Tính thuế, mỗi nơi mỗi kiểu

Ngày 1-1-2014, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) chính thức có hiệu lực. Thế nhưng, từ ngày luật có hiệu lực đến nay, một số doanh nghiệp (DN) hoạt động trong các ngành nông sản gặp nhiều khó khăn do một số cơ quan thuế đã áp dụng chính sách thuế GTGT theo Thông tư 219/2013/TT-BTC ngày 31-12-2013 của Bộ Tài chính không thống nhất cho cùng một mặt hàng.

Ngày 1-1-2014, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) chính thức có hiệu lực. Thế nhưng, từ ngày luật có hiệu lực đến nay, một số doanh nghiệp (DN) hoạt động trong các ngành nông sản gặp nhiều khó khăn do một số cơ quan thuế đã áp dụng chính sách thuế GTGT theo Thông tư 219/2013/TT-BTC ngày 31-12-2013 của Bộ Tài chính không thống nhất cho cùng một mặt hàng.

Tại buổi đối thoại giữa Cục Thuế TPHCM với DN xung quanh các chính sách thuế mới đây, ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Hoàng Dũng, TPHCM than vãn: Trong tháng 1-2014, tháng đầu tiên triển khai các quy định của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT, công ty đã nộp 11 tỷ đồng tiền thuế đối với các mặt hàng nông sản, trong đó mủ cao su chiếm đến 8 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi đi làm hồ sơ hoàn thuế thì không được chấp nhận vì theo quan điểm của Cục Thuế TPHCM, các mặt hàng trên không thuộc diện phải kê khai, nộp thuế GTGT.

Trong khi đó, đối với các mặt hàng mủ cao su sơ chế, Cục Thuế tỉnh Bình Phước lại có văn bản hướng dẫn các DN bán cho nhau thì phải đóng thuế GTGT và xuất hóa đơn. Cục Thuế Bình Dương cũng áp dụng tương tự. Do Bình Phước và Bình Dương là hai vùng trồng cao su lớn nên hiện nay, rất nhiều DN đã phải kê khai, nộp thuế GTGT từ ngày 1-1-2014 đến nay với số tiền thuế lên tới hàng tỷ đồng. Trong khi đó, theo Hiệp hội Cao su Việt Nam, hiện nay vấn đề thuế GTGT đối với mủ cao su sơ chế hầu như DN nào trong hiệp hội cũng gặp vướng mắc. Cụ thể, đối với người trồng cao su bán vẫn đóng thuế GTGT 5%; còn các DN mua vào ở các thành phố lại không được hoàn thuế với số tiền lên đến hàng tỷ đồng.

Cũng liên quan đến thuế GTGT, mới đây 15 DN nhập khẩu hàng nông sản mì lát khô, bắp hạt... từ Campuchia về Việt Nam qua cửa khẩu quốc tế Xa Mát (tỉnh Tây Ninh) gửi đơn đến các cơ quan chức năng kiến nghị tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong việc áp thuế đối với hàng nông sản nhập khẩu. Theo các DN này thì nghị định và thông tư hướng dẫn thực hiện Luật Thuế GTGT không áp dụng đóng thuế GTGT 5% cho các mặt hàng nông sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác. Thế nhưng, hải quan tại cửa khẩu Xa Mát lại áp dụng cách tính thuế GTGT 5% đối với mặt hàng nông sản mì lát khô vì cho rằng trường hợp mặt hàng mì lát khô nhập khẩu của họ thuộc đối tượng chịu thuế suất thuế GTGT 5% theo quy định của pháp luật. Từ thực tế nêu trên, một lần nữa cho thấy sự thiếu rõ ràng của các văn bản pháp luật đã để lại những ảnh hưởng không nhỏ cho các DN trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trước thực tế nêu trên, Bộ Tài chính cần sớm có văn bản hướng dẫn cho các cục thuế địa phương thống nhất trong cách áp dụng thuế suất GTGT. Mặt khác, các văn bản hướng dẫn luật pháp phải rõ ràng để cả cơ quan thực thi công vụ và DN dễ thực hiện. Riêng các trường hợp DN đã đóng thuế GTGT nên xem xét giải quyết việc hoàn thuế cho DN, giúp họ có thêm nguồn vốn tái sản xuất kinh doanh.

ĐÌNH LÝ

Tin cùng chuyên mục