Công tác PCCC có hiệu quả hay không phụ thuộc vào việc triển khai thực hiện phương châm “4 tại chỗ”. Vì vậy, để hướng tới mục đích ngăn ngừa tốt nhất các sự cố về cháy nổ, cũng như chủ động trong công tác PCCC thì vai trò trách nhiệm của những người đứng đầu cực kỳ quan trọng, có yếu tố quyết định sự thành công của công tác PCCC, hạn chế đến mức tối đa thiệt hại về sinh mạng và tài sản.
Khảo sát các vụ cháy lớn trong thời gian qua cho thấy, hầu hết các cơ sở đều vi phạm nghiêm trọng những quy định về an toàn PCCC như sử dụng sai công năng so với thiết kế ban đầu; tự ý cải tạo, cơi nới để mở rộng sản xuất, kinh doanh… dẫn đến tình trạng không đủ điều kiện an toàn PCCC. Không đầu tư công tác bảo đảm an toàn PCCC nên khi có cháy xảy ra, không có lực lượng, phương tiện tại chỗ để tổ chức chữa cháy hoặc báo cháy và tổ chức chữa cháy chậm. Có nơi thành lập lực lượng, trang bị phương tiện PCCC nhưng lực lượng tại chỗ lại không biết sử dụng vì chưa được huấn luyện về kỹ năng chữa cháy và thoát nạn nên thường mất bình tĩnh, lúng túng khi xử lý tình huống.
Trong số 10.768 cơ sở thuộc diện có nguy hiểm về cháy nổ trên địa bàn thành phố hiện nay, còn nhiều cơ sở chưa xây dựng đội PCCC tại chỗ hoặc có nhưng chủ yếu tập trung vào đội ngũ bảo vệ, nhân viên lao động hợp đồng. Trong khi đối tượng này thường hợp đồng theo thời vụ, thường xuyên biến động, đa phần được thuê từ các công ty cung cấp dịch vụ vệ sĩ. Nhiều doanh nghiệp không quan tâm đến việc tập huấn nghiệp vụ cho lực lượng PCCC tại chỗ và phổ biến các quy định PCCC cho người lao động. Và để đối phó với cơ quan chức năng khi đến kiểm tra, có cơ sở lập danh sách đưa đối tượng này tham gia lớp tập huấn PCCC và được cấp chứng chỉ trước khi đoàn kiểm tra đến làm việc 2 ngày. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị trang bị phương tiện PCCC chỉ để đối phó với các cơ quan chức năng chứ không phải vì mục đích chính là PCCC.
Trong 7 cơ sở sản xuất kinh doanh mà lực lượng Cảnh sát PCCC TPHCM tiến hành kiểm tra gần đây, chỉ 3/7 cơ sở có chủ doanh nghiệp trực tiếp theo dõi và chỉ đạo công tác PCCC. Còn lại hầu hết đều ủy quyền cho người quản lý (do chủ cơ sở thuê) hoặc đội trưởng đội bảo vệ làm việc với đoàn kiểm tra.
Chính sự buông lỏng trong công tác quản lý nên mọi hoạt động liên quan đến PCCC đều không được thực hiện nghiêm túc; hồ sơ về PCCC lưu trữ không đúng trình tự, không cập nhật thường xuyên, thậm chí có công ty để thất lạc hồ sơ pháp lý liên quan đến công trình xây dựng nên khi thay đổi nhân sự, người quản lý mới không biết gì về các hạng mục công trình được xây dựng, cơi nới bổ sung thêm so với hiện trạng pháp lý được cấp ban đầu, dẫn đến tình trạng đùn đẩy trách nhiệm. Bên cạnh đó, việc mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc cho công trình, phần lớn chủ doanh nghiệp cố ý mua sai đối tượng để giảm bớt chi phí; lắp đặt thiết bị sử dụng điện tại các khu vực có nguy cơ cháy nổ cao, không tính toán lắp đặt bằng các thiết bị điện phòng nổ, thiết bị điện chiếu sáng có máng chụp bảo vệ.
Hệ thống đèn chiếu sáng sự cố, đèn chỉ dẫn thoát nạn tại lối đi, cửa thoát nạn ở khu nhà xưởng hoàn toàn không có; thậm chí tại các trạm điện, phòng điện không có khóa và cũng không niêm yết các bảng cảnh báo để đảm bảo an toàn trong quá trình vận hành. Hóa chất không sắp xếp theo các nhóm cháy riêng biệt, không lập phiếu quản lý hóa chất, không có phương án ngăn hóa chất chảy tràn khi có sự cố mà được để ngay tại khu vực sản xuất nhằm tiện cho việc sử dụng.
Ở bất cứ đâu nếu người đứng đầu cơ sở tích cực, có trách nhiệm, công tác PCCC được thực hiện thường xuyên thì việc phòng ngừa các sự cố về cháy nổ mới làm tốt, có thể chủ động xử lý kịp thời, hạn chế được thiệt hại do cháy gây ra. Vì vậy nhận thức đúng, đầy đủ về trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở đối với vấn đề PCCC, không chỉ là trách nhiệm của bản thân mà còn là trách nhiệm đối với cộng đồng, với xã hội. Chỉ khi vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tổ chức thực hiện công tác PCCC được nâng cao thì mới bảo vệ được thành quả sản xuất, phục vụ đời sống xã hội và sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.