Tinh hoa giọt nước sông Côn…

Tinh hoa giọt nước sông Côn…

Đó không chỉ là những ngày tìm về với cội nguồn của dòng sông, từ đỉnh Trường Sơn đi qua những thăng trầm của dòng chảy lịch sử ngàn năm, về với những làng võ nằm ven sông Côn, về với những võ sĩ chân đất đã mang tinh hoa võ Việt đi khắp năm châu, với những người làm phim chúng tôi, những ngày làm phim Làng võ sông Côn(*) là những ngày được chạm vào quá khứ, chạm vào tinh hoa dòng chảy văn hóa trường tồn của một vùng đất…

Một cảnh trong phim Làng võ sông Côn.

Một cảnh trong phim Làng võ sông Côn.

Ba năm trước, tôi đã từng đến Bình Định để làm một ký sự truyền hình nhiều tập trong seri phim Khám phá những dòng sông Việt. Những ngày lang thang khám phá dòng sông Côn - dòng sông chính của tỉnh Bình Định khởi nguồn từ khối núi Ngọc Roo của tỉnh Kon Tum đi qua 171km đưa nước về đầm Thị Nại hòa vào biển Đông, khi ấy tôi vẫn luôn khao khát làm một bộ phim tài liệu đúng nghĩa về dòng sông này, bởi không gian và ngôn ngữ ký sự truyền hình không thể tải hết những giá trị đa dạng của văn hóa, lịch sử và con người bên dòng sông Côn. Và mùa hè năm 2012, tôi và êkíp làm phim của Truyền hình An Viên đã quyết định trở lại với một dự án nghiêm túc cho loạt phim tài liệu ba tập Làng võ sông Côn.

Những huyền thoại sống của những làng võ huyền thoại vẫn còn đây, vẫn bình dị, chân chất như giọt nước sông Côn như võ sư Phan Thọ, Phi Long Vịnh, Lý Xuân Hỷ… một thời vang bóng đất võ. Trong không gian bình dị của mỗi chiều, hàng ngàn võ sinh là con em nông dân vẫn tìm ra những bãi bồi ven sông để luyện võ trong một tâm thế sống của tinh thần đoàn quân áo vải Tây Sơn năm nào. Võ sư Phạm Phong, Phó Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam, cố vấn chính cho đoàn làm phim chia sẻ: “Võ Bình Định lạ lắm, nó không chỉ là cái nôi của nhiều môn phái võ thuật cổ truyền Việt Nam, mà còn mang một giá trị nhân văn cao đẹp của một dân tộc thượng võ “lưng đeo gươm, tay mềm mại bút hoa”. Còn với nhà nghiên cứu văn hóa Vũ Ngọc Liễn: “Võ thuật Bình Định không chỉ đơn thuần là một môn phái, một cái nôi của võ thuật, mà là tinh hoa của một nền văn hóa. Ngày xưa, người Bình Định học võ để thông qua đó học chữ, học làm người. Cứ đêm đêm sáng trăng những ngôi làng ven sông đều đầy người luyện võ. Để đạt đến đẳng cấp thượng thừa, võ sinh phải nghiên cứu sách thánh hiền, những bí kíp võ công được gìn giữ trong từng ngôi làng. Và thông qua võ người ta lại tìm đến một nền văn hóa khác, đó chính là tuồng Bình Định, nét đan xen văn hóa rực rỡ ấy chỉ có ở những làng võ ven sông Côn…”.

Chúng tôi đã dành trọn hai ngày để quay những bối cảnh ở chùa Long Phước, một ngôi cổ tự mà theo tương truyền vẫn còn lưu giữ một báu vật của nền võ học Việt Nam: bộ tàng thư hơn 500 thế võ cổ truyền có từ thế kỷ 16 đến nay. Hàng ngàn võ sinh, võ sư đã bước ra và đi khắp nơi trong và ngoài nước, truyền bá một nền tinh hoa võ thuật Việt từ ngôi cổ tự này. Thượng tọa Thích Hạnh Hòa, trụ trì chùa Long Phước, cho biết: “Tất cả đều dạy miễn phí, nhà chùa không chỉ mong muốn truyền lại cho các em một tinh thần thượng võ, mà còn là một đạo lý sống, một triết lý sống mà từ ngàn xưa cha ông ta đã truyền lại, đó chính là bí kíp lớn nhất của chùa Long Phước”.

Một điều rất đặc biệt với những người làm phim chúng tôi là chưa có một nền võ thuật nào của Việt Nam lại mang đến cho người có tinh thần thượng võ một niềm đam mê mãnh liệt như võ Bình Định. Đi qua nhiều lò võ làng, thỉnh thoảng ta đều thấy hình ảnh những chàng trai, cô gái ngoại quốc tham gia học võ với những chú mục đồng chăn trâu hay chị nông dân chân lấm tay bùn. Điều đó cũng dễ hiểu với chúng tôi khi Liên hoan quốc tế võ cổ truyền Việt Nam lần thứ 4 tại Bình Định (tháng 8-2012) đã có hơn 30 đoàn võ thuật từ khắp nơi trên thế giới về đây tham gia biểu diễn và giao đấu với các lò võ làng.

Võ sĩ Henrique Coelho, đến từ Bỉ cho biết, khi đến thăm một lò võ ở làng An Thái: “Thần đồng quyền, Roi tráng sĩ, Tam thiết côn, Lão Hổ thượng sơn, Quyền tráng sĩ... là những bài quyền rất được ưa chuộng tại Bỉ, tôi thật không ngờ, tất cả những tuyệt đỉnh võ công ấy lại xuất phát từ những ngôi làng đơn sơ như thế này…”. Nữ võ sư Helene Tran đã thốt lên khi biết những bài quyền tuyệt kỹ Miêu tẩy diện hay Song phượng kiếm mà nhiều võ sinh ở Pháp rất ưa chuộng lại được sáng tạo bởi những người nông dân khi họ quan sát một chú mèo đang rửa mặt hay một đôi chim én đang chao liệng trên những cánh đồng lúa…

Làm phim về những làng võ ven sông Côn, chúng tôi không có tham vọng vẽ nên bức tranh toàn bích về một nền võ thuật rực rỡ của một vùng đất sản sinh ra nhiều nhân tài hào kiệt của đất nước, mà chính những tinh hoa của sự hòa quyện văn - võ của những làng võ chân quê, chính tinh hoa đã trường tồn ngàn năm của giọt nước sông Côn đã tạo nên thành công của bộ phim này.

(*) Phim tài liệu Làng võ sông Côn của Truyền hình An Viên (AVG) đã đoạt giải nhất Liên hoan phim tài liệu truyền hình toàn quốc lần thứ 2 (5-2013).

Đạo diễn BINH NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục