Tất cả những hành vi vi phạm an toàn giao thông nếu bị cơ quan chức năng phát hiện sẽ bị xử lý, nếu gây tai nạn giao thông (TNGT) sẽ vừa phải bồi thường, vừa bị xử phạt hành chính, thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo các quy định pháp luật hiện hành.
Theo Điều 623 Bộ luật Dân sự 2005, phương tiện giao thông vận tải cơ giới đường bộ (gồm ô tô, máy kéo, mô tô, xe máy và các loại xe tương tự, kể cả xe cơ giới dùng cho người tàn tật) là nguồn nguy hiểm cao độ. Chủ sở hữu phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì những người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Ngay cả khi không có lỗi thì chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ vẫn phải bồi thường, trừ trường hợp TNGT xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại (vi phạm quy định về an toàn giao thông, tự tử…) hoặc trong trường hợp bất khả kháng, tình thế cấp thiết.
Trong trường hợp TNGT xảy ra do lỗi của người điều khiển phương tiện vi phạm các quy định về an toàn giao thông đường bộ như chạy xe quá tốc độ, vượt đèn đỏ, bên cạnh việc bồi thường kể trên, tùy trường hợp sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định 171/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Nghị định này đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2014, theo đó, mức xử phạt đối với hầu hết các hành vi vi phạm được giữ nguyên như các nghị định trước đây và có giảm nhẹ đối với một số hành vi. Ngoài ra, trong nghị định mới, một số hành vi vi phạm cũng được mô tả chi tiết, cụ thể hơn, giúp việc xác định hành vi vi phạm được chính xác hơn.
Ở mức độ hình sự, hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ có thể cấu thành tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ tại Điều 202 Bộ luật Hình sự hiện hành, nếu gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác. Khung hình phạt cao nhất có thể lên đến 15 năm tù. Trường hợp không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định, lái xe khi sử dụng rượu bia vượt quá mức quy định... bị xem là các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Do đó, một khi đã uống bia rượu, tuyệt đối không tham gia giao thông để đảm bảo an toàn cho chính bản thân mình cũng như cho người khác. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm.
Không sai khi nói rằng “lái xe thể hiện bản chất con người”, việc chấp hành luật giao thông không chỉ thể hiện ý thức, văn hóa ứng xử của từng cá nhân mà còn là sự tôn trọng pháp luật. Người tham gia giao thông cần tự giác nâng cao ý thức về đảm bảo an toàn giao thông, hiểu rõ và luôn tuân thủ các quy định của pháp luật để tránh xảy ra những TNGT đáng tiếc.
Luật sư PHAN VŨ TUẤN
(Văn phòng Luật sư PHANS)