Quốc hội thảo luận dự thảo Nghị quyết về dự án, công trình quan trọng quốc gia

Trách nhiệm của Chính phủ và Quốc hội còn mờ nhạt

Trách nhiệm của Chính phủ và Quốc hội còn mờ nhạt

Ngày 29-5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết sửa đổi Nghị quyết số 05/1997/QH10 về tiêu chuẩn các công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư. Trong đó, 2 vấn đề rất quan trọng, được nhiều đại biểu sôi nổi thảo luận là tiêu chí để xét vào danh mục công trình quan trọng quốc gia và cơ chế giám sát để bảo đảm chất lượng, tiến độ của những công trình này.

  • Quốc hội quyết định các dự án, công trình trị giá 20.000 tỷ đồng trở lên

Trách nhiệm của Chính phủ và Quốc hội còn mờ nhạt ảnh 1
Đại biểu Phan Anh Minh (TPHCM). Ảnh: Minh Điền.

Phần lớn đại biểu Quốc hội đều đồng tình với tiêu chí mà Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội về mức vốn đầu tư được đưa ra. Cụ thể là từ 20.000 tỷ đồng trở lên (đối với công trình, dự án sử dụng ngân sách nhà nước) và từ 25.000 tỷ đồng trở lên (với những công trình, dự án sử dụng các nguồn vốn khác) thì phải trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư so với quy định cũ là từ 10.000 tỷ đồng trở lên.

Tuy nhiên, trong quá trình thảo luận, điều khiến rất nhiều đại biểu quan tâm, trăn trở là làm cách nào để giám sát cũng như đảm bảo chất lượng, tiến độ trong việc triển khai thực hiện các công trình quan trọng quốc gia sau khi đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư.

  • Tăng giám sát để ngăn dự án “đắp chiếu”, “rùa bò”

Đại biểu Nguyễn Tài Lương (Hà Nội) nhận xét, thời gian qua, hoạt động giám sát của Quốc hội đối với một số công trình trọng điểm quốc gia còn mờ nhạt, chưa mang lại hiệu quả cao. Bây giờ, đối với những công trình quan trọng, có nhiều ý nghĩa, mang tầm thời đại như vậy, Quốc hội cần phải thành lập các đoàn giám sát chuyên sâu, đặc biệt là tạo cơ chế để chính người dân được giám sát, chứ không thể quy định quá chung và thiếu như trong dự thảo.

Cùng quan điểm, đại biểu Trương Công Lập (Bạc Liêu) cho rằng phải đặc biệt coi trọng vấn đề giám sát, kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm để phòng, chống tiêu cực và tham nhũng trong quá trình thực hiện các công trình quan trọng quốc gia. Trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng và cả Quốc hội phải rõ ràng, cụ thể hơn.

Theo đại biểu Trương Công Lập, đã có rất nhiều kinh nghiệm xương máu về những công trình, dự án quan trọng quốc gia “có nhiều vấn đề”. Nếu không quy định cụ thể việc xử lý những sai phạm một cách kịp thời, nghiêm minh thì khó bảo đảm các công trình quan trọng quốc gia đạt hiệu quả và tiến độ thực hiện. Còn đại biểu Nguyễn Đình Lộc (TPHCM) đề nghị: Quốc hội cần nhận trách nhiệm khi những công trình quan trọng quốc gia được triển khai quá chậm tiến độ, bất cập và không mang lại hiệu quả trong thời gian qua.

Một vấn đề khác đặt ra là làm sao và cơ chế nào để phát hiện những tiêu cực? Đại biểu Nguyễn Viết Chức (Hà Nội) cho rằng trong việc quyết định chủ trương đầu tư cho các công trình quan trọng quốc gia, “ít khi chúng ta sai về chủ trương, nhưng trong quá trình thực hiện lại sai”. Ông đề nghị, Quốc hội nên thành lập một ủy ban lâm thời để giám sát hàng năm việc thực hiện những công trình quốc gia, “chứ không phải đợi đến khi hoàn thành và phát hiện có vấn đề, như dự án Nhà máy Lọc dầu số 1 Dung Quất”. Trong khi đó, đại biểu Phan Anh Minh (TPHCM) yêu cầu phải có những thông số, chỉ tiêu cụ thể về thời gian thực hiện của các công trình quốc gia, để tránh tình trạng “đắp chiếu”, “rùa bò”ø như hiện nay. Theo đó, nếu dự án, công trình vượt quá thời hạn Quốc hội đưa ra, thì bắt buộc phải đưa ra trước diễn đàn Quốc hội để cho ý kiến.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An:
Giám sát dự án quan trọng quốc gia: Cần tăng gấp đôi!

