Triển khai kế hoạch hành động khẩn cấp phòng chống dịch cúm gia cầm

TPHCM phối hợp 6 tỉnh phòng chống dịch

TPHCM phối hợp 6 tỉnh phòng chống dịch

Tại TPHCM, lãnh đạo Sở NN-PTNT và Sở Thương mại 7 tỉnh, TP: Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang và TPHCM có buổi làm việc nhằm phối hợp phòng chống dịch cúm gia cầm. Các tỉnh khuyến khích doanh nghiệp TP đầu tư cơ sở giết mổ gia cầm tập trung tại các tỉnh có quy trình kết hợp với nhà chăn nuôi công nghiệp tại chỗ hình thành chuỗi khép kín, nhằm xây dựng chuỗi an toàn dịch bệnh và an toàn vệ sinh thực phẩm.

TPHCM phối hợp 6 tỉnh phòng chống dịch ảnh 1

Tiêm vaccine cho gà.

TPHCM sẽ thông báo rộng rãi thương hiệu sản phẩm gia cầm an toàn từ các tỉnh để người dân biết và yên tâm tiêu thụ. Trước mắt, TPHCM sẽ giới thiệu các doanh nghiệp có khả năng tổ chức giết mổ công nghiệp đến các tỉnh hỗ trợ giết mổ, cấp đông, dự trữ theo kế hoạch và chính sách của từng tỉnh. Mục tiêu chung của việc liên kết là không để xảy ra dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người.

Chiều cùng ngày, Chi cục Thú y phối hợp với Sở Thương mại TP mời gần 200 chủ vựa trứng toàn TP đến thông báo chủ trương của Ban chỉ đạo thực hiện hành động khẩn cấp phòng chống dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người trên địa bàn TP. Theo đó, từ 1-12, mọi cơ sở kinh doanh trứng gia cầm ở TP phải thực hiện đúng các quy trình mới được phép buôn bán. Phương tiện vận chuyển trứng các loại phải trình kiểm tra tại trạm kiểm dịch đầu mối trước khi nhập vào TP theo đúng quy định.

Sau khi kiểm tra thủ tục và số lượng lô hàng, cán bộ thú y tiêu độc sát trùng phương tiện vận chuyển và niêm phong thùng xe. Các trường hợp không có giấy chứng nhận kiểm dịch hoặc vượt trạm, số lượng sai lệch so với số hàng nhập đều bị tịch thu tiêu hủy. Tại các vựa kinh doanh trứng gia cầm (nơi tập trung trứng từ tỉnh về để bán lại cho những người kinh doanh khác) chủ cơ sở không được tự ý mở niêm phong mà phải khai báo cán bộ thú y kiểm tra lập biên bản niêm phong.
 

LHQ lập hệ thống cảnh báo sớm cúm gia cầm

Trước những diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm, LHQ thông báo đã bắt đầu lập hệ thống cảnh báo sớm cúm gia cầm, bằng việc vẽ bản đồ di chuyển của các loài chim di trú hàng năm. Hệ thống cảnh báo sớm nhằm giúp các nhà chức trách cũng như các chuyên gia theo dõi được hướng di chuyển của chim di trú để từ đó xác định chính xác những vùng có nguy cơ lây nhiễm cao nhất và giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm dịch cúm gia cầm ở những vùng không nằm trong bản đồ di chuyển của chim di trú. Bước đầu, dự án thử nghiệm sẽ được đưa vào vận hành trong 6 tháng tới và dự đoán phải mất hai năm nữa hệ thống này mới được hoàn chỉnh.

* Ngày 21-11, tại Hà Nội, Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ (NIHE) đã tổ chức hội nghị triển khai các hoạt động giám sát và phòng chống cúm A cho cán bộ y tế các tỉnh phía Bắc.

PGS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng NIHE khuyến cáo, do có những gia cầm không có biểu hiện bệnh ra bên ngoài, nên việc kiểm tra gia cầm cũng như phun thuốc khử trùng trong quá trình vận chuyển không hiệu quả về mặt dịch tễ. Vì vậy, cách tốt nhất để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh gia cầm là không nên vận chuyển gia cầm từ nơi này sang nơi khác.

PGS.TS Nguyễn Trần Hiển cho biết thêm, mùa đông là khoảng thời gian cho virus cúm phát triển. Tuy nhiên, phần lớn người dân Việt Nam chưa quan tâm đến bệnh cúm thông thường (không phải do virus H5N1) và các biểu hiện của bệnh như hắt hơi, sổ mũi.

Bệnh cúm cũng là nguyên nhân dẫn tới tỷ lệ tử vong cao ở người già. Do vậy, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo, người dân nên tiêm phòng cúm thông thường theo mùa. Đây cũng là biện pháp tốt nhất chống lại quá trình tái tổ hợp gene của cúm thông thường với virus cúm A/H5N1 thành 1 loại virus cúm khác có độc lực mạnh gây đại dịch trên toàn thế giới. 

NHÓM PV

Tin cùng chuyên mục