Đào tạo chính quy hay truyền nghề?
Nghệ sĩ trẻ Hoàng Hà, Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TPHCM, cho biết: “Tốt nghiệp chuyên ngành cải lương năm 2005, tôi mất thêm 4-5 năm học lại từ đầu. Kiến thức cải lương chỉ giúp được phần nào cho nghề, những bài hát bội thì phải mấy năm làm nghề mới tiếp nhận được, chưa kể phải học kỹ vũ đạo, hóa trang (mặt nạ), cách ca diễn. Muốn đảm nhận được vai chính trong một vở tuồng đòi hỏi phải có hơn 10 năm theo nghề, mà vai đó còn phải phù hợp với khả năng, sở trường của từng người mới có thể hoàn thành được”. Hành trình đào tạo nên một nghệ sĩ chuyên nghiệp cho hát bội không hề dễ dàng.
NSƯT Linh Hiền chia sẻ: “Loại hình hát bội xưa nay thường là cha truyền con nối. Gia đình tôi đã 4 đời theo nghề, nhưng đến thế hệ các con lại không có ai chịu theo. Nếu đi học nghệ thuật để lấy bằng cao đẳng hay đại học đã hết 4-5 năm. Ra trường, cầm tấm bằng không thể làm việc gì khác ngoài diễn nhưng lại không có trải nghiệm thì thật quá khó. Với các bạn có bằng cấp, vào nhà hát học vài năm cũng chưa thể có đủ điều kiện làm nghề, chưa kể việc hun đúc nuôi dưỡng tình yêu với hát bội. Vậy, đòi hỏi bằng cấp mà không làm được nghề thì bằng cấp có còn giá trị?”.
Rõ ràng, người nghệ sĩ hát bội hay xiếc ở độ tuổi 35-40 đã ngắn dần cơ hội làm nghề, vậy mà vẫn cứ phải đau đáu chuyện bằng cấp thì thật là… thiệt thòi. Thực tiễn, có nhiều sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành cải lương từ trường lớp chính quy, có bằng cấp, đang theo nghề nhưng chưa tạo được dấu ấn với nghề. Nguyên nhân có lẽ vì công tác tuyển chọn đầu vào chưa thật chú trọng về tố chất, năng khiếu. Nghệ sĩ Điền Trung, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, trăn trở: “Có không ít bạn học chính quy ra trường, nhiều năm không làm được gì cho nghề. Những kiến thức, lý thuyết chưa thể giúp các bạn ca hay, diễn giỏi. Trong khi đó, cách dạy truyền nghề trực tiếp lại giúp người nghệ sĩ có sự trải nghiệm rất quý trên sân khấu”.
Chính sách đặc thù
Việc không được đào tạo chính quy, không có bằng cấp chuyên môn nên không được nhận vào làm ở các đơn vị nghệ thuật công lập tạo sự thiệt thòi với những nghệ sĩ giỏi nghề. Phó Giám đốc, quản lý điều hành Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TPHCM Võ Hồ Hoàng Vũ cho biết: “Trước đây, nhà hát vẫn tuyển dụng theo tiêu chí đầu tiên là chọn những em có năng khiếu, sau đó tổ chức đào tạo truyền nghề tại nhà hát, từ đó mới có lớp nghệ sĩ giỏi nghề kế thừa như: Bảo Châu, Ngọc Giàu, Anh Thi... Nhưng, vì không có bằng cấp nên hoạt động gần 20 năm trong nghề, đến nay các em mới được xét tuyển đặc cách viên chức. Ngay cả trong tuyển dụng đề bạt chức vụ, chuyện bằng cấp cũng gây khó cho những bạn trẻ có tài năng. Hiện nay, các loại hình nghệ thuật truyền thống không có trường lớp đào tạo, rất khó khăn trong tuyển dụng viên chức”.
Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam vừa tuyển dụng được một số viên chức (diễn viên có thành tích, huy chương) và tất cả đã làm trong nhà hát lâu năm. NSƯT Phi Vũ bộc bạch: “10 năm qua, chúng tôi vẫn liên tục xin cơ chế để tuyển sinh, đưa các em đi đào tạo ở nước ngoài hoặc trường xiếc ở Hà Nội, vấn đề này đã nói nhiều lần, nhưng vẫn chưa có phản hồi nào. Lớp đào tạo xiếc gần nhất cũng đã hơn 10 năm. Hiện lớp trẻ tiếp nối không có, trong khi diễn viên nhà hát bắt đầu bước vào độ tuổi “già” của nghề. Lo lắng hơn là đầu vào của nhà hát rất hiếm hoi. Giờ ít có ba mẹ nào cho con theo nghề xiếc, ngoại trừ con em nghệ sĩ, diễn viên nhà hát”.
Đạo diễn Lê Diễn, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam, bộc bạch: “Đừng đòi hỏi quá nhiều trong tuyển dụng nhân sự làm nghệ thuật truyền thống khi vừa có năng khiếu vừa có bằng cấp, vì ở lĩnh vực nghệ thuật, trời cho cái duyên, năng khiếu bẩm sinh thì quan trọng vẫn là việc phát huy năng khiếu như thế nào cho hiệu quả nhất. Hát bội, cải lương, xiếc hay múa rối cũng vậy, cần thiết phải có cơ chế mở, thoáng hơn trong việc tuyển chọn và đào tạo người làm nghệ thuật. Có trường đào tạo thì tốt rồi, nhưng vẫn rất cần có sự ưu đãi đặc thù dành riêng cho các loại hình nghệ thuật truyền thống đang gặp khó về nhân sự”.
Yếu tố quan trọng của một người nghệ sĩ trên sân khấu chính là việc hát diễn và được khán giả đón nhận. Sự bất hợp lý trong tuyển dụng nghệ sĩ đã và đang khiến nhiều nghệ sĩ giỏi nghề, không bằng cấp mất đi cơ hội sáng tạo. Mặt khác, đây cũng là sự thiệt thòi của các nhà hát nghệ thuật truyền thống trong việc thu hút nguồn nhân lực tài năng, giỏi nghề để nâng cao chất lượng tổ chức biểu diễn.
"Nếu ngay bây giờ không tuyển sinh đào tạo được thì 10 năm tới, hát bội chắc chắn mai một. Khi không còn người hát nữa thì loại hình nghệ thuật này sẽ chỉ còn là hoài niệm. Cần phải có định hướng, kế hoạch đào tạo và phát triển nguồn nhân lực sao cho phù hợp, để đào tạo được một lớp tiếp nối lĩnh vực nghệ thuật truyền thống này" Tác giả, NSƯT HỮU DANH |