Dự kiến trong năm 2012 sẽ sáp nhập 2 đơn vị nghệ thuật trực thuộc Sở VH-TT-DL TPHCM: Đoàn Nghệ thuật Múa rối TPHCM và Đoàn Xiếc TPHCM thành Nhà hát nghệ thuật Phương Nam. Liệu có... rối?
Nhập để phát triển
Mặc dù trong thời gian qua, hai đơn vị nghệ thuật múa rối và xiếc TPHCM đã có nhiều cố gắng tăng cường hiệu quả hoạt động và chất lượng nghệ thuật, nhưng vẫn chưa tạo được sự phát triển ổn định và hiệu quả như mong muốn. Hiện nay, cơ sở vật chất – trụ sở làm việc và sàn diễn của hai đoàn nghệ thuật này chưa ổn định. Cho nên nếu không có sự đầu tư hướng tới tầm nhìn lâu dài thì tương lai loại hình múa rối và xiếc khó phát triển.
Trên thực tế, múa rối đang có sự cạnh tranh “đáng gờm” của đơn vị xã hội hóa – Nhà hát Múa rối nước Rồng Vàng TPHCM. Trong khi đó, với một thành phố đông dân như TPHCM, nhu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật của công chúng hết sức phong phú, đa dạng và yêu cầu cũng ngày càng cao, đặc biệt là với xiếc, múa rối.
Sở VH-TT-DL TPHCM và các đơn vị liên quan đã thống nhất ý kiến nhận định việc hợp nhất hai đơn vị là một yêu cầu cấp thiết, khách quan, sẽ có nhiều thuận lợi cho việc xây dựng các chương trình nghệ thuật tổng hợp có quy mô và chất lượng, đồng thời dễ tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị biểu diễn hiện đại. Tuy nhiên, lộ trình việc sáp nhập cần có sự chuẩn bị khoa học và chu đáo…
Tiếp tục xã hội hóa
Theo đề án, Nhà hát nghệ thuật Phương Nam sẽ có 3 đoàn trực thuộc. Trong đó, đoàn Mặt trời đỏ (dự kiến) sẽ có 37 người, đoàn Bầu trời xanh 42 người. Cả hai đoàn này có thể diễn 1 chương trình từ 90 phút đến 120 phút với các loại hình xiếc người, xiếc thú, ảo thuật, múa rối cạn, nghệ thuật tổng hợp.
Bên cạnh đó, đoàn Múa rối nước (khoảng 19 người) biểu diễn múa rối nước và tham gia chương trình nghệ thuật tổng hợp. Các đoàn này đều có thể chia thành những đội trực thuộc để hoạt động đa dạng. Đồng thời, tùy chương trình biểu diễn, các đoàn sẽ mời lực lượng diễn viên ở các loại hình nghệ thuật khác tham gia, kể cả diễn viên nước ngoài. Các đoàn được liên kết, hợp tác với các thành phần kinh tế khác để xây dựng chương trình, tiết mục biểu diễn hoặc đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất nhằm đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa.
Đề án cũng đưa ra các khoản chi phí, trong đó đầu tư trang thiết bị âm thanh, ánh sáng cho các sân khấu xiếc, múa rối (8 tỷ đồng); 4 sân khấu di động cho biểu diễn rối cạn, rối nước (3 tỷ đồng); 1 sân khấu sà lan lớn trên sông Sài Gòn để có thể diễn múa rối, xiếc phục vụ khách du lịch (12 tỷ đồng); 2 rạp xiếc di động (8 tỷ đồng); đầu tư xây dựng chương trình, tiết mục lớn cho múa rối, xiếc (2 tỷ đồng)… và chi phí đào tạo trong nước, ngoài nước dành cho các cán bộ, diễn viên nhà hát khoảng 7,2 tỷ đồng.
| |
Đỗ Hạnh