
Sáng 5-8, Giám đốc Sở GTCC TPHCM Trần Quang Phượng, các chuyên viên của sở và một số chuyên gia ở nhiều trường đại học đã đến công trình xây dựng Nhà máy xử lý nước thải thuộc dự án Cải thiện môi trường nước thành phố, ở huyện Bình Chánh, để tìm hiểu nguyên nhân sự cố chuyển dịch một số cọc móng của nhà máy.

Nhà máy xử lý nước thải này có công suất giai đoạn 1 là 141.000m3/ngày, tổng vốn đầu tư là 95 triệu USD. Công trình xây dựng có 8.900 cọc móng, đến nay nhà thầu N.E.S. JV (Nhật Bản) đã đóng xong hơn 7.500 cọc, trong đó có 2.600 cọc bị sự cố chuyển dịch.
Theo nhà thầu xây dựng, sau khi đóng xong cọc giai đoạn 1, nhà thầu đã đào đất sâu xuống thi công cọc móng đáy khu vực xử lý nước thải, việc đào đất đã làm cho điều kiện tải trọng mất cân bằng là nguyên nhân biến dạng của đất, gây ra sự chuyển dịch cọc. Nhà thầu đã đề nghị thử tải cọc móng bằng phương pháp thử tải tĩnh để kiểm định chất lượng cọc và đề nghị xử lý bằng biện pháp gia cố bản sàn bê tông.
Về nguyên nhân sự cố cọc móng, Công ty Kiểm định xây dựng Sài Gòn cho biết nguyên nhân đào đất mới xác định trên định tính, chưa xác định trên định lượng nên khó thuyết phục. Công ty Tư vấn giám sát (Nhật Bản) và nhiều chuyên gia đã đồng ý cọc móng cần thử tải trọng, cần kiểm định lại độ toàn vẹn, bền vững của cọc…
Giám đốc Trần Quang Phượng cho biết: Sở GTCC đã kết hợp với Sở Xây dựng báo cáo với UBND TP và Bộ Xây dựng để xử lý sự cố này, đồng ý để Công ty Kiểm định xây dựng Sài Gòn kiểm định và yêu cầu nhà thầu, công ty tư vấn giám sát xây dựng đề cương kiểm định phù hợp thực tế của sự cố, không kiểm định theo tiêu chuẩn bình thường. Tiếp tục xác định nguyên nhân gây ra sự cố để đề ra biện pháp khắc phục chính xác, xây dựng nhà máy xử lý nước thải bền vững, đạt tiêu chuẩn thiết kế kỹ thuật.
Đ.TH.