Trách nhiệm là trên hết

Tại hội nghị thường kỳ của Chính phủ cuối tuần vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu ra phương châm hành động cho thời kỳ bình thường mới: “chống suy thoái kinh tế như chống giặc”. 

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là một giải pháp hàng đầu hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Nguồn vốn cần giải ngân trong năm 2020 rất lớn (700.000 tỷ đồng, tương đương 30 tỷ USD). Khoảng 60% số vốn này nằm ở các địa phương.

6 tháng qua, mức huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng thấp nhất trong 5 năm qua. Giải ngân vốn đầu tư công tuy đã cao hơn so với cùng kỳ, nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra, mới chỉ khoảng 156.000 tỷ đồng, bằng 33,1% kế hoạch. Trong đó, giải ngân vốn vay nước ngoài (ODA) còn chậm hơn nhiều, ước chỉ đạt 10,2% kế hoạch.

Nhiều nguyên nhân trong việc chậm giải ngân vốn đầu tư công đã được nhận diện, trong đó có những tồn tại từ lâu, nhưng cũng có nguyên nhân mới. Đó là một số dự án của các bộ, ngành, địa phương được bổ sung kế hoạch từ nguồn dự phòng trung hạn và 10.000 tỷ đồng từ nguồn điều chỉnh giảm của các dự án quan trọng quốc gia, nhưng đến nay chưa được cấp có thẩm quyền giao kế hoạch đầu tư công trung hạn nên chưa đủ điều kiện giao kế hoạch năm 2020 khiến chưa thể giải ngân. Bên cạnh đó còn một số nguyên nhân như: dự án đang trình phê duyệt thiết kế, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, chưa ký hợp đồng; dự án mới được phê duyệt bổ sung kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và mới giao kế hoạch vốn năm 2020 trong tháng 4, 5… 
Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất vẫn xuất phát từ việc triển khai thực hiện dự án của các cơ quan chủ quản, chủ dự án. Có một khó khăn khách quan là do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, các dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài (thường gắn với yếu tố nước ngoài, từ khâu nhập máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát...) bị tê liệt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thực hiện. Bên cạnh đó, theo phản ánh từ một số địa phương, Nghị định 56/2020/NĐ-CP về quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài (có hiệu lực thi hành từ 25-5) có nhiều quy định khác so với nội dung các nghị định trước đó, dẫn đến việc các bộ, địa phương, chủ dự án còn lúng túng trong quá trình triển khai dự án.
Nhưng cũng còn nhiều yếu tố chủ quan ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân đầu tư công nhiều năm qua vẫn chưa được khắc phục căn bản. Đó là giải phóng mặt bằng chậm trễ, năng lực của các nhà thầu hạn chế, tranh chấp giữa chủ đầu tư và nhà thầu chậm được giải quyết, quá trình thẩm định của cơ quan cho vay lại đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thường bị kéo dài... 
Muốn đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020, cần triển khai đồng thời nhiều giải pháp. Đối với các bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư, ban quản lý dự án cần khẩn trương phân bổ hết số vốn kế hoạch năm 2020 còn lại chưa phân bổ theo nguyên tắc: kiên quyết cắt giảm, điều chuyển kế hoạch vốn của các dự án giải ngân chậm. Các trường hợp làm chậm, thiếu trách nhiệm, vi phạm quy định cần được xử lý nghiêm khắc. Lưu ý rằng có đến 60% vốn đầu tư công thuộc trách nhiệm thực hiện của các địa phương, vì thế, vai trò đốc thúc, chỉ đạo của lãnh đạo các địa phương có ý nghĩa hết sức quan trọng. Việc giải ngân vốn đầu tư công cần được coi là căn cứ đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ năm nay. Người đứng đầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khi để xảy ra chậm trễ, không đạt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2020. 
“Đồng chí bí thư, chủ tịch các địa phương đi kêu gọi vốn về thì phải tập trung chỉ đạo vấn đề giải phóng mặt bằng, đừng chỉ khoán trắng cho cấp dưới, không có đủ khả năng tháo gỡ”, Thủ tướng nói. Hiện Chính phủ đã thành lập đoàn kiểm tra thực tế một số địa phương, đơn vị để có căn cứ điều chuyển vốn ngay từ tháng 8. Mới đây, Quốc hội đã có nghị quyết giao cho Thủ tướng thẩm quyền điều chuyển vốn đầu tư công đã phân giao cho những đơn vị thực hiện chậm trễ, kém hiệu quả sang cho các đơn vị khác thay vì phải trình ra Quốc hội phê duyệt. Chính vì vậy, bức tranh đầu tư công có khả năng sẽ sáng màu hơn trong những tháng cuối năm nay.

Tin cùng chuyên mục