Chất lượng dự án, công trình có ý nghĩa quyết định khi trình ra Quốc hội. Tôi tha thiết đề nghị các vị ĐBQH, các vị bộ trưởng, các thành viên Chính phủ, các chủ đầu tư phải hết sức quan tâm đến vấn đề này.

Qua thảo luận, hầu hết ĐBQH đều không hài lòng với 5 dự án mà Quốc hội đã quyết định, chủ yếu là do chất lượng thấp, tiến độ chậm. Vì vậy, tôi cho rằng cần tăng thời lượng giám sát của Quốc hội. Hiện nay, thời lượng giám sát các công trình quan trọng quốc gia tại kỳ họp Quốc hội đang “mất cân bằng lớn” so với lập pháp. Đặc biệt, chất lượng và hiệu quả giám sát của Quốc hội, UBTVQH, của các cơ quan thuộc Quốc hội, của các Đoàn ĐBQH còn chưa tốt. Tôi đề nghị, thời gian tới cần tăng cường hoạt động giám sát nhiều hơn nữa. Các kỳ họp sau, hoạt động giám sát cần tăng gấp đôi so với kỳ họp này và đặc biệt chú ý đến chất lượng và hiệu quả.

Bộ trưởng Bộ Công nghiệp HOÀNG TRUNG HẢI:
Nâng tỷ lệ sử dụng vốn ngân sách lên 30.000 tỷ đồng

Về quy định đối với 20.000 tỷ đồng khi sử dụng vốn ngân sách thì Quốc hội phải xem xét, quyết định chủ trương đầu tư, theo tôi cần nâng con số này lên 25.000-30.000 tỷ đồng, bởi số tiền này chỉ tương đương khoảng 2 tỷ USD. Ngoài ra, quy định thêm tỷ lệ sử dụng vốn ngân sách là 50% thì Quốc hội sẽ xem xét, bởi hiện nay chúng ta đang hạn chế tối đa việc sử dụng vốn từ ngân sách.

Tôi cũng đồng tình với ý kiến Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Võ Hồng Phúc là những công trình, dự án sử dụng nguồn vốn khác không cần Quốc hội phải phê chuẩn chủ trương đầu tư, bởi ngoài nguồn vốn còn có các tiêu chí khác về môi trường; di dân; văn hóa, lịch sử;… mà chủ đầu tư phải đáp ứng.

Nguyên Chủ tịch HĐQT Petro Vietnam PHẠM QUANG DỰ:
Lọc dầu Dung Quất đã được triển khai trước khi Quốc hội “quyết”

Tôi muốn rằng khi sửa Nghị quyết 05 thì phải thực hiện cho nghiêm chỉnh. Quốc hội phải thật sự quyết định chủ trương đầu tư những dự án quan trọng quốc gia, chứ không phải Quốc hội chỉ thông qua để hợp thức hóa những quyết định đã có trước. Một ví dụ rõ nhất là dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Cũng có thể giải thích rằng nhu cầu lúc đó là cấp thiết, cho nên Thủ tướng ra quyết định trước rồi trình Quốc hội thông qua sau. Nhưng dù sao chăng nữa muốn phát huy đúng vai trò thẩm định của Quốc hội, thì phải để Quốc hội xem xét chủ trương, bàn bạc kỹ rồi sau đó Chính phủ triển khai Nghị quyết của Quốc hội thì đúng hơn. Nghị quyết sửa đổi lần này nêu rất rõ trách nhiệm từ nhà chủ đầu tư cho đến Chính phủ rồi cơ quan thẩm định, hội đồng thẩm định rồi mới lên đến Quốc hội. Nếu ta làm đúng trình tự và quy rõ trách nhiệm thì chắc sẽ khắc phục được. Và, đã nói trách nhiệm thì phải kèm theo chế tài, phải là trách nhiệm cá nhân.


Nhóm PV

Tin cùng chuyên mục