Kết thúc Hội thi tay nghề ASEAN V

Tôn vinh thợ trẻ tài năng

Sau 3 ngày so tài, tối qua, 29-9, Hội thi tay nghề ASEAN V tổ chức ở Hà Nội do Việt Nam lần đầu tiên đăng cai đã kết thúc thành công. Ở hội thi lần này, với 153 thí sinh đến từ 8 nước trong khu vực dự thi 14 nghề, 28 thí sinh của Việt Nam đã giành được 13 Huy chương vàng (HCV), 5 HCB, 3 HCĐ, vươn lên dẫn đầu toàn đoàn. Về nhì là đoàn Thái Lan với 4 HCV, 4 HCB, 2 HCĐ; thứ 3 là đoàn Philippines.
Tôn vinh thợ trẻ tài năng

Sau 3 ngày so tài, tối qua, 29-9, Hội thi tay nghề ASEAN V tổ chức ở Hà Nội do Việt Nam lần đầu tiên đăng cai đã kết thúc thành công. Ở hội thi lần này, với 153 thí sinh đến từ 8 nước trong khu vực dự thi 14 nghề, 28 thí sinh của Việt Nam đã giành được 13 Huy chương vàng (HCV), 5 HCB, 3 HCĐ, vươn lên dẫn đầu toàn đoàn. Về nhì là đoàn Thái Lan với 4 HCV, 4 HCB, 2 HCĐ; thứ 3 là đoàn Philippines.

  • Tự tin và chiến thắng
Tôn vinh thợ trẻ tài năng ảnh 1
Quang cảnh cuộc thi  nghề công nghệ ô tô. Ảnh: MINH ĐIỀN

Chiều qua, 29-9, ngay sau khi Ban tổ chức công bố danh sách các thí sinh đoạt giải, chúng tôi đã có mặt nơi các thí sinh Việt Nam đang ở tham dự hội thi. Một không khí vui vẻ bao trùm, những câu chào hỏi, bắt tay nhau chúc mừng. Tất cả các gương mặt đều rất trẻ và đầy tự tin. Phan Ngọc Ánh, Huy chương vàng (HCV) nghề vẽ và thiết kế trên máy tính (CADD) rất vui khi nói với chúng tôi: “Vậy là mục tiêu của em đã đạt được rồi”. Sinh năm 1983, Ánh vừa tốt nghiệp Trường Cao đẳng Công nghiệp 4 (CĐCN 4), TP Hồ Chí Minh. Tại lần thi này, đề thi khó nhưng sát với thực tế nên em đã làm bài rất thành công, xuất sắc vượt qua nhiều thí sinh “đối thủ” của Thái Lan, Indonesia để mang về cho đất nước HCV.

Ở ngành công nghệ thông tin, 2 thí sinh của Việt Nam là Châu Chí Thiện và Nguyễn Xuân Nhật (đều là sinh viên của Trường CĐCN 4, TP Hồ Chí Minh) cũng đã rất xuất sắc mang về một HCV và một HCB. Tiếp xúc với chúng tôi, Châu Chí Thiện (sinh năm 1983, ở quận 3, TP Hồ Chí Minh) vẫn chưa hết cảm giác bất ngờ. Nhưng rồi chàng trai trẻ này lại vạch ngay cho mình một mục tiêu mới: phấn đấu để tham dự Hội thi tay nghề thế giới vào năm 2005. “Em biết là chưa bao giờ Việt Nam tham dự hội thi tay nghề thế giới, nhưng em và nhiều bạn khác đều mong muốn được dự thi để thử sức mình”. Vừa tốt nghiệp Trường CĐCN 4, rất nhiều nơi mời gọi, nhưng Thiện chưa muốn đi làm ngay mà muốn học lên, “em sẽ học liên thông lên đại học hoặc vào thẳng Trường Đại học Bách khoa để học khoa công nghệ thông tin, hoặc vật lý điện tử”. Cùng tâm sự với Thiện, Nguyễn Xuân Nhật (sinh năm 1983, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh), HCB nghề công nghệ thông tin cũng cho biết, em chưa nghĩ đến chuyện đi làm mà mong muốn học lên để hoàn thiện chuyên môn của mình.

