TPHCM sẽ có giải pháp ứng cứu khi xảy ra động đất

TPHCM sẽ có giải pháp ứng cứu khi xảy ra động đất

Chiều 9-11, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM Trần Thế Ngọc đã chủ trì cuộc họp khẩn với chuyên viên UBND TPHCM để hoàn chỉnh dự thảo chỉ thị về việc phối hợp ứng cứu trường hợp xảy ra động đất trên địa bàn. Chỉ thị đầu tiên liên quan đến động đất sẽ được UBND TP chính thức ban hành trong vài ngày tới.

Cùng ngày, Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) đã có văn bản trình UBND TPHCM báo cáo đề xuất các giải pháp để xử lý tình huống xấu xảy ra cũng như các công việc để giảm thiểu tác hại do động đất gây ra trên địa bàn. Theo báo cáo của Sở TN-MT TPHCM, trong vòng 3 tháng từ tháng 8 đến tháng 11-2005, đã xảy ra 3 trận động đất nằm ngoài khơi Vũng Tàu (trận thứ nhất vào ngày 5-8 với cường độ 4,6 độ richter và 2 trận vào ngày 8-11 cường độ trên 5 độ richter).

TPHCM sẽ có giải pháp ứng cứu khi xảy ra động đất ảnh 1

Nhân viên làm việc tại cao ốc Mê Linh số 2 Ngô Đức Kế, quận 1, TPHCM trở về cao ốc sau vụ dư chấn động đất xảy ra chiều ngày 8-11.

Các trận động đất này có tâm chấn nằm cách xa TPHCM từ 100-120km và cách mặt đất trên 30km đã gây ra một số dư chấn làm cho các nhà cao tầng tại TP rung nhẹ, ít nhiều đã làm cho người dân sống trong các nhà cao tầng, chung cư không an tâm.

Ông Trần Thế Ngọc cho biết mặc dù đến thời điểm này chưa có báo cáo về thiệt hại do động đất gây ra, tuy nhiên theo ý kiến của các nhà khoa học và Bản đồ phân vùng động đất, TPHCM nằm trong vùng chịu ảnh hưởng động đất đến cấp 6 độ richter thuộc vùng động đất nhẹ.

“Tuy là vùng ảnh hưởng động đất nhẹ nhưng cần phải đề phòng nhất là các công trình xây dựng đã cũ, có móng yếu, các công trình kém chất lượng có thể bị ảnh hưởng khi xảy ra dư chấn mạnh” - Ông Trần Thế Ngọc nói. Được biết, TPHCM cho đến nay vẫn chưa có cơ quan điều phối chung trong công tác nghiên cứu, dự báo và xây dựng kế hoạch thực hiện trước và sau khi có động đất xảy ra; chưa có Đề án phân vùng động đất nhỏ…

Chính vì vậy Sở TN-MT đề xuất UBND TP sớm thành lập ngay cơ quan này đồng thời chỉ đạo thực hiện ngay Đề án phân vùng động đất nhỏ TPHCM. Cũng như ban hành ngay chỉ thị về việc phối hợp ứng cứu trong trường hợp xảy ra động đất trên địa bàn.

Theo đó, giám đốc các sở ban ngành, UBND các quận huyện, phường xã - thị trấn tiến hành ngay các biện pháp để phối hợp ứng cứu khi xảy ra động đất. Cụ thể, Sở TN-MT thành lập bộ phận theo dõi tin tức, thông báo đến các đơn vị liên quan để tổ chức ứng cứu khi xảy ra động đất; các ngành công an, quân đội, y tế,… bố trí lực lượng thường trực đến hiện trường thực hiện ứng cứu kịp thời; Sở Xây dựng sẽ có nhiệm vụ kiểm tra độ an toàn của các công trình cao tầng, chung cư; các quận huyện cần thiết lập bản đồ vị trí các nơi lánh nạn an toàn cho người dân …

Cũng trong ngày hôm qua 9-11, Sở TN-MT TPHCM đã tổ chức lấy ý kiến nhằm hoàn chỉnh thông báo về việc thực hiện phòng chống động đất. Nội dung thông báo này bao gồm các hướng dẫn thực hiện số công việc, thao tác trước, trong và sau khi xảy ra động đất. Thông báo này sẽ được phát hành rộng rãi đến các sở ban ngành, UBND các quận, huyện, phường xã - thị trấn để phổ biến đến từng hộ dân. 

