
Dù được điều chỉnh nhiều lần nhưng tiền lương vẫn tụt hậu so với tốc độ tăng giá cả, tiền công trên thị trường lao động. Trả lương cào bằng, không đúng người, đúng việc tất yếu dẫn đến triệt tiêu nhiệt tình, sáng tạo, năng suất lao động thấp. Bao giờ người hưởng lương có thể an tâm làm việc và sống bằng đồng lương chân chính?
Lương tối thiểu tăng như...… rùa bò
Thông tin từ ngày 1-10, mức lương tối thiểu (LTT) ở khu vực hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp (DN) nhà nước sẽ tăng từ 390.000 đồng/tháng lên 420.000-450.000 đồng/tháng, đang được những người hưởng lương quan tâm. Ai cũng hiểu rằng để điều chỉnh mức LTT, Chính phủ đã cố gắng rất nhiều trong việc cân đối miếng bánh ngân sách vốn eo hẹp nhằm cải thiện dần thu nhập, đời sống của cán bộ, công chức, người lao động.

Cuộc sống của công nhân Việt Nam còn khá vất vả. Trong ảnh: Công nhân khu công nghiệp Tân Tạo đi chợ cho bữa ăn tối. Ảnh: HOÀNG ANH THƯ
Thế nhưng, ai sống được bằng khoản thu nhập thuần túy từ lương? Khảo sát về mức sống tối thiểu ở các đô thị, mức lương thực lãnh hàng tháng của phần lớn cán bộ công chức, người lao động chưa đảm bảo mức sống tối thiểu, nói gì đến chuyện tái tạo sức lao động, sự sáng tạo.
So với mặt bằng tiền lương chung của thị trường lao động thì khoản thu nhập chính thống từ lương của người lao động ở khu vực hành chính sự nghiệp, DN nhà nước còn thấp.
Cụ thể một lao động có trình độ đại học, có thâm niên trên 10 năm làm việc ở cơ quan nhà nước chỉ nhận mức lương trên 1 triệu đồng và một cán bộ quản lý cấp trưởng, phó phòng có thâm niên trên 20 năm làm việc cũng chỉ có mức lương chưa đầy 2 triệu đồng.
Trong khi đó trên thị trường lao động, một lao động phổ thông, sơ cấp nghề dễ dàng kiếm được mức lương 1 triệu đồng/tháng trở lên; có tay nghề ở trình độ trung cấp: 1,5 –2 triệu đồng/tháng và các vị trí quản lý trung cao cấp luôn được nhà tuyển dụng mời chào với mức lương hấp dẫn từ vài trăm đến vài ngàn USD (đối với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài).
Mặc dù đã qua 4 lần điều chỉnh nhưng LTT vẫn chưa vận hành theo quy luật (chưa đảm bảo định kỳ), chưa đảm bảo nguyên tắc gắn với trượt giá sinh hoạt, tăng trưởng kinh tế và quan hệ cung cầu về lao động. Ông Phạm Minh Huân, Vụ trưởng Vụ Tiền lương (Bộ LĐTB-XH) thừa nhận khiếm khuyết của LTT như thế.
Theo các chuyên gia về lao động, nhiều năm qua, việc trả lương ở khu vực HCSN, DN nhà nước vừa thấp vừa cào bằng là nguyên nhân dẫn đến căn bệnh chung- sức ỳ, thụ động, thậm chí bàng quang, thiếu trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức.
Tiền lương phải trở thành động lực
Giải bài toán nan giải này như thế nào khi VN sắp gia nhập WTO, trong đó cạnh tranh gay gắt về nhân sự và lao động là một trong những yếu tố quan trọng nhất? Cùng với việc tạo cơ chế minh bạch, rõ ràng cho DN hội nhập thương mại quốc tế, Chính phủ phải có chính sách kích thích thị trường sức lao động phát triển.
Chính sách tiền lương, tiền công phải trở thành động lực phát huy năng lực, chất xám, tay nghề của người lao động để có thể tạo ra năng suất cao, những sản phẩm có thương hiệu trên trường quốc tế. Để giá tiền lương, tiền công sát với thị trường lao động, LTT phải không chỉ xây dựng trên cơ sở thống nhất, bình đẳng giữa các khu vực kinh tế mà phải được điều chỉnh định kỳ, theo kịp tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm.
Nhiều ý kiến cho rằng Chính phủ chỉ quy định mức LTT còn việc trả lương cụ thể như thế nào dựa trên sự thỏa thuận của người sử dụng lao động và người lao động. Nhà nước không nên can thiệp quá sâu vào việc trả lương của DN.
Kết quả khảo sát mới đây của Bộ LĐTB-XH, nghịch lý ở các DN là năng suất, lợi nhuận tăng nhanh nhưng tiền lương tăng rất chậm. Thậm chí lợi dụng quy định về LTT, nhiều chủ sử dụng lao động chỉ trả lương cho người lao động cao hơn mức LTT vài chục ngàn đồng và hàng năm tăng lương một cách nhỏ giọt. Chính vì thế, mâu thuẫn, tranh chấp về trả lương trả thưởng luôn xảy ra.
Chỉ tính từ cuối năm 2005 đến đầu năm 2006, đã có hơn 200 ngàn người tham gia đình công với lý do đòi tăng LTT. Theo các chuyên gia lao động một trong những nguyên nhân châm ngòi đình công là do mức LTT áp dụng trong khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và DN trong nước có sự cách biệt. Hiện các DN FDI đã được tăng mức LTT theo vùng lên các mức 870.000đồng/tháng-790.000 đồng/tháng-710.000 đồng/tháng nhưng các DN trong nước vẫn áp dụng mức LTT là 350.000/tháng.
Để chính sách tiền lương phát triển song hành với quá trình hội nhập kinh tế thế giới của các DN, Chính phủ phải sớm thống nhất mức lương tối thiểu chung và xác định nó phù hợp với quan hệ cung cầu của thị trường sức lao động. Bên cạnh đó hệ thống thang bảng lương cũng phải đổi mới theo hướng đơn giản, dễ hiểu và đánh giá đúng năng lực, vị trí làm việc của từng người, từng ngành nghề khác nhau.
KHÁNH BÌNH