Hiện nay việc sở hữu các thiết bị điện tử như điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính xách tay... tương đối phổ biến, phần nào đó tác động đến văn hóa đọc của nhiều người. Việc đọc sách điện tử (ebook) đang trở thành xu hướng hiện nay ở nước ta.
Với những ưu điểm của ebook như dung lượng nhỏ, người dùng có thể sử dụng các thiết bị dễ dàng lưu trữ hàng chục ngàn đầu sách, tương đương với cả một thư viện. Ngoài ra người đọc ebook không chỉ đọc mà còn có thể nghe lời đọc; xem phim, ảnh minh họa; tương tác với sách như chỉ cần chạm vào dòng chữ mình thích là có thể đưa lên mạng xã hội, thảo luận trực tiếp với những người đang đọc cùng cuốn sách; tra cứu thông tin trực tiếp những vấn đề liên quan...
Ở các nước trên thế giới việc xuất bản và quản lý ebook bản quyền đã có những quy định chặt chẽ và xem đây như một sự thay đổi trong công tác xuất bản, phát hành khiến lượng người mua, doanh thu từ ebook đã vượt qua sách giấy truyền thống.
Tuy nhiên ở nước ta hiện nay mặc dù ebook đã có sự phát triển mạnh mẽ nhưng đáng tiếc là chưa có một văn bản luật cụ thể, quy định chi tiết về định nghĩa, cơ chế bản quyền, xuất bản, phân phối ebook... khiến thị trường ebook phát triển một cách không lành mạnh từ người đọc lẫn người xuất bản.
Ở nước ta, đa phần việc sử dụng có bản quyền cho hình thức sách điện tử vẫn chưa quen thuộc, chủ yếu người đọc có tư tưởng sẵn sàng bỏ thời gian tìm kiếm, cài đặt… để đọc những bản ebook lậu, có rất nhiều lỗi và sai sót trong nội dung.
Nguồn ebook lậu được phát tán chủ yếu qua các trang web về sách, dù rằng ý tưởng tốt khi muốn chia sẻ kiến thức đến đông đảo bạn đọc trong nước, nhưng với cách làm như hiện nay là tự ý thực hiện, sao chép các sách có bản quyền đã làm hại không chỉ người làm sách giấy mà cả những người kinh doanh ebook chân chính.
Nhiều đơn vị xuất bản trong nước đang ngao ngán vì danh sách các sản phẩm vừa mới xuất bản đã bị “luộc” công khai và phát hành rộng rãi trên các trang web và diễn đàn ngày càng nhiều. Chỉ cần lướt qua các trang ebook này sẽ thấy ngay mức độ sôi động trong việc liên tục cập nhật những đầu sách mới thu hút hàng ngàn lượt tải về. Đương nhiên, việc phát tán rộng rãi trên mạng mà không mua bản quyền đã khiến đơn vị làm sách bị thất thu nặng cũng như ảnh hưởng đến tâm huyết xây dựng một thị trường ebook lành mạnh của nhiều nhà xuất bản.
Không những thế, việc xuất bản ebook hiện nay cũng rất đơn giản và không cần thủ tục như xuất bản in ấn truyền thống. Chính vì lẽ đó, không ít cuốn sách in khi bị cấm xuất bản, phát hành thì chuyển sang dạng ebook rồi tung lên mạng để cho nhiều người có thể tìm đọc. Vấn đề này đang gây đau đầu cho các nhà quản lý văn hóa khi những cuốn sách vi phạm những chuẩn mực văn hóa, chính trị… không được xuất bản bằng sách truyền thống thì quay sang ebook, gây tác hại nhiều mặt cho xã hội.
Có thể nói trong thời buổi công nghệ thông tin này, ebook ra đời và sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian sắp tới là điều tất yếu. Do đó để quản lý và tạo môi trường lành mạnh cho ebook ở nước ta, đòi hỏi các ngành chức năng sớm ban hành những văn bản, quy định để có đầy đủ các cơ sở pháp luật quản lý ebook một cách hiệu quả chứ không thể thả nổi như hiện nay.
VĂN THI HOÀNG