
Chiều 30-11 giờ địa phương (tức 1 giờ sáng ngày 1-12 giờ VN), Vụ Thương mại quốc tế thuộc Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố phán quyết cuối cùng đối với tôm nhập khẩu từ Việt Nam và Trung Quốc, 2 trong số 6 nước nằm trong vụ Liên minh tôm miền Nam nước Mỹ (SSA) khởi kiện 6 nước châu Á và Nam Mỹ bán phá giá tôm nước ấm đóng hộp và tôm đông lạnh tại thị trường Mỹ.
Quyết định cuối cùng của DOC có thay đổi đôi chút so với quyết định sơ bộ sửa đổi mà cơ quan này công bố hôm 24-8 vừa qua. Theo đó, mức thuế chống bán phá giá đối với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm Việt Nam (VN) dao động từ 4,13% đến 25,76%, giảm đáng kể so với quyết định sơ bộ của DOC là 12,11% đến 93,13%

Trong số 38 doanh nghiệp VN tham gia chống kiện, 32 doanh nghiệp đã được xác định có “biên độ thuế” dưới 5%, 6 doanh nghiệp còn lại chịu “biên độ thuế” cao 25,76%, ngang với tất cả các doanh nghiệp khác không tham gia vụ kiện. Về trường hợp tôm xuất khẩu của Trung Quốc, biểu thuế chống phá giá cao hơn nhiều, có biên độ dao động từ 27,89% đến 112,81%.
Dự kiến ngày 17-12, DOC sẽ công bố phán quyết cuối cùng đối với tôm nhập khẩu từ 4 nước bị đơn còn lại là Thái Lan, Ấn Độ, Brazil và Ecuador.
Sau phán quyết cuối cùng của DOC, vụ kiện tôm sẽ được đưa trở lại Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (ITC). Dự kiến ngày 12-1-2005, ITC đưa ra phán quyết cuối cùng đối với tôm của Việt Nam và Trung Quốc. Lịch trình của ITC đối với tôm của Thái Lan, Ấn Độ, Brazil và Ecuador hiện vẫn dự kiến vào 31-1-2005.
Nếu ITC khẳng định tôm nhập khẩu từ các nước bị đơn gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho ngành đánh bắt tôm Mỹ, quyết định cuối cùng của DOC sẽ có hiệu lực, cụ thể với Việt Nam và Trung Quốc bắt đầu từ ngày 19-1-2005. Trong trường hợp ngược lại, quyết định của DOC sẽ bị loại bỏ.
- Việt Nam không bán phá giá
Ngay sau khi DOC công bố các mức thuế, đại diện cộng đồng các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã ra tuyên bố khẳng định: các doanh nghiệp Việt Nam không bán phá giá sản phẩm tôm sang thị trường Mỹ và các thị trường khác.
VASEP cũng ghi nhận những sửa đổi theo chiều hướng tích cực của DOC thể hiện trong quyết định lần này.
Đó là nhờ trong quá trình thẩm tra vụ kiện, DOC đã chấp nhận một phần các lý lẽ và số liệu thực tế, đã xem xét kỹ hơn những tư liệu đầy đủ và minh bạch do các doanh nghiệp Việt Nam và các nhà nhập khẩu tôm của Mỹ cung cấp, và do vậy đã đưa ra được những kết luận phản ảnh gần đúng hơn thực tế sản xuất tôm ở Việt Nam.
Tuy nhiên, một lần nữa VASEP khẳng định nếu nghiên cứu thấu đáo và toàn diện hơn nữa các lợi thế của ngành tôm Việt Nam, DOC sẽ đi đến kết luận các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn không bán phá giá.
VASEP và các doanh nghiệp thành viên đặc biệt yêu cầu DOC sớm xem xét sửa đổi quyết định không công bằng đối với các công ty Kim Anh, Trúc An, Hải Thuận, Ngọc Sinh, Phương Nam và Nha Trang Fisheries Co. Tất cả 6 doanh nghiệp này đều là công ty tư nhân, hoạt động hoàn toàn độc lập, không phụ thuộc nhà nước, có toàn quyền được xem xét giống như các công ty khác, theo quy định của pháp luật Mỹ.
Các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam kêu gọi các nhà nhập khẩu, chế biến và phân phối tôm ở Mỹ, người tiêu dùng, chính giới, công luận Mỹ và toàn thể những người yêu chuộng tinh thần tự do thương mại và cạnh tranh bình đẳng hãy cùng lên tiếng đề nghị Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (ITC) xem xét vụ kiện một cách công bằng, khách quan và minh bạch.
- Các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục đấu tranh
Ngày 1-12, trao đổi với báo SGGP về phán quyết của DOC, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch VASEP cho biết: Mong đợi lớn nhất của cộng đồng các doanh nghiệp Việt Nam là phán quyết không bán phá giá của DOC. Tuy nhiên, việc giảm các mức thuế so với phán quyết sơ bộ chứng tỏ DOC đã có sự xem xét nghiêm túc hồ sơ của các doanh nghiệp Việt Nam, đó là một khởi động tốt cho chúng ta trong vụ kiện này. Vì vậy, dù không thực sự hài lòng với các mức thuế trong quyết định cuối cùng của DOC nhưng tôi cho rằng, phán quyết cuối cùng của DOC sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tôm Việt Nam tăng khối lượng hàng xuất khẩu sang Mỹ trong thời gian tới.
