BÁ TÂN

Những dự án quan trọng của ngành thép trong 5 năm tới:

Giai đoạn 2006-2010, ngành thép đầu tư 920 triệu USD, trong đó VSC 770 triệu USD, cụ thể gồm các dự án sau:
- Nhà máy cán thép xây dựng phía Nam công suất 300-500 ngàn tấn/năm, vốn đầu tư 50 triệu USD.
- Nhà máy thép đặc biệt công suất 50-100 ngàn tấn/năm, vốn đầu tư 150 triệu USD.
- Mở rộng gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, công suất 500 ngàn tấn/năm, vốn đầu tư 100 triệu USD.
- Nhà máy phôi thép phía Nam, công suất 500 ngàn tấn/năm, vốn đầu tư 40 triệu USD.
- Mở rộng nhà máy thép cán nguội, công suất 450 ngàn tấn/năm, vốn đầu tư 80 triệu USD.
- Các dự án nhỏ: tổng công suất 500 ngàn tấn/năm, vốn đầu tư 50 triệu USD.

Tin cùng chuyên mục