“Trái tim cháy bỏng văn chương” hay một lối sống thác loạn?

Mới đây, tại Cung VH Lao động TP Hồ Chí Minh đã diễn ra buổi tọa đàm về các nhà văn nữ Trung Quốc hiện đại đang tạo ra nhiều tranh cãi. Với chủ đề: “Trái tim cháy bỏng văn chương của các nhà văn nữ Trung Quốc hiện nay”, nhiều ý kiến trái ngược nhau đã xuất hiện.

Một diễn giả lớn tuổi cho rằng, những tác phẩm này phản ánh thời kỳ bùng nổ của phụ nữ sau một thời gian dài bị kìm kẹp trong tư tưởng phong kiến vốn nặng về “trọng nam khinh nữ”. Một diễn giả khác nói rõ hơn: “Tôi đã có thời gian công tác giảng dạy tại Trung Quốc.

Theo tôi, câu chuyện mà Vệ Tuệ, Xuân Thụy kể ra là có thật trong đời sống sinh viên, học sinh Trung Quốc hiện nay. Như vậy, các tác phẩm này còn có thể coi như là một hình thức miêu tả hiện thực xã hội của một tầng lớp trí thức trẻ Trung Quốc trong giai đoạn thay đổi nhận thức sâu sắc như hiện nay”.

Còn theo Phó giáo sư-tiến sĩ Hồ Sỹ Hiệp , người chủ trì buổi tọa đàm thì các tác phẩm của các nhà văn nữ Trung Quốc trong trào lưu hiện đại đã phản ánh được một hiện thực khách quan đang tồn tại, một hiện thực mà nhiều nhà văn, thậm chí cả công luận vẫn cố né tránh. Các tác phẩm đã thể hiện được người phụ nữ hiện đại trong xã hội hiện đại và người đọc nên nhận ra trong đó những tư tưởng tiến bộ mới, không nên quá quan tâm đến yếu tố tình dục.

Tuy nhiên, hầu hết ý kiến của các bạn trẻ lại trái ngược với những nhận định của những người lớn tuổi. Một sinh viên cho rằng, các tác phẩm vẫn quá nặng yếu tố tình dục gây nên một tâm lý tò mò hơn là “ý nghĩa nhân văn” như các diễn giả vừa nêu.

Huỳnh T. Ngọc Liên, 23 tuổi sinh viên Trường ĐH Kinh tế sau buổi tọa đàm tỏ ra rất bức xúc: “Đành rằng trong thực tế cũng có những người như sách miêu tả nhưng không thể nào coi đó là số đông, là đại diện cho thanh niên thời đại mới được, dù ở Việt Nam hay Trung Quốc. Chỉ nên xem những tác phẩm này như một loại tự sự của một thiểu số cá nhân có tâm sự riêng mà thôi”.

Người bạn đi cùng chị Liên phản ứng mạnh hơn: “Có thể nói là sách cũng đã đưa ra một hình ảnh mới nhưng không thể là hình ảnh để giới trẻ noi theo. Các nhà văn, nhà nghiên cứu có thể đọc để biết thêm một dạng văn học nhưng nếu khuyến khích giới trẻ như chúng tôi đọc thì hại nhiều hơn lợi. Vào lứa tuổi rất tò mò về tình dục mà lại giới thiệu sự buông thả về tình dục, sự nổi loạn thì chẳng khác nào đổ dầu vào lửa, mà bản thân “lửa” hiện nay cũng đã “cháy” lắm rồi”.

Giới trẻ chỉ chiếm 1/10 số người tham gia buổi tọa đàm, nhưng hầu hết những bạn trẻ được hỏi đều phản đối việc cổ xúy những tác phẩm kiểu này. Có bạn cho rằng việc giới thiệu quá nhiều những tác phẩm kiểu “Búp bê Bắc Kinh”, “Điên cuồng như Vệ Tuệ” giống như vô tình cổ xúy một loại “dâm thư”.

Ái Trinh, sinh viên Trường ĐHKHXH và NV nhận xét: “Nội dung quyển sách chẳng có gì ngoài những mối tình chớp nhoáng, hời hợt. Những câu nói tục tĩu, vô văn hóa lại được phát ra từ miệng một cô bé mới 14-15 tuổi. Cô gay gắt phản ứng lại những quy định của trường lớp, có lời lẽ thiếu tôn trọng giáo viên, sẵn sàng nghỉ học nếu thích, có thể qua đêm ở bất kỳ đâu, lên giường với bất kỳ người đàn ông nào dù mới gặp mặt vài lần… Cho nên, ở một góc độ nào đó, “Búp bê Bắc Kinh” phải chăng đã “cổ động” cho một lối sống vô tổ chức, trái với thuần phong, mỹ tục của chúng ta?!”.

Cùng với sự nồng nhiệt đón nhận những tác phẩm mang lửa nhiệt huyết như “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”, sự ghẻ lạnh với các tác phẩm kiểu “Búp bê Bắc Kinh”, “Điên cuồng như Vệ Tuệ”, giới trẻ Việt Nam đã thể hiện rõ sự chín chắn trong suy nghĩ và lựa chọn lẽ sống cho mình.

VHVN

Tin cùng chuyên mục