Để phát triển kinh tế - xã hội TPHCM

Tìm cho được các giải pháp bứt phá

Tìm cho được các giải pháp bứt phá

Cuộc giao ban định kỳ hàng quý đầu tiên của UBND TPHCM với 24 quận - huyện diễn ra sáng 9-6 đã kéo dài đến hơn 12 giờ trưa. Theo cách nói của Chủ tịch UBNDTP Lê Thanh Hải, đó là buổi thảo luận thẳng thắn để cùng tìm cho được các giải pháp bứt phá, đảm bảo cho việc hoàn thành chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra của năm 2005.

  • Quy trình, thủ tục: vừa dư, vừa thiếu!

Tuy tỷ lệ tăng trưởng của thành phố cao hơn cùng kỳ năm trước nhưng nếu so với chỉ tiêu cần đạt được thì đoạn đường còn lại là khá dài và nhiều gian nan. Chủ tịch Lê Thanh Hải nói: “Tôi thấy tình hình không sáng sủa lắm, nói thật lòng là thấy lo. Chúng ta phải “xới” việc lên và quyết tâm giải quyết. Công việc đang vướng ở chỗ nào, yêu cầu các quận - huyện không nói chung chung mà nêu địa chỉ cụ thể”.

Tìm cho được các giải pháp bứt phá ảnh 1

Đăng ký thành lập doanh nghiệp tại Sở Kế hoạch - Đầu tư TPHCM.

Phát biểu từ thực tế công việc của quận - huyện nhà, nội dung bị các chủ tịch ta thán nhiều nhất vẫn là thủ tục hành chính. Theo Chủ tịch UBND quận Gò Vấp Trần Kim Long, tuy thành phố đã phân cấp cho chủ tịch quận phê duyệt những dự án từ 5 tỷ đồng trở xuống nhưng trước khi ký được thì hồ sơ vẫn phải qua rất nhiều sở, mất nhiều thời gian.

Trong khi dân số tăng cao, nhu cầu giáo dục rất bức xúc thì Gò Vấp có đến 5 mặt bằng bỏ không gần 3 năm qua vẫn chưa triển khai được dự án xây trường học! Trong khi vẫn tồn tại những thủ tục, quy trình khá rườm rà, nhiêu khê thì ở một số lĩnh vực bức thiết khác lại chưa có được quy trình, thủ tục để giúp các quận - huyện khai thác tiềm năng, thế mạnh.

Thành phố đã chỉ đạo tạo quỹ đất để đấu giá tăng nguồn thu nhưng tạo bằng cách nào? Chủ tịch UBND quận 8 Nguyễn Đô Lương nói về “cái vòng tròn” khiến cho nhiều quận muốn làm nhưng không biết bắt đầu từ đâu: để có đất thì phải đền bù giải tỏa, muốn làm vậy thì phải có quyết định giao đất, để được giao đất thì phải có dự án đầu tư nhưng… đất chưa thu hồi, chưa đấu giá thì làm gì có chủ đầu tư để lập dự án!

Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh Nguyễn Quốc Hùng thì cho biết qua giải tỏa thực hiện các dự án, quận hiện có hơn 7.000m2 “đất dôi dư” nhưng chưa biết có thể bán theo tiêu chuẩn nào, cơ chế nào?

Với tinh thần “xới việc để giải quyết”, Thường trực UBNDTP và các sở chức năng có ngay câu trả lời cho các quận - huyện. Sở Tài nguyên - Môi trường cho biết đã có “bài toán” giải quyết “cái vòng tròn” mà quận 8 nêu ra, sẽ triển khai ngay trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch UBNDTP Nguyễn Văn Đua khẳng định thành phố đảm bảo cung ứng đầy đủ tiền cho quận - huyện bồi thường giải phóng mặt bằng để tạo ra quỹ đất. Trong tuần tới, UBNDTP sẽ ban hành văn bản về đấu giá đất, có phân cấp để thực hiện và phân chia nguồn thu với tư tưởng tăng cường mạnh hơn cho quận - huyện.

  • Phương thức “Nghe-quyết- làm ngay”!

Công tác quy hoạch là một nội dung gây nhiều bức xúc. Ông Trần Kim Long cho rằng dù đã được thành phố phân cấp cho phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/2000, nhưng chủ tịch quận không dễ dàng ký được vì phải được Sở Quy hoạch Kiến trúc (QHKT) thẩm định đồng ý.

Ông Nguyễn Văn Đua giải thích các địa phương có thể đồng ý hoặc không đồng ý với kết quả thẩm định của Sở QHKT và vẫn có quyền phê duyệt, nhưng theo ông Nguyễn Đô Lương thì “sở không chịu, tụi tôi cũng sợ đâu dám mạnh tay ký”. Chủ tịch UBND quận 11 Lê Minh Trí khẳng định giữa quận và sở vẫn có cự ly về quan điểm. Ví dụ như quận 11 đã có công viên Đầm Sen diện tích lớn, tại sao cứ bắt buộc các dự án phải quy hoạch có công viên.

Giám đốc Sở QHKT Nguyễn Trọng Hòa cho rằng nguyên nhân chủ quan khiến việc thẩm định các quy hoạch chi tiết 1/2000 kéo dài là do năng lực, số lượng của đội ngũ cán bộ chuyên môn còn non yếu, còn thiếu so với yêu cầu nhiệm vụ. Về nguyên nhân khách quan, ông Hòa ví von do thành phố đã có 2 “làn sóng” quy hoạch.

Lần thứ nhất là đợt lập quy hoạch năm 1998, chúng ta làm rất “vô tư” theo đúng các quy chuẩn nên dẫn đến tình trạng bất khả thi, quy hoạch treo. Lần thứ hai là năm 2002 tới nay, căn cứ theo thực tế, lấy ý kiến của dân nên cách nào đó đã quy hoạch theo kiểu “cập nhật hiện trạng, hợp pháp hóa hiện tại” chứ không phải là “nhìn vào tương lai”.

Chủ tịch UBNDTP Lê Thanh Hải chỉ đạo Sở QHKT phải quy định về thời gian thẩm định, nếu hết hạn mà sở không có ý kiến thì các địa phương cứ làm và sở chịu trách nhiệm. Ông cũng cho biết thành phố sẽ điều chỉnh một số quy định hiện hành nhằm thúc đẩy đầu tư trong nước (5 tháng đầu năm, thành phố có 4.622 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đầu tư gần 8.500 tỷ đồng, tương đương 500 triệu USD; trong khi đó, thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài chỉ đạt gần 275 triệu USD).

Ông nhấn mạnh thành phố tiếp tục quan tâm tăng cường cho cơ sở. Cụ thể, biên chế được giải quyết căn cứ vào quy mô và yêu cầu của công việc chứ không phải bó buộc theo xu hướng tinh giản; giao Sở Nội vụ tham mưu cho thành phố nhanh chóng ban hành chính sách bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực cũng như thu nhập cho cán bộ phường xã; đến năm 2006, hoàn thành 100% việc xây dựng trụ sở hành chính cho cấp cơ sở, đáp ứng được yêu cầu nâng chất lượng phục vụ nhân dân. Đối với những vướng mắc, kiến nghị của các địa phương, ngay thứ bảy 11-6, Thường trực UBNDTP sẽ làm việc với sở ngành chức năng và có thông báo kết luận cụ thể để các địa phương, đơn vị hữu quan triển khai thực hiện ngay. 

PHONG LAN

Tin cùng chuyên mục