Cuộc thi “Ngôi sao vọng cổ truyền hình TPHCM 2006”

Tìm kiếm những giọng ca vọng cổ mới

Tìm kiếm những giọng ca vọng cổ mới

Tối nay 23-9, tại rạp hát Hưng Đạo sẽ diễn ra vòng sơ khảo cuộc thi “Ngôi sao vọng cổ truyền hình TPHCM năm 2006” do Đài Truyền hình TPHCM tổ chức. Đây là lần đầu tiên Đài Truyền hình TPHCM đứng ra tổ chức một cuộc thi dành riêng cho vọng cổ, nhằm tìm kiếm những giọng ca mới. Trước khi cuộc thi bắt đầu, chúng tôi có cuộc trao đổi với Nhạc sĩ Kiều Tấn – Phó trưởng ban tổ chức thường trực của cuộc thi.

- PV:
Anh có thể cho biết ý nghĩa của cuộc thi “Ngôi sao vọng cổ truyền hình TPHCM 2006” và giới thiệu đôi nét về cuộc thi này?

Tìm kiếm những giọng ca vọng cổ mới ảnh 1

- Nhạc sĩ KIỀU TẤN: Khoảng 30 năm nay, những giọng ca về vọng cổ có bản sắc riêng như Lệ Thủy, Minh Vương, Tấn Tài, Thanh Kim Huệ, Mỹ Châu, Minh Phụng, Thanh Tuấn… gần như không có. Trên các phương tiện thông tin đại chúng như phát thanh, truyền hình cũng chưa thấy xuất hiện nhiều nhân tố mới.

Cho nên, qua cuộc thi này, chúng tôi mong muốn phát hiện thêm những nhân tố mới, ca vọng cổ hay bởi “phi vọng cổ bất thành cải lương”. Vọng cổ có ý nghĩa rất quan trọng. Có nhiều khán giả đến rạp (hoặc xem trên truyền hình) xem cải lương cốt nghe vọng cổ. Bài vọng cổ có đủ các sắc thái tình cảm hỉ, nộ, ái, ố…

Có thể nói đến giờ, trong cổ nhạc, chưa có bài nào có thể thay thế được bài ca vọng cổ… Từ những yếu tố trên, chúng tôi mới quyết định tổ chức cuộc thi này và dự định sẽ tổ chức định kỳ hàng năm. Cuộc thi này sẽ diễn ra các vòng thi: sơ khảo (ở Cần Thơ và TPHCM), bán kết, chung kết và chung kết xếp hạng. Đây là cuộc thi trên truyền hình, khán giả cần có những hình ảnh đẹp để xem.

Cho nên, ở cuộc thi này sẽ có sự ưu tiên cho hình thức minh họa, tạo nền cho thí sinh thi. Đặc biệt, từ vòng thi chung kết thí sinh sẽ ca vọng cổ được trích trong các vở tuồng nổi tiếng như “Đời cô Lựu” chẳng hạn, để qua đó thí sinh vừa ca, vừa có đất diễn, kết hợp với một số nghệ sĩ nổi tiếng khác.

- Đây là lần đầu tiên tổ chức, nhưng tên gọi có hai từ “Ngôi sao”, vậy làm thế nào để chất lượng cuộc thi xứng với tên gọi?

- Khái niệm về ngôi sao của vọng cổ chỉ là những giọng ca mới lóe sáng, triển vọng và còn phải bồi dưỡng rất nhiều mới trở thành danh ca, danh ca mới là đỉnh cao. Cuộc thi này sẽ diễn ra nhiều vòng thi và từ vòng chung kết thì cuộc thi sẽ có nhiều hội đồng chấm điểm như Hội đồng giám khảo chuyên môn, Hội đồng giám khảo báo chí và đặc biệt là khán giả truyền hình sẽ cùng tham gia bình chọn… Riêng đêm chung kết xếp hạng, còn 3 thí sinh, các Hội đồng giám khảo chuyên môn, Hội đồng giám khảo báo chí không chấm nữa mà chỉ còn lại Hội đồng tư vấn để khán giả màn ảnh tham khảo bình chọn ra người xứng đáng nhất, trao biểu tượng chuông vàng.

- Đến thời điểm này, cuộc thi có bao nhiêu thí sinh đăng ký?

- Gần 500 thí sinh đăng ký thi. Sau vòng sơ khảo sẽ chọn 50 thí sinh vào vòng bán kết, sau bán kết sẽ chọn 10 thí sinh cao điểm nhất vào vòng chung kết. 

ĐỖ HẠNH

Tin cùng chuyên mục