(SGGPO).- Chiều 6-12, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu QH đơn vị bầu cử số 1 TP Hà Nội đã có cuộc tiếp xúc đầu tiên sau kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khóa XIII với các cử tri quận Tây Hồ (Hà Nội).
Qua theo dõi kỳ họp Quốc hội, nhiều cử tri đã thẳng thắn bày tỏ băn khoăn với các ĐBQH. Cử tri Nguyễn Hồng Toán đề nghị lãnh đạo Đảng Nhà nước có biện pháp giải quyết tận gốc tình trạng khiếu kiện dai dẳng. Ông Toán cũng cho rằng, trong số các vị thành viên Chính phủ trả lời chất vấn tại kỳ họp, có nhiều ý kiến thẳng thắn, quyết liệt nhưng cũng có những vị né tránh. Đơn cử như vấn đề xử lý án oan sai hay các tiêu cực trong ngành Y tế… đã chưa được giải đáp thỏa đáng, trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu ngành không rõ.
Trách nhiệm cá nhân cũng là bức xúc được cử tri Nguyễn Kinh Thành nêu lên tại cuộc tiếp xúc. “Lãnh đạo bộ, ngành khi trả lời chưa dùng tới chữ “tôi” mà chỉ nói “Chính phủ, Bộ, ngành sẽ có giải pháp”. Chừng nào chữ “tôi” còn chưa được cán bộ lãnh đạo dùng đến thì chưa giải quyết được mâu thuẫn trong xã hội. Bởi vì thành tích thì cá nhân nhận nhưng khuyết điểm và trách nhiệm cá nhân không ai nói đến”, cử tri Thành bình luận.
Công tác phòng chống tham nhũng cũng được cử tri nhìn nhận là làm chưa tốt, nhiều cán bộ sai phạm chỉ bị “khiển trách”. Cử tri Nguyễn Bốn Bảy kiến nghị rất mạnh mẽ: “Tôi đề nghị tham nhũng từ một tỷ đồng trở lên thì tử hình. Kể cả người đã về hưu cũng phải kê khai tài sản. Thực tế có những cán bộ hạ cánh an toàn rồi thì đi chơi, xây nhà rất ghê gớm”.
Phát biểu trước cử tri quận Tây Hồ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, kỳ họp thứ 6, QH XIII là một kỳ họp đặc biệt, đưa ra những quyết định mang tính lịch sử: thông qua Hiến pháp (sửa đổi) và Luật Đất đai (sửa đổi). Kỳ họp đã thành công tốt đẹp, với tỷ lệ đồng thuận thông qua Hiến pháp gần như tuyệt đối, 97,59%.
Bên cạnh đó, tình hình kinh tế - xã hội tuy có khó khăn nhưng tăng trưởng GDP vẫn đạt 5,4% - mức hợp lý, hài hòa với các mục tiêu khác: kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và giữ ổn định chính trị. Lạm phát từ hơn 18% năm 2011 xuống còn hơn 7%, năm nay mới 11 tháng chỉ hơn 5%. Tỷ lệ hộ nghèo năm nay giảm xuống chỉ còn 7%... “Đánh giá toàn diện như thế để chúng ta củng cố niềm tin vào chế độ và con đường đi lên của chúng ta”, đồng chí Nguyễn Phú Trọng nói.
Về giải quyết khiếu kiện, Tổng Bí thư nhận định, đây thực sự là vấn đề bức xúc, đáng buồn và đau lòng. Để giải tỏa bức xúc này, cần phải sửa đổi luật pháp, điều chỉnh cơ chế… Thông báo với cử tri về việc QH đã quyết định củng cố cơ chế tiếp dân của Ban Dân nguyện và các cơ quan QH; song Tổng Bí thư cũng lưu ý thêm “cần bình tĩnh, tỉnh táo vì không loại trừ có những trường hợp đi khiếu kiện thuê”.
Về đấu tranh phòng chống tham nhũng, Tổng Bí thư cho biết, Đảng và Nhà nước đang làm hết lòng hết sức với quyết tâm rất cao. Điều nguy hiểm là tham nhũng đã phát triển thành đường dây, chứ không phải hiện tượng “ăn mảnh”.
Theo Tổng Bí thư, vừa rồi việc kê khai tài sản đã làm, nhưng còn hình thức, không minh bạch, không ai kiểm tra, giảm sát nên có khi “khai thế mà không phải thế”… Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng được thành lập gần 1 năm, tới đây sẽ tăng cường hoạt động theo tinh thần “nói ít làm nhiều”. “Vừa rồi đã thành lập 7 đoàn đi kiểm tra 11 địa phương, 4 cơ quan trung ương; kể cả cơ quan đi làm nhiệm vụ chống tham nhũng từ tòa án, kiểm sát, thanh tra, công an. Trong chống tham nhũng, khó nhất là khâu điều tra, giám định vì dễ bị lợi dụng, đang tập trung khâu này. Qua đó, đã phát hiện ra thêm và sang năm sẽ có hàng chục vụ lớn, trọng điểm được đưa ra ánh sáng, được xét xử”, đồng chí Nguyễn Phú Trọng khẳng định.
Về trách nhiệm cá nhân, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: “Chúng ta đã có cơ chế đối với người đứng đầu, làm tốt thì khen, làm dở bị phạt và nhận trách nhiệm cá nhân. Tinh thần trách nhiệm phải rõ ràng, không đổ cho tập thể”.
Ngày mai 7-12, đồng chí Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu QH đơn vị bầu cử số 1 TP Hà Nội sẽ tiếp tục hoạt động tiếp xúc với cử tri Hà Nội.
Anh Thư