
Như Báo SGGP đã đưa tin - dịch lở mồm long móng (LMLM) trên đàn gia súc đang bùng phát nhanh ở khu vực ĐBSCL. Không chỉ vậy, trong thời gian qua, dịch bệnh này vẫn diễn biến hết sức phức tạp ở nhiều khu vực khác. Trước nguy cơ dịch LMLM bùng phát trở lại trên toàn quốc thành đại dịch, phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) Bùi Quang Anh về biện pháp chống dịch. Ông Bùi Quang Anh cho biết:

Tiêm vaccine phòng bệnh lở mồm long móng cho bò sữa ở huyện Hóc Môn.
Hiện nay, có trên 150 xã của 17 tỉnh, thành phố có dịch LMLM. Tổng số gia súc mắc bệnh là gần 6.000 trâu bò và 500 heo. Tốc độ lây lan cho thấy dịch bệnh này có dấu hiệu phát triển nhanh trở lại. Do vậy, việc áp dụng các biện pháp cũng cần phải quyết liệt, mạnh mẽ và đồng bộ ở các địa phương.
Ví dụ, có thể áp dụng biện pháp mạnh là tiêu hủy toàn bộ đàn gia súc trong cùng một ô, chuồng có con mắc bệnh với triệu chứng lâm sàng điển hình mà không cần phải chờ kết quả xét nghiệm.
- Thưa ông, việc tiêu hủy toàn bộ gia súc bị bệnh rất khó khả thi, nhất là khi chúng ta chưa có cơ chế tài chính thỏa đáng cho các hộ chăn nuôi có gia súc bị bệnh trên toàn quốc?
- Đúng là do có những khó khăn về tài chính nên không phải địa phương nào cũng thực hiện được biện pháp này. Hoặc khi dịch bệnh ít, xảy ra nhỏ lẻ chúng ta không tiêu hủy được, để đến khi dịch bệnh lây lan trên diện rộng thì biện pháp tiêu hủy hoàn toàn là rất khó thực hiện khi mức hỗ trợ trung bình chỉ khoảng 200.000 đồng/con.
- Phải chăng do tâm lý chủ quan của người dân khi chưa có bằng chứng cho thấy dịch bệnh LMLM lây sang người, nên việc phòng chống dịch vẫn chưa có hiệu quả?
- Loại dịch bệnh này trong trường hợp nặng thì làm chết động vật, nhẹ thì làm cho sức sản xuất của còn vật giảm sút và nguy hiểm hơn là nó thải siêu vi trùng ra ngoài. Việc phòng chống dịch LMLM là yêu cầu cấp bách và bắt buộc.
Khi tỉnh có dịch, Chủ tịch UBND tỉnh là người chịu trách nhiệm lớn nhất chỉ đạo huyện, xã tập trung chống dịch. Chủ tịch UBND xã phải trực tiếp chỉ đạo trưởng thôn và nhân viên thú y kiểm tra, giám sát chủ nuôi gia súc thực hiện cách ly gia súc mắc bệnh với gia súc khỏe, nhốt gia súc tại chuồng hoặc nơi cố định. Các địa phương lập chốt kiểm dịch động vật tạm thời trên các trục giao thông chính ra vào vùng dịch; các lực lượng thú y, công an, dân quân tự vệ… là lực lượng chính trực 24/24 giờ nhằm ngăn chặn không đưa động vật và sản phẩm động vật ra ngoài vùng dịch.
- Dịch LMLM vẫn diễn biến phức tạp, trong khi thời tiết ở Bắc bộ và Trung bộ đã mát mẻ. Đây có là điều kiện thuận lợi cho virus gây bệnh phát triển?
- Dịch LMLM hiện nay đã nghiêm trọng hơn. Nguyên nhân do mầm bệnh tồn tại trong đàn gia súc từ trước, nhiều địa phương chưa kiên quyết trong việc chống dịch. Các biện pháp thực hiện chưa đồng bộ, chỉ một vài nơi làm kiên quyết dịch mới tạm lắng xuống; nhiều nơi không làm quyết liệt, những con gia súc cứ giữ lại để chữa bệnh lại là những con mang virus gieo rắc dịch bệnh. Khi chúng được vận chuyển đi nơi khác hoặc để làm giống rất dễ gây ra dịch bệnh trên diện rộng, phát sinh những vùng dịch mới.
Việc vận chuyển gia súc giữa vùng này với vùng khác trong nước, đặc biệt là gia súc chưa được tiêm phòng, cũng là nguyên nhân gây ra dịch bệnh. Mặt khác, LMLM cũng là bệnh có tính chu kỳ. Trong vòng 3-5 năm lại có một đợt dịch bùng phát do mầm bệnh tồn tại, đến một thời gian nào đó lại tái phát.
- Vậy biện pháp cụ thể để phòng chống dịch bệnh hiện nay là gì, thưa ông?
- Biện pháp cấp bách hiện nay vẫn là bao vây ổ dịch. Đối với những địa phương có thể tiêu hủy được thì khuyến khích làm, đặc biệt là đối với đàn heo. Đối với đàn trâu bò thì khoanh vùng, thực hiện tiêm phòng và điều trị. Nếu số lượng trâu bò bị dịch ít thì cũng nên tiêu hủy. Quan trọng nhất là không được vận chuyển gia súc mắc bệnh từ nơi này sang nơi khác. Đây phải là những biện pháp bắt buộc.
Ngoài ra, chủ chăn nuôi gia súc phải tổ chức vệ sinh cơ giới chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi, tránh tiếp xúc với vùng có dịch; đội chống dịch của xã tổ chức phun thuốc khử trùng khu vực chăn nuôi, chuồng trại, rắc vôi bột ở đường làng, ngõ xóm.
Tổ chức tiêm phòng vaccine cho trâu, bò, dê, cừu, heo nái, heo đực giống ở vùng khống chế, tiêm từ ngoài vào trong. Sau khi tiêm được 14 ngày, tiến hành tiêm cho động vật cảm nhiễm ở vùng dịch nhưng không mắc bệnh; không tiêm cho gia súc đã khỏi triệu chứng lâm sàng (trong trường hợp không tiêu hủy).
- Lượng vaccine tiêm phòng LMLM hiện nay có đủ không, thưa ông?
- Hiện nay đã nhập đủ vaccine chống dịch LMLM cho năm 2006.
- Cục Thú y có đưa ra khuyến cáo gì đối với người sử dụng gia súc?
- Tuyệt đối không sử dụng các loại sản phẩm gia súc mắc bệnh. Biện pháp tốt nhất vẫn là tiêu hủy; không: giết mổ, buôn bán, vận chuyển gia súc và sản phẩm gia súc mắc bệnh LMLM.
- Xin cảm ơn ông.
VĂN NGHĨA