Một điều đáng chú ý: sự cắt giảm đáng kể các mức thuế đối với các công ty của Việt Nam là dấu hiệu cho thấy mức thuế đối với 4 nước còn lại (Ấn Độ, Thái Lan, Ecuador và Brazil) chắc chắn cũng sẽ được hạ thấp. Tuy nhiên, dù thuế tôm Thái Lan được áp 0% thì tôm của chúng ta vẫn có khả năng cạnh tranh được tại Mỹ.
Không chấp nhận với các mức thuế cuối cùng của DOC, các doanh nghiệp tôm Việt Nam sẽ tiếp tục đấu tranh để ITC ra phán quyết công bằng là tôm Việt Nam không gây ảnh hưởng đến ngành tôm Mỹ. Bài học lớn nhất từ vụ kiện này chính là sự gắn kết, đồng lòng của các doanh nghiệp tôm Việt Nam trong vụ kiện, tạo nên sự thống nhất cao trong hồ sơ, số liệu cung cấp cho đoàn điều tra của DOC.
* Chiều qua (1-12), trao đổi với phóng viên báo SGGP, ông Lý Văn Thuận, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến xuất khẩu thủy sản Cà Mau cho biết: “So với mức thuế ban đầu, thì lần phán quyết cuối cùng này, 2 doanh nghiệp xuất khẩu tôm chủ lực vào thị trường Mỹ chịu mức thuế nhẹ hơn. Cụ thể như Công ty Xuất nhập khẩu thủy sản Minh Phú từ 14,89% giảm xuống 4,21%; Công ty Chế biến xuất nhập khẩu thủy sản Cà Mau từ 19,6% xuống còn 4,99%. Tuy nhiên, quyết định này vẫn không công bằng, bởi các doanh nghiệp Cà Mau không bán phá giá tôm vào thị trường Mỹ.
Trong 10 tháng đầu năm 2004, các doanh nghiệp chế biến thủy sản ở Cà Mau đã xuất khẩu được 43.517 tấn tôm thương phẩm; giá trị trên 400 triệu USD, đạt 81,7% so kế hoạch cả năm. Dự báo, trong tháng 11 và 12, giá trị xuất khẩu của Cà Mau sẽ đạt thêm khoảng 80 triệu USD. Như vậy, so với kế hoạch đề ra giảm 10 triệu USD.
Nguyên nhân, dẫn đến tình trạng trên là do ảnh hưởng vụ kiện tôm của Mỹ. Tỷ trọng sản lượng xuất khẩu tôm vào thị trường Mỹ từ 50% (năm 2003), giảm xuống còn 27% trong năm nay. Cà Mau đang tích cực mở rộng thị trường mới, trong đó thị trường Nhật có dấu hiệu khả quan.
Ông Ngô Văn Nga, Giám đốc Công ty Chế biến thủy sản Quốc Việt tự tin nói: “Trong thời điểm khó khăn, chúng tôi phải tạo hướng đi mới để tồn tại và phát triển. Hàng loạt mặt hàng được chào mời vào thị trường Nhật, được người tiêu dùng đón nhận. Chỉ trong 10 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu vào thị trường Nhật đạt 38,8 triệu USD, vượt 30% so kế hoạch năm.
Đây là thành công ngoài mong đợi”. Nhờ sự ổn định vào thị trường Nhật, Quốc Việt từ một công ty nhỏ, vươn lên đứng thứ 4 về kim ngạch xuất khẩu thủy sản ở Cà Mau. Số lượng công nhân từ 850 người (năm 2003), nay tăng lên trên 1.500 người. Đảm bảo thu nhập cho công nhân 1,2 triệu đồng/người/tháng.
NHÓM PV
Mức chịu thuế của các doanh nghiệp Việt Nam
(Theo quyết định cuối cùng của DOC 1-12-2004
Công ty | Mứcthuế dự kiến | Mứcthuế cuối cùng | Tăng,giảm |
Công ty cổ phần Thủy sản Seaprodex Minh Hải (Bạc Liêu) | 18,68 % | 4,13 % | - 14,55 % |
Công ty XNK thủy sản Minh Phú (Cà Mau) | 14,89 % | 4,21 % | - 10,68 % |
Công ty Chế biến thủy sản và XNK Camimex (Cà Mau) | 19,60 % | 4,99 % | - 14,61 % |
Mức thuế trung bình cho 29 DN “bị đơn tự nguyện” được thuế suất riêng biệt. | 16,01 % | 4,38 % | - 11,63 % |
5 DN còn lại (Hải Thuận, Ngọc Sinh, Trúc An, Phương Nam và Nha Trang Fisheries Co.) và toàn bộ các DN khác | 93,13 % | 25,76 % | - 67,37 % |
Công ty TNHH Kim Anh (Sóc Trăng) | 12,11 % | 25,76 % | + 13,65 % |