Thời gian tới: Khu vực Phan Thiết, Vũng Tàu và TPHCM có thể phải chịu chấn động mới

Hôm qua 9-11, Viện Vật lý địa cầu (Viện KH-CN Việt Nam) đã chính thức có thông báo gửi đến các địa phương chịu ảnh hưởng của những trận động đất vừa xảy ra ở ngoài biển Vũng Tàu trong ngày 8-11 vừa qua. Bản thông báo nhấn mạnh: Trong thời gian tới có thể xảy ra các dư chấn yếu hơn, vì thế các thành phố Phan Thiết, Vũng Tàu và TPHCM có thể chịu chấn động yếu hơn các lần vừa qua, nhưng không gây nguy hiểm cho nhân dân các thành phố này.

Nội dung bản thông báo cũng cho biết rằng: chỉ tính từ ngày 5-8 đến nay đã nhiều lần động đất xảy ra tại khu vực ngoài khơi Vũng Tàu và đây là kết quả hoạt động kiến tạo tích cực của vỏ trái đất khu vực này. Điều này đã được dự báo từ trong kết quả phân vùng dự báo động đất Việt Nam do Viện Vật lý địa cầu thực hiện từ năm 1996 đến 2004.

Về nguy cơ động đất ở các khu vực nói trên, Viện Vật lý địa cầu khẳng định: trên các đới động đất Côn Sơn và Thuận Hải – Minh Hải, động đất mạnh nhất có thể đạt tới 5,5 độ richter (gây chấn động cấp 7/12) nhưng không có khả năng gây ra các trận sóng thần làm ảnh hưởng đến vùng ven biển Nam bộ. Trao đổi với phóng viên SGGP, GS.TS Nguyễn Đình Xuyên (Viện Vật lý địa cầu) cho rằng: những trận động đất xảy ra ngày 8-11 là một chuỗi những trận động đất với cường độ nhỏ khác nhau, liên tiếp xảy ra với thời gian không thể dự đoán được.

Chúng ta phải làm gì nếu đang ở trong một tòa nhà khi động đất xảy ra?

– Mối nguy hiểm lớn nhất khi động đất xảy ra không phải từ một tòa nhà đang sụp đổ mà từ các đồ vật bên trong tòa nhà đang rơi xuống hay văng tung tóe khi tòa nhà bị chấn động. Các mối nguy hiểm bên trong tòa nhà bao gồm đèn trên trần, ngói, tủ kệ, cửa sổ, đồ gỗ và trang thiết bị. Khi trận động đất xảy ra, việc tốt nhất cần làm là:
1. Bỏ rơi mọi thứ, tự che chở và bám chặt lấy bàn ghế, tường như sau:
– Chui xuống gầm bàn.
– Nếu không có bàn thì chui xuống giữa các hàng ghế hoặc tựa vào các bức tường trong phòng.
2. Tránh đứng ngay tại lối ra. Các nhà cao ốc ngày nay có quá nhiều vách ngăn mà phần lớn chỉ là tạm bợ và các lối ra trở nên các điểm yếu khi có sự cố. Cửa ra cũng không phải là một giải pháp tốt cho một giải pháp chạy thoát tập thể.
3. Nếu không có gì che chở, hãy ngồi dựa vào tường bên trong hoặc bên cạnh cái ghế gần đó, hãy bám chặt tường hoặc ghế nếu có thể.
4. Nếu bạn đang ở trên giường, tốt nhất thì hãy ở ngay đó, bám chặt và lấy các gối che đầu để bảo vệ đầu.
5. Nếu trẻ em ở trong phòng bên cạnh, hãy chạy đến nơi an toàn gần nhất và gọi chúng làm như thế…
Giải pháp tốt nhất chúng ta cần làm nếu đang ở bên ngoài tòa cao ốc khi có động đất?
1. Chạy tránh xa các tòa nhà cao ốc, tường cao, cây cối và các đường dây điện.
– Nếu bạn không thể chạy xa các mối nguy hiểm, tốt nhất chạy vào tòa nhà để trú thay vì đứng trên vỉa hè. Vì vỉa hè cạnh các tòa cao ốc là nơi nguy hiểm nhất không thể trú ẩn.
2. Nếu đang ở trong xe hơi thì hãy giảm tốc độ, chạy chậm một cách cẩn thận. Tránh dừng tại các nơi có cầu vượt hoặc có cầu.
3. Nếu bạn đang sống gần bờ biển thì hãy cẩn thận với sóng thần.

Nguồn: Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM


NGUYỄN VINH

Tin cùng chuyên mục