Tín dụng cuối năm khó tăng tốc

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến ngày 16-9, tăng trưởng tín dụng toàn ngành đạt 4,81%. Mặc dù thời gian qua NHNN đã điều chỉnh nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng cho một số tổ chức tín dụng hoạt động hiệu quả, có điều kiện mở rộng tín dụng lành mạnh vào các lĩnh vực phục vụ tăng trưởng kinh tế, song tín dụng chung toàn hệ thống vẫn tăng rất chậm.
Hướng dẫn khách hàng giao dịch tại một ngân hàng. Ảnh: CAO THĂNG
Hướng dẫn khách hàng giao dịch tại một ngân hàng. Ảnh: CAO THĂNG

Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thuộc NHNN Việt Nam, cho biết, mặc dù tín dụng tăng trưởng chậm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng nguồn vốn vẫn tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên. Chẳng hạn, tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn tăng 4,5%, doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 3,5%, xuất khẩu tăng 5%...

Số liệu thống kê của NHNN Chi nhánh TPHCM cũng cho thấy, mặc dù tăng trưởng tín dụng 8 tháng đầu năm 2020 thấp hơn so với cùng kỳ, chỉ đạt 3,86%, nhưng các ngân hàng ở TPHCM đã cùng với Sở Công thương TPHCM tích cực kết nối hỗ trợ doanh nghiệp (DN) phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh. Tổng số vốn trong các đợt kết nối đạt trên 87.800 tỷ đồng. Riêng hoạt động kết nối ngân hàng - DN tại các quận huyện cũng đã ký kết cho vay được 2.747 tỷ đồng. Cùng với đó, gói tín dụng của các NHTM cam kết cho vay vào đầu năm 2020 đến nay đã giải ngân được trên 208.000 tỷ đồng. Tính chung các hoạt động này đã có gần 300.000 tỷ đồng vốn vay với lãi suất thấp được đưa ra thị trường nhằm hỗ trợ cho các DN.

Từ nửa cuối tháng 8 đến nay, thị trường đã xuất hiện dấu hiệu phục hồi trở lại và hé mở những “điểm sáng” cung ứng tín dụng các tháng cuối năm 2020 của các tổ chức tín dụng. Song song với đó, các ngân hàng cũng đưa ra các gói kích thích, như miễn, giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ các DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Chẳng hạn như HDBank vừa có gói hỗ trợ lãi suất cho người thuê nhà và DN siêu nhỏ phục hồi kinh doanh với mức cho vay lên đến 2 tỷ đồng và ân hạn nợ gốc đến 24 tháng. Đây được xem là tín hiệu tốt, báo hiệu về một sức bật mới từ nay đến cuối năm.

Nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) đã tăng hạn mức tín dụng, như: Techcombank, VPBank nâng room tín dụng tới 19% - 23%; MBB điều chỉnh room tín dụng từ 11,75% lên 20%; VIB nới lên 12,5% so với hạn mức ban đầu; TPBank được tăng room lên 11,5%... Tuy nhiên, 4 ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) Nhà nước là Agribank, BIDV, Vietcombank và Vietinbank không xin nâng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng vì vẫn khó trong giải ngân, dư địa tăng cho vay của nhóm này so với chỉ tiêu từ đầu năm vẫn còn. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng vẫn chủ yếu phụ thuộc vào nhóm 4 ngân hàng lớn nói trên.

Ông Phan Dũng Khánh, chuyên gia tài chính tiền tệ, đánh giá tín dụng hiện tăng trưởng thấp nhưng phản ánh đúng thực trạng của nền kinh tế. Trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng kinh tế thì Việt Nam có tăng trưởng tín dụng như hiện nay đã là tốt. Hệ thống ngân hàng có nhiệm vụ cung cấp đủ vốn cho nền kinh tế và hiện đang dư vốn nên vấn đề còn lại là phải có chính sách khuyến khích tăng sức hấp thụ vốn của nền kinh tế từ Nhà nước.

Đẩy mạnh cho vay tiêu dùng

Các NHTM cho biết, hiện số DN mong muốn được cơ cấu nợ, giảm lãi suất cho khoản vay hiện hữu nhiều hơn DN có nhu cầu vay mới. Lãnh đạo Ngân hàng SCB cho biết, hiện lãi suất cho vay đã rẻ hơn trước rất nhiều nhưng các DN thuộc những ngành bị tác động mạnh bởi dịch bệnh chưa có nhu cầu vay mới mà chỉ có nhu cầu được cơ cấu nợ. Do đó, tín dụng cũng chỉ đẩy vào các ngành có khả năng hấp thụ vốn như tiêu dùng, nhu yếu phẩm, dược phẩm, bán lẻ…

Giao dịch tại một ngân hàng ở TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Thực tế cho thấy, do tín dụng khó đẩy vào DN nên thời gian gần đây, hàng loạt NHTM đã đẩy mạnh cho vay tiêu dùng với những gói ưu đãi lãi suất hấp dẫn. Cụ thể: từ tháng 9-2020, lãi suất cho vay cá nhân (mua nhà, xe ô tô, xây sửa nhà cửa) tại ABBANK được điều chỉnh giảm lần thứ 4 với mức thấp nhất chỉ từ 5,9%/năm áp dụng đến hết ngày 31-12-2020. SHB cũng vừa điều chỉnh lãi suất vay mua nhà đất từ 7,5%/năm xuống còn 6,5%/năm, lãi suất vay mua nhà dự án, mua ô tô, tiêu dùng giảm chỉ còn 6,8%/năm. MSB tiếp tục giảm lãi suất xuống chỉ còn 0% cho nhóm khách hàng cá nhân có nhu cầu vay tiêu dùng và phát triển kinh doanh trong tháng đầu tiên đến hết tháng 11-2020.