  • Lập nghiệp bằng tay nghề giỏi

“Năm 2001, em thi rớt Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh, sau đó em quyết định học cao đẳng, lúc đó cũng chỉ nghĩ là học nghề để nhanh có việc làm, giúp đỡ gia đình, vì ba mẹ em làm ruộng, đời sống cũng rất vất vả. Nhưng ngay từ năm học đầu tiên, khi trong trường có một anh đoạt HCB tay nghề ASEAN, trong em đã trỗi dậy một khát vọng mới: có tay nghề cao, được công nhận để tạo cơ hội mới cho mình”, Phan Ngọc Ánh bày tỏ. Một suy nghĩ rất “người lớn” của Ánh là không nhất thiết phải học đại học, nếu học nghề mà giỏi thì cơ hội thành đạt, kiếm tiền còn lớn gấp bội các cử nhân, kỹ sư. Còn đối với Châu Chí Thiện và Nguyễn Xuân Nhật: “Trong khi bạn bè nô nức vào học đại học, tụi em đi học nghề nhưng cũng không bao giờ lo nghĩ là sau này mình sẽ kém bạn kém bè, vì luôn tin là có tay nghề giỏi thì không sợ thất nghiệp”. Đó cũng là suy nghĩ của Hoàng Nhân Thắng, quê Đông Hưng, Thái Bình, HCV nghề mộc mỹ nghệ. Tốt nghiệp cấp 2, Thắng không đủ điểm vào hệ công lập của trường cấp 3. Thế là quyết định bỏ ước mộng, vì nhà nghèo không đủ tiền học bán công. Sau đó, Thắng vào học nghề ở Trường Công nhân Kỹ thuật chế biến gỗ Trung ương tuyển dành cho con em nông dân học nghề ở Hà Nam. Dự định của Thắng sau hội thi này là vào học một trường đại học sư phạm kỹ thuật để sau này làm thầy giáo dạy mộc mỹ nghệ cho các bạn con nhà nghèo. Em Đoàn Thị Tố Nhân (quê Tiền Giang), HCB nghề dịch vụ nhà hàng cũng cho biết, tuy bây giờ em đã có việc làm ổn định trong một khách sạn 5 sao ở TP Hồ Chí Minh và sắp tốt nghiệp Trường Nghiệp vụ Du lịch và khách sạn TP Hồ Chí Minh, nhưng sau hội thi này, Nhân sẽ vào học khoa du lịch của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Với các kỹ năng đã quá thành thục của một người làm dịch vụ nhà hàng như kết rèm, pha rượu, cắm hoa, xếp khăn ăn..., Nhân cho biết, em tin có thể vào làm bất cứ khách sạn nào ở Việt Nam.

Hội thi lần này có tất cả 14 nội dung nghề, trong đó, có nhiều nghề mang tính cạnh tranh cao như công nghệ thông tin, công nghệ ô tô và thí sinh Việt Nam không được đánh giá cao ở những môn thi này. Tuy nhiên, dù kỹ năng nghề của Hội thi tay nghề ASEAN được soạn thảo bảo đảm độ khó chỉ kém 20% kỹ năng nghề của đề thi tay nghề thế giới, nhưng rất nhiều thí sinh đã hoàn thành xuất sắc phần thi của mình trước thời gian cho phép. Kết quả Việt Nam đoạt 13 HCV là một thành công vượt ngoài mong đợi. Thạc sĩ Bùi Đình Tiền, Phó trưởng khoa Công nghệ thông tin, Trường CĐCN 4, TP Hồ Chí Minh nhận xét: “Sở dĩ Việt Nam giành thứ hạng cao là do đã có một quá trình chuẩn bị rất dài hơi. Nếu các hội thi trước, các thí sinh chỉ được luyện thi 45 ngày thì lần này thời gian luyện tăng lên gấp đôi”. Các nước cũng đều thừa nhận kết quả của Việt Nam là xứng đáng vì tất cả các khâu của hội thi, từ tổ chức, lưu bài thi, coi thi, chấm thi đều được giám sát công khai. Mặt khác, trình độ của thí sinh Việt Nam đối với các “đối thủ” như Thái Lan, Indonesia, Philippines càng ngày càng ngắn lại để khi cần đột phá, họ đã chiến thắng.

Với những người thợ trẻ này, chấp nhận con đường học nghề nhưng với sự khổ luyện, họ đã có một “giấy thông hành” cực kỳ quý giá để bước vào đời, khẳng định vị trí của mình trong xã hội, cũng là cách giúp đất nước hội nhập quốc tế về nhân lực, về chất lượng lao động. Thiết nghĩ, điều đó rất xứng đáng để chúng ta tôn vinh họ.

PHAN THẢO

13 HCV của Việt Nam

Phan Ngọc Ánh, nghề vẽ và thiết kế trên máy tính; Châu Chí Thiện, nghề CNTT; Dương Phúc Trung, nghề công nghệ ô tô,  đều là sinh viên (SV) Trường Cao đẳng Công nghiệp 4, TP Hồ Chí Minh; Trần Xuân Trọng, nghề ốp lát tường và sàn, SV Trường Trung học Xây dựng số 2; Lê Đình Hoàn, nghề đường ống nước, SV Trường CNKT Lắp máy số 1; Ngô Đăng Lam, nghề điện tử ứng dụng, Hà Nội; Đặng Văn Tùng, nghề điện dân dụng, Trường CNKT An Dương, Bình Dương; Phạm Văn Độ, nghề xây gạch, Hà Nội; Nguyễn Ngọc Tuân và Hoàng Nhân Thắng, nghề mộc mỹ nghệ, đều là SV Trường CNKT Chế biến gỗ TƯ; Nguyễn Văn Lượng, nghề mộc dân dụng, SV Trường CNKT Chế biến gỗ TƯ; Lê Thái Sơn, nghề may trang phục nữ, Trường Trung học Kỹ thuật may và Thời trang 1; Đỗ Công Nguyên, nghề nấu ăn, Hà Nội.

Tin cùng chuyên mục