Có gì đó bất thường khi một cuộc thi kết thúc, ngay lập tức dấy lên nghi ngờ quán quân đã biết trước kết quả; một cuộc họp báo ra mắt sách đã trở thành một cuộc “đấu tố” đòi hỏi tác giả phải chứng minh mình có viết thật hay không. Phải chăng chúng ta đang sống trong thời buổi khủng hoảng niềm tin đến độ nghi ngờ bất cứ thứ gì?
Những ai đến với buổi họp báo ra mắt tập 2 cuốn sách Xách ba lô lên và đi tại Hà Nội vào sáng 19-9 mới thấy hết được bầu không khí nghi ngờ bao trùm lên một tác phẩm đang nặng nề thế nào. Hết người này đến người khác yêu cầu Huyền Chip, tác giả cuốn sách, phải chứng minh, công khai tài chính, visa, phải trần tình về những chi tiết nghi vấn gay gắt đến độ nhiều người có cảm giác như đó là một... phiên tòa. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, có mặt tại buổi họp báo đã phải thốt lên: “Sách du ký là thể loại mới ở Việt Nam nhưng không mới ở thế giới. Và trên thế giới chẳng có buổi ra mắt sách du ký nào, độc giả nằng nặc đòi người viết phải đưa ra bằng chứng như buổi ra mắt sách hôm nay”.
Trên các diễn đàn, không khí bức xúc tưởng như sẽ nguội đi sau buổi họp báo, trái lại vẫn nóng, thậm chí còn nóng hơn bởi những câu trả lời của tác giả cuốn sách trong ngày ra mắt sách chưa làm họ thỏa mãn. Sự kiện này khiến chúng ta nhớ lại một không khí cũng sục sôi như thế khi đêm chung kết Giọng hát Việt nhí kết thúc, nhà nhà, người người cũng ào lên phong trào “ném đá” Quang Anh, cậu bé vừa đăng quang, là đã biết trước kết quả, được ban tổ chức ưu ái để câu tin nhắn. Hay gần đây nhất là bộ phim Lửa Phật, mới ra rạp đã bị ồn lên chuyện quảng cáo rượu trá hình. Rồi chưa kịp hân hoan sau kỳ liên hoan được coi là đã tạo ra một cú huých đối với sân khấu nước nhà thì các nghệ sĩ cùng người hâm mộ lại cảm thấy hoang mang khi các đạo diễn đăng đàn để “chất vấn” lẫn nhau…
Dường như đang xuất hiện một bầu không khí mà trong đó, sự ngờ vực, mất lòng tin lấn át tất cả những cảm xúc khác khi khán giả tiếp nhận một sản phẩm văn hóa nghệ thuật. Một cuộc thi ca nhạc trên truyền hình, một bộ phim, một cuốn sách... tất cả đều nằm trong “tầm ngắm”, đều khiến khán giả nghi ngờ không biết có sự dàn dựng nào để PR không, có bị “chém gió” quá không, có thiếu trung thực không. Nhìn rộng ra, đó là phản ứng phản chiếu một xã hội đang thiếu niềm tin, một showbiz đang bị các chiêu trò lấn át đến mức “lộng giả thành chân” và khán giả dường như đã bị “ăn quả lừa” nhiều đến mức họ chọn cách tốt nhất là “nghi ngờ tất cả”.
Lỗi tại ai? Trong hội thảo “70 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam” do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức tại Hà Nội ngày 18-9 mới đây, nhà báo lão thành Hữu Thọ đã phát biểu rất xác đáng. Theo ông, cần phải xét đến trách nhiệm của 3 đối tượng trong một nền văn hóa, đó là người sản xuất sản phẩm văn hóa, người tiêu dùng sản phẩm văn hóa và người quản lý sản phẩm văn hóa. Trong đó, trách nhiệm của người quản lý sản phẩm văn hóa là nặng nề nhất. Vậy để cho sự “thật giả - giả thật” lũng đoạn trong giới văn hóa nghệ thuật, đến nỗi khán giả mất niềm tin và hoang mang chẳng biết lấy cái gì làm điểm tựa và thang giá trị thì có lẽ cần phải xem xét nghiêm túc trách nhiệm của các nhà quản lý văn hóa. Phải chăng họ đang buông lỏng quản lý, bất lực, chưa làm hết nghĩa vụ của mình hay chính họ cũng bắt đầu thỏa hiệp với sự nhập nhèm ấy?
Giá như tất cả chúng ta có một “luật chơi” rõ ràng, minh bạch ngay từ đầu, có người cầm trịch công minh để dẹp từ trứng nước những hiện tượng “lập lờ đánh lận con đen”, để vạch mặt chỉ tên những hiện tượng phi văn hóa nhưng lại đàng hoàng đội lốt văn hóa thì có lẽ mọi chuyện đã không như bây giờ.
Vậy thì thái độ cần nhất bây giờ của mỗi người là sự tỉnh táo và điều chỉnh bản thân mình ra khỏi những vòng xoáy thiếu tỉnh táo. Cần một sự tích cực, trách nhiệm và vào cuộc đúng lúc hơn từ những nhà quản lý để lập lại trật tự trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, làm trong sạch môi trường này để lấy lại niềm tin cho khán giả. Một sự mơ hồ, mờ ảo và trắng đen lẫn lộn sẽ dẫn đến những hậu quả nặng nề khi lòng tin vào cái đẹp, cái thiện, cái trung thực đã không còn tồn tại. Và lúc đó, tất cả những nỗ lực của nghệ sĩ để làm ra các sản phẩm văn hóa sẽ chỉ là vô nghĩa mà thôi.
MAI AN