Theo TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, các NHTM chọn giải pháp tăng tín dụng tiêu dùng trong giai đoạn cuối năm có nguyên nhân từ việc cho vay giai đoạn vừa qua gặp rất nhiều khó khăn. Còn trong giai đoạn này, tăng tín dụng tiêu dùng sẽ góp phần kích thích tổng cầu, hỗ trợ tăng trưởng... Mặc dù vậy, vẫn theo chuyên gia kinh tế này, động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cuối năm là khả năng kiểm soát dịch bệnh và sự phục hồi của các hoạt động kinh tế - xã hội. Trong đó, khối DN vừa và nhỏ và khối cá nhân sẽ có nhu cầu vay vốn nhiều hơn và đó là dư địa để tín dụng còn khả năng mở rộng.

“Với các giải pháp phù hợp, tín dụng những tháng cuối năm có khả năng sẽ tăng trưởng mỗi tháng thêm 1%, để tăng trưởng cả năm đạt từ 8%-9%”, ông Cấn Văn Lực dự đoán. 

Nhận định về tín dụng những tháng cuối năm, Bộ phận nghiên cứu Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research) cũng cho rằng, ngay cả khi đề ra tăng trưởng tín dụng năm 2020 đạt khoảng 10%, thấp hơn chỉ tiêu đạt ra từ đầu năm ở mức 13%-14% và thấp hơn mức tăng trưởng 13,65% của năm 2019 cũng rất khó hiện thực. Bởi lẽ, để đạt được thì tín dụng các tháng cuối năm phải tăng trưởng tương đương cùng kỳ năm ngoái. Tức những tháng cuối năm bình quân tín dụng sẽ phải tăng khoảng 1,3%/tháng và điều này khó xảy ra trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp trên toàn thế giới và chuỗi sản xuất vẫn đang bị đứt gãy.

Ông PHAN DŨNG KHÁNH, thành viên sáng lập Hiệp hội các nhà quản trị tài chính Việt Nam: Quan trọng nhất là chất lượng tín dụng
Dịch Covid-19 bùng phát trở lại tại Việt Nam trong tháng 7-2020 và hiện trên thế giới, số ca nhiễm Covid-19 ngày càng tăng thì khả năng nhu cầu tín dụng trong những tháng cuối năm vẫn ở mức thấp, khó đạt được chỉ tiêu mà NHNN đặt ra vào đầu năm. Tuy nhiên, khi nền kinh tế chưa thể hấp thụ vốn, nếu tăng dư nợ tín dụng cao sẽ xảy ra nguy cơ vốn chảy vào các các kênh đầu cơ như chứng khoán, bất động sản, vàng. Lúc đó, tiềm ẩn rủi ro xuất hiện bong bóng tài chính sẽ rất lớn.
Do đó, vấn đề hiện nay không phải thúc tăng trưởng tín dụng tăng để đạt thành tích mà quan trọng nhất là chất lượng tín dụng. Các cơ quan quản lý phải biết được tiền bơm ra đi đâu và hiệu quả sử dụng ra sao. Cần có những chính sách ưu tiên hỗ trợ các lĩnh vực thiết yếu, ăn sâu vào nền kinh tế và hạn chế với những ngành nghề có khả năng đầu cơ lớn để tránh tiền chảy vào sản phẩm đầu cơ.


TS NGUYỄN TRÍ HIẾU, chuyên gia tài chính ngân hàng: Cần tăng tốc giải ngân đầu tư công
Tăng trưởng tín dụng chậm lại vào đầu năm nhưng đà tăng có thể phục hồi vào cuối năm 2020 nhờ nhu cầu triển khai đầu tư hạ tầng. Mặc dù vậy, mục tiêu tăng trưởng xấp xỉ năm ngoái ở mức gần 14% là rất khó để thực hiện. Muốn thúc đẩy tín dụng, không thể chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ của ngân hàng, mà cần sự hỗ trợ tổng thể của chính sách, gồm đẩy nhanh triển khai gói hỗ trợ thứ hai tới người dân, doanh nghiệp, đẩy nhanh đầu tư năm, kích cầu tiêu dùng trong nước.
Do đó, để tăng trưởng tốt những tháng cuối năm cần phải tăng tốc giải ngân đầu tư công vì nhu cầu vay tài trợ các dự án lớn sẽ tăng cao theo quá trình tăng giải ngân đầu tư công. Ngoài ra, tín dụng tiêu dùng là lĩnh vực có tiềm năng và dự kiến có nhu cầu tăng cao vào cuối năm nên các NHTM có thể tận dụng lĩnh vực này để đẩy tín dụng. Tuy nhiên, các ngân hàng cũng cần cẩn trọng khi tăng trưởng ở mảng này do có rủi ro cao, nhất là trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn vì dịch, khả năng chi trả cho vay tiêu dùng của người dân cũng sẽ khó hơn do ảnh hưởng về thu nhập và công ăn việc làm.

Tin cùng chuyên mục