Cuối năm 2008

TPHCM hết ngập?

Ưu tiên vốn cho các dự án chống ngập
TPHCM hết ngập?
  • Nguyên nhân: cũ rích

Mở đầu phần trình bày của mình, ông Trần Đình Phú, Phó Giám đốc Sở GTCC TPHCM cho biết: Những khu vực bị ngập điển hình ở TPHCM hiện nay gồm: khu vực Bùng binh Cây Gõ – Tân Hòa Đông – Bà Hom (thuộc lưu vực Tân Hóa- Lò Gốm, quận 6); khu vực quận Bình Thạnh; khu vực Ngã tư Bốn Xã (quận Bình Tân); khu vực kênh Ba Bò (quận Thủ Đức).

Nguyên nhân chính gây ra tình trạng ngập được nêu ra cũng không có gì mới ngoài các nội dung như: mưa, triều và kết hợp cả mưa lẫn triều, đặc biệt tình hình mưa có diễn biến bất thường trong vài năm gần đây. Hệ thống cống thoát nước quá cũ, đã hư hỏng nhiều; công tác quản lý đô thị chưa tốt; các dự án quan trọng giải quyết cơ bản tình trạng thoát nước đều sử dụng vốn ODA phần lớn ở giai đoạn khởi động nên chưa mang lại hiệu quả.

TPHCM hết ngập? ảnh 1

Hàng tháng, chợ Mễ Cốc có 20 ngày chìm trong nước. Ảnh: H.V.

Ông Phú cũng thừa nhận nguyên nhân là các sở ngành chức năng chưa thực hiện đầy đủ vai trò tham mưu, kiểm tra, giúp thành phố trong quy hoạch và phát triển đô thị. Đặc biệt, từ năm 2001 đến nay, mỗi năm nhu cầu vốn cần để đầu tư cho hệ thống cống cấp 2 và 3 đến 2.000 tỷ đồng; trong khi đó, nguồn vốn của sở chỉ có 400 tỷ đồng, chỉ đạt 20% so với nhu cầu. “Từ đây đến khi hoàn thành các dự án ODA cũng như các dự án xóa ngập sử dụng nguồn vốn trong nước, tình hình ngập có khả năng giảm theo các mốc thời gian hoàn thành dự án.

Đến cuối năm 2008-2009, tình hình ngập ở khu vực trung tâm cơ bản được cải thiện, ngoại trừ lưu vực Tân Hóa- Lò Gốm. Khi dự án nạo vét cải tạo kênh Tân Hóa – Lò Gốm được thực hiện xong thì vùng trung tâm cơ bản xóa ngập”, ông Phú nói.

  • 1 tháng ngập 20 ngày!

Tuy nhiên, hầu hết đại biểu đều không đồng tình với cách trả lời quá chung chung của lãnh đạo Sở GTCC và yêu cầu sở phải trả lời dứt khoát cho người dân biết bao giờ giải quyết dứt điểm tình trạng ngập. Bà Lê Thị Kim Dung, Bí thư Đảng ủy phường 15, quận 8,  trưng ra trước hội nghị một xấp báo phản ánh tình trạng ngập ở khu vực này và bức xúc nói: “Hơn 20 năm qua, dân chúng tôi đã quá vất vả do sống chung với ngập.

Một tháng đã ngập hết 20 ngày. Học sinh đi học từ 4 giờ sáng và phải mang 2 bộ quần áo để thay. Buổi chiều phải chờ nước xuống mới về. Tôi đề nghị lãnh đạo Sở GTCC phải trả lời dứt khoát bao giờ giải quyết dứt ngập cho khu vực Mễ Cốc?”. Còn Bí thư Đảng ủy phường 7, quận 8 Nguyễn Thanh Sang đưa ra một thực tế: “Phường 7 chỉ có con đường độc đạo Phạm Thế Hiển đi vào trụ sở UBND nhưng thường xuyên ngập, nhiều hôm phải ngồi canh nước xuống để vào làm việc.

Chúng tôi không chấp nhận cách trả lời cứ nói dự kiến sẽ hết ngập rồi lại cứ kéo dài từ năm này qua năm nọ”. Riêng bà Trần Thị Thu Vân, Chủ tịch UBND quận 6 xác nhận: so với 1 năm trước, tình trạng ngập trên địa bàn quận 6 đã được cải thiện. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khu vực bị ngập do triều.

