TPHCM đề xuất tăng học phí: Áp lực chồng áp lực

Sở GD-ĐT TPHCM đang tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi về dự thảo tăng học phí đối với các bậc học (mầm non, tiểu học, THCS và THPT) áp dụng từ năm học 2022-2023. Ngay sau khi được công bố, đề xuất học phí mới đã tạo không ít phản ứng trái chiều trong dư luận do mức tăng được xem là chưa phù hợp, tạo ra gánh nặng cho phụ huynh học sinh.
Học sinh Trường Mầm non 4 (quận 3) trong một giờ học trực tiếp
Học sinh Trường Mầm non 4 (quận 3) trong một giờ học trực tiếp

Thời điểm chưa thích hợp

Chị Mỹ Lan, phụ huynh có con đang học lớp 6, Trường THCS Quang Trung (quận Gò Vấp) cho biết, tuần qua nhóm trao đổi thông tin của ban đại diện cha mẹ học sinh lớp đã chuyền tay nhau và có ý kiến nhiều chiều xung quanh bảng báo giá 2 bộ sách giáo khoa (SGK) sẽ triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được lựa chọn trong năm học tới là cuốn Chân trời sáng tạo và Cánh diều. “Hiện nay, giá sách Tiếng Anh chưa được công bố, chỉ tính riêng các đầu sách trong bộ SGK đã có tổng giá bìa hơn 210.000 đồng/bộ, tăng 90.000 đồng so với sách của chương trình hiện hành. Nếu đề xuất tăng học phí được thông qua thì mỗi tháng tôi phải đóng thêm học phí cho con là 240.000 đồng, tức cả năm học tăng gần 2,2 triệu đồng, chưa kể còn hàng loạt khoản phí khác như đồng phục, bán trú, ngoại khóa…”, chị Lan lo lắng. 

Tâm tư của chị Mỹ Lan cũng là nỗi lo chung của nhiều gia đình có con chuẩn bị vào lớp 7 năm học 2022-2023, do là năm đầu tiên Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 triển khai ở khối lớp này. Nhiều phụ huynh cho biết, kinh tế gia đình bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 chưa kịp hồi phục nên năm học tới vừa tăng giá SGK, vừa tăng học phí thì khá áp lực. Vì vậy, đề xuất tăng học phí trong bối cảnh này được xem là không phù hợp vì sẽ tạo ra “áp lực chồng áp lực” đối với phụ huynh, đặc biệt những gia đình có 2-3 con đi học. 

Trước đó, theo đề xuất của Sở GD-ĐT TPHCM, trừ bậc tiểu học không thu học phí, tất cả bậc học còn lại đều tăng học phí 70.000-240.000 đồng/học sinh/tháng, tức tăng thêm 630.000-2.160.000 đồng/học sinh/năm học. Bên cạnh học phí, nhiều ý kiến lo ngại các khoản thu dịch vụ khác như tiền nước uống, phí quản lý sổ liên lạc điện tử, mua đồng phục, dụng cụ học tập… dự báo cũng tăng do ảnh hưởng của biến động giá cả. Do đó, tổng chi phí tăng thêm cho mỗi học sinh ước tính khoảng 2,5 triệu đồng - số tiền không nhỏ đối với nhiều gia đình có thu nhập trung bình và thấp. 

Trong tâm trạng lo lắng, chị Thanh Tâm, phụ huynh có con đang học lớp 4 một trường tư thục ở quận Bình Thạnh cho biết, hàng năm vào đầu tháng 6, nhà trường sẽ thông báo mức thu học phí áp dụng cho năm học mới. “Mặc dù học phí trường tư xây dựng trên cơ sở thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh, nhưng chắc chắn đề xuất tăng học phí đối với trường công vào thời điểm sắp kết thúc năm học sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến lộ trình tăng học phí trong các năm kế tiếp của các trường ngoài công lập, từ đó tạo ra xáo trộn lớn đối với việc học của học sinh”, phụ huynh này bày tỏ. 

Xem xét tăng theo lộ trình

Theo ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10), dự thảo tăng học phí đưa ra các mức tăng cụ thể ở từng bậc học, nhưng không đề cập mục đích của tăng học phí. “Tôi nghĩ học phí tăng thêm có thể sử dụng vào 3 mục đích chính gồm: tăng lương cho giáo viên, đầu tư cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng giảng dạy. Nếu chỉ đề xuất tăng mà không có định hướng đầu ra cụ thể sẽ khó thuyết phục phụ huynh”, ông Huỳnh Thanh Phú bày tỏ lo ngại. Đồng quan điểm, cán bộ quản lý ở nhiều trường học cho rằng, tăng học phí là cần thiết nhưng cần có lộ trình tăng theo từng năm học, triển khai song song với các chính sách như giảm sĩ số học sinh/lớp, tăng cường giám sát thu - chi trong trường học, không để xảy ra tình trạng lạm thu do phụ phí còn cao hơn học phí. 

Ngoài ra, hiệu trưởng một trường THCS ở huyện Bình Chánh nêu ý kiến, TPHCM hiện có hơn 370.000 học sinh không có hộ khẩu thành phố trong tổng số 1,7 triệu học sinh ở tất cả bậc học (chiếm tỷ lệ 21,7%) . Phần lớn các em có cha mẹ là lao động nhập cư, thu nhập thấp, đang ở trọ tại nhiều khu vực vùng ven trên địa bàn thành phố. Nếu đề xuất tăng học phí được thông qua, cần tính đến việc chăm lo cho nhóm đối tượng này góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội, bảo đảm quyền được đi học cho tất cả học sinh.

Trao đổi với PV Báo SGGP, lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, mức thu học phí được đề xuất áp dụng từ năm học 2022-2023 là mức sàn căn cứ theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP (ngày 28-1-2021) của Chính phủ về cơ chế thu và quản lý học phí có hiệu lực thi hành từ giữa tháng 10-2021. Theo đánh giá của cơ quan quản lý, mức chênh lệch giữa học phí mới được đề xuất so với mức thu trước đây phù hợp với điều kiện thực tế, đáp ứng yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục, nhất là trong bối cảnh học phí đã được bình ổn suốt 6 năm qua. Dự kiến, đề xuất sẽ tiếp tục hoàn thiện để tham mưu UBND TPHCM trình HĐND TPHCM xem xét và quyết định.

Theo dự thảo do Sở GD-ĐT TPHCM công bố, bắt đầu từ năm học 2022-2023, mức học phí mới đối với nhà trẻ ở nhóm 1 (TP Thủ Đức và 17 quận) là 300.000 đồng/học sinh/tháng (tăng 100.000 đồng so với mức thu cũ); nhóm 2 (5 huyện ngoại thành) là 120.000 đồng/học sinh/tháng (không tăng so với trước đó). Ở mẫu giáo, nhóm 1 là 300.000 đồng/học sinh/tháng (tăng 140.000 đồng) và nhóm 2 là 100.000 đồng/học sinh/tháng (không tăng). Riêng bậc THCS, nhóm 1 là 300.000 đồng/học sinh/tháng (tăng 240.000 đồng), nhóm 2 là 100.000 đồng/học sinh/tháng (tăng 70.000 đồng); bậc THPT nhóm 1 là 300.000 đồng/học sinh/tháng (tăng 180.000 đồng) và nhóm 2 là 200.000 đồng/học sinh/tháng (tăng 100.000 đồng).

Tin cùng chuyên mục