Giải đáp các ý kiến về tiền polymer, Thống đốc NHNN Lê Đức Thúy:

Tiền polymer có khả năng chống giả gấp 10 lần so với tiền cotton

Tiền polymer có khả năng chống giả gấp 10 lần so với tiền cotton

Tiền polymer có khả năng chống giả gấp 10 lần so với tiền cotton ảnh 1

Sáng qua (11-10), tại cuộc giao ban báo chí tại Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, sau khi trình bày toàn văn Thông báo số 8684/TB–NHNN ngày 10-10-2006 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) về một số thông tin liên quan đến tiền polymer, Thống đốc NHNN Lê Đức Thúy đã trả lời một số câu hỏi của đại diện các cơ quan báo chí.

- Thưa Thống đốc, Ngân hàng Nhà nước đã từng nêu một nhược điểm của tiền polymer là nguồn cung cấp hiện nay chỉ có 1 công ty sản xuất nên dễ dẫn tới độc quyền về giá. Vậy thì tại sao chúng ta vẫn chọn tiền polymer?

- Thống đốc Lê Đức Thúy: Trong quá trình đàm phán, đối tác đã cam kết cung cấp ổn định số lượng đủ để sản xuất 5 tỷ hình theo giá được thỏa thuận. Với số lượng này, đủ cho chúng ta sản xuất một đời đồng tiền. Giả sử sau đó, nếu có hiện tượng đối tác ép giá, ta hoàn toàn có thể trở lại với tiền cotton mà không phải thay đổi công nghệ gì cả. Nghĩa là ta đã có phương án dự phòng và chúng tôi đã báo cáo rõ phương án này với cấp trên.

- Việt Nam đang là 4 nước đi đầu trong việc dùng tiền polymer, trong khi nhiều nước tiên tiến như Mỹ, EU, Nhật… chưa sử dụng. Tôi có băn khoăn là điều này có cần thiết không, thưa Thống đốc?

- Băn khoăn là đúng. Nhưng đó là công nghệ mới, công nghệ cao. Ta đi vào là đúng. Ngay Sở Mật vụ Mỹ và Cơ quan an ninh tiền tệ của EU cũng đã đánh giá là tiền polymer có khả năng chống giả gấp 10 lần so với tiền cotton. Hiện nay, ở các nước tiên tiến dùng tiền cotton, họ đang phải tìm mọi cách nâng cao chất lượng giấy cotton để chống giả cao hơn. Vậy thì trong khi đã có một loại tiền có tính chống giả cao hơn thì tại sao chúng ta lại không chọn lấy?

Tuy nhiên cũng xin nói thêm, các hãng cung cấp giấy tiền cotton không vui gì với việc ta chọn tiền polymer. Đây cũng là lẽ bình thường.

- Theo thông tin của NHNN, việc chế bản các mẫu tiền được thực hiện ở nước ngoài. Vậy việc hủy các tư liệu liên quan đến quá trình chế bản sau đó có bảo đảm được an ninh tiền tệ?

- Đối với tiền cotton, chúng ta đã từng thuê chế bản ở nước ngoài cả bộ tiền. Nay, với bộ tiền polymer, ta cũng đang thuê ở nước ngoài, chỉ có 2 mẫu là chế bản ở trong nước. Chúng ta đang vươn lên, để tiến tới tự chế bản được hoàn toàn, nhưng bây giờ thì chưa thể.

Sau chế bản, việc hủy các tài liệu liên quan đó có cả một tập thể làm việc, có cả một quy trình chặt chẽ, có đại diện của các ngành có liên quan, có ghi biên bản, ngày giờ, các việc đã làm... Vì vậy, có thể yên tâm.

- Như báo chí đã nêu, chất lượng tiền polymer có một số vấn đề như các đồng tiền “lộ chân”, có hình ô kẻ ca-rô như vở học sinh. Ý kiến của Thống đốc về vấn đề này?

- Không thể nói rằng quá trình sản xuất đồng tiền không có lỗi gì cả, nhưng theo quan niệm chung, tỷ lệ hỏng 5% là chấp nhận được. Với tiền mới, có tờ tiền khi in ra có lỗi lên đến 6% - 7%, điều này không phải do công nghệ kém, mà chủ yếu là khâu quy trình kiểm tra chất lượng sản phẩm trước khi đưa đồng tiền ra lưu thông. Chúng tôi đã cho kiểm điểm và xử lý người có trách nhiệm.

- Việc ta đã mua thiết bị chế bản tiền mua từ 1997, tức đã gần 10 năm thì thiết bị đó có thể coi là cũ không?

- Thiết bị chế bản tiền nhập từ năm 1997, chủ yếu là để chế bản tiền cotton; tuy đã gần 10 năm nhưng điều quan trọng là thiết bị đó vẫn phục vụ được, vẫn đáp ứng được yêu cầu. Hiện nay, tại Nhà máy in tiền quốc gia, có thiết bị đã hết khấu hao nhưng chúng tôi vẫn sử dụng được để in tiền, vẫn bảo đảm.

- Xin hỏi Thống đốc, con trai của ông và Công ty Công nghệ Ngân hàng (BankTeck) của anh ta có vai trò gì, có môi giới gì trong việc in tiền polymer?

- Tôi đã từng trả lời một vị đại biểu Quốc hội. Công ty BanTeck không phải là trung gian môi giới trong việc in đúc tiền, cũng không phải đại diện thương mại cho các hãng nước ngoài đó, càng không phải là trung gian cho việc nhập vật tư máy móc, mực in tiền… Các giao dịch về tiền polymer đều do các cơ quan chức năng giao dịch trực tiếp với các hãng cung cấp. Tuy nhiên, tôi đã yêu cầu Nhà máy in tiền quốc gia cung cấp cho tôi thông tin về những gì mà BankTeck đã làm với nhà máy. Theo báo cáo thì đến nay, BankTeck đã ký với nhà máy một số hợp đồng cung cấp một số loại vật tư hóa chất thông thường, theo đúng nguyên tắc đấu thầu.

Điều đáng chú ý nữa là, từ năm 2003 đến nay, tổng giá trị hợp đồng của BankTeck mới đạt 653 triệu đồng. Trong khi đó, chi phí của nước ta trong in đúc tiền bình quân mỗi năm là 600 tỷ đồng. Qua đây, có thể thấy BankTeck rất nhỏ bé.

Tuy nhiên, để cụ thể hơn, hiện nay các cơ quan chức năng đang kiểm tra, nên đề nghị chờ kết luận của kiểm tra.

- Có thông tin rằng còn 10 tấn mực để in tiền cotton, trị giá khoảng 200.000 USD đã được đưa ra trộn với tỷ lệ 1/10 để in tiền polymer, làm ảnh hưởng đến chất lượng tiền in?

- Thống đốc Lê Đức Thúy: Việc này tôi không nắm chính xác lắm. Đề nghị ông Bùi Công Lư, Giám đốc Nhà máy in tiền quốc gia trả lời.

- Ông Bùi Công Lư: Điều này là có thật. Chúng tôi đã có cả quá trình thử nghiệm, được sự đồng ý và giám sát của các cơ quan chức năng (Cục A17, Cục Phát hành kho quỹ); sau khi thấy được, đã sản xuất và phát hành một phần tiền được in với loại mực in như vậy. Điều này không ảnh hưởng đến chất lượng đồng tiền. 

VĂN OANH ghi

Tin cùng chuyên mục