Ông Nguyễn Quang Trung (Ban Tư tưởng – Văn hóa Thành ủy TPHCM) cho rằng: Sau 30 năm thống nhất đất nước mà người dân ở một thành phố lớn vẫn phải sống chung với ngập là điều không thể chấp nhận được. Sở nên dũng cảm nhận trách nhiệm về vấn đề này. Trước mắt cần phải có những giải pháp tạm thời chứ không thể cứ trông chờ vào nguồn vốn ODA

VÂN ANH - HỒ VIỆT

Ưu tiên vốn cho các dự án chống ngập

(SGGP).- Các sở, ngành liên quan ưu tiên xem xét, bố trí vốn cho các dự án thoát nước và chống ngập năm 2006; đồng thời, ưu tiên xem xét, sắp xếp quỹ nhà tái định cư phục vụ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng cho các dự án thoát nước; quản lý chặt chẽ, chú ý cốt nền trong quy hoạch xây dựng, không để cốt nền thấp hơn mực nước triều. Đây là chỉ đạo mới nhất của UBND TPHCM. Ngoài ra, UBND các quận – huyện phải tăng cường kiểm tra việc san lấp và xây dựng; đặc biệt đối với việc xây dựng hệ thống thoát nước tại các khu dân cư mới, tránh phát sinh tình trạng ngập. Các quận – huyện phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án được phân cấp để cải tạo, xây dựng mới hệ thống thoát nước cho khu vực chưa có cống hoặc có cống nhưng chưa đủ tiết diện thoát nước.

P.V.A.

Tổng chiều dài tuyến cống cấp 2 và 3 hiện nay là 926 km, xả ra 27 kênh rạch, nhưng chỉ đáp ứng được 10% diện tích xây dựng của toàn TP, chủ yếu tập trung ở nội thành, còn ngoại thành như huyện Bình Chánh chỉ  mới đáp ứng được 0,3%. Tính đến tháng 1-2006, toàn thành phố có 105 điểm ngập. Cụ thể: lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè (16 điểm ngập); lưu vực rạch Hàng Bàng (29 điểm ngập); lưu vực Tàu Hủ – Bến Nghé – kênh Đôi – kênh Tẻ (8 điểm ngập); lưu vực Tân Hóa – Lò Gốm (12 điểm ngập) và 40 điểm ngập khác nằm rải rác trên toàn TP.

Dự báo sắp tới một số khu vực  phía Đông Nam TP thuộc các  quận huyện: 2, 7, 8, 9, Bình Chánh, Nhà Bè có khả năng bị ngập nặng do tốc độ đô thị hóa nhanh, địa hình thấp, các kênh rạch bị san lấp nhưng chưa có hệ thống thoát nước thay thế.

Phó Chủ tịch UBMTTQ TPHCM Lê Hiếu Đằng:

Cần phải xác định rõ trách nhiệm

Tôi đề nghị Sở GTCC phải nói rõ tại sao các dự án thực hiện chưa xong; đồng thời chỉ rõ trách nhiệm của từng đơn vị, kiên quyết không nể nang và nói chung chung như hiện nay. Phải xác định rõ thời gian cho từng công trình, làm cơ sở kiểm điểm trách nhiệm. TP cũng phải tính toán đến thiệt hại của người dân, thậm chí những thiệt hại vô hình chứ không nên chỉ tính toán thiệt hại của nhà nước.     

Phó Giám đốc Sở GTCC Trần Đình Phú:

Năm 2008, quận 8 sẽ hết ngập (?)

Việc kéo dài quá trình giải quyết tình trạng ngập khu vực phường 15, quận 8 là do sử dụng nguồn vốn ODA và không chọn được nhà thầu. Tuy nhiên, dự án này sẽ khởi công vào tháng 5-2006 và hoàn thành năm 2008. Khi thi công dự án, chúng tôi sẽ làm trước các hạng mục thoát nước (đê bao, bơm và đặt cống) để phát huy ngay tác dụng. Riêng việc chống ngập cho khu vực phường 7, hiện đã có dự án nâng đường Phạm Thế Hiển từ 7cm đến 60cm (dài 2km). Tôi khẳng định dự án này sẽ hoàn thành vào cuối năm 2006. Còn ở khu vực quận 6, chúng tôi đang triển khai nạo vét từ cầu Ông Buông đến cầu Bà Lài và đặt trạm bơm rút nước cho khu vực này.

TS. Hồ Phi Long (ĐH Bách khoa TPHCM):

Kiên quyết giải tỏa toàn bộ số hộ dân lấn chiếm kênh rạch

Tình trạng ngập hiện nay ở TPHCM là cái giá mà TP phải trả cho việc quản lý đô thị yếu kém và chưa quan tâm đúng mức đến công tác đầu tư hạ tầng thoát nước. Giải pháp trước mắt là TP phải kiên quyết giải tỏa toàn bộ số hộ dân lấn chiếm kênh rạch. Nếu không kiên quyết để giữ, thậm chí mở rộng hệ thống thoát nước, TP sẽ tiếp tục phải trả giá. Việc thiết lập hệ thống cống thoát nước cũng phải thực hiện đồng bộ. Với vai trò”nhạc trưởng”, Sở GTCC phải chủ trì phối hợp với sở ngành chức năng và địa phương thực hiện đồng bộ.

Tin cùng chuyên mục