Nếu việc bảo vệ quyền tác giả trong lĩnh vực âm nhạc ở Việt Nam đang dần đi vào quỹ đạo thì đối với lĩnh vực văn học cũng như điện ảnh, đây vẫn thực sự là bài toán khó. Trong hai ngày 17 và 18-12, tại Hà Nội, Hội Điện ảnh và Hội Nhà văn đã tổ chức hội thảo với mong muốn tìm được hướng đi tích cực trong việc bảo vệ tác quyền của các hội viên.
Thất thoát nghiêm trọng
NSND Đặng Nhật Minh nhận xét: “Không có lĩnh vực nào mà bản quyền bị vi phạm trắng trợn như điện ảnh. Với cơ chế nhà nước bao cấp làm phim, phim làm ra được chiếu ở đâu, đạo diễn còn không được thông báo”. Nhiều bộ phim truyền hình chưa phát sóng đã bị in đĩa lậu, nhiều bộ phim nổi tiếng thế giới tràn ngập trên internet. Một lần nữa, sau lời kêu gọi “nghe có ý thức” của giới làm nhạc, xem ra, những nhà làm điện ảnh Việt lại phải kêu gọi “xem có ý thức”.
Tháng 7 vừa qua, các hãng phim lớn của Mỹ đã phải nhờ Hiệp hội Điện ảnh Mỹ (MPA) gửi đơn yêu cầu Bộ VH-TT-DL xử lý 3 trang web của Việt Nam chia sẻ các bộ phim thuộc sở hữu của các thành viên MPA. Theo đó, chỉ mất 2.000 đồng, người xem có thể ngồi trước Internet xem trọn vẹn nhiều bộ phim mới ra mắt, phim bom tấn, phim thuộc bản quyền của các hãng nổi tiếng của Mỹ. Trước đó, đầu năm 2012, khi nhà sản xuất bộ phim truyền hình Những đứa con biệt động Sài Gòn còn đang “rập rình” bán đứa con tinh thần của mình cho các đài truyền hình thì đĩa phim đã đầy các cửa hàng băng đĩa. Thậm chí, Bụi đời Chợ Lớn - bộ phim bị cấm chiếu nhưng xuất hiện bản đầy đủ trên mạng. Một đạo diễn hài hước nói: “Ở Việt Nam, muốn xem phim gì, cứ lên mạng là có”.
Thất thoát của các nhà làm phim và nhà nước từ việc khán giả xem phim miễn phí trên mạng chưa từng được thống kê, song ông Đào Việt Dũng, Trưởng phòng Thương mại điện tử (Công ty Đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao), cho biết: Thống kê trên một trang mạng, có 7 chương trình video, gồm 2 chương trình ca nhạc và 5 bộ phim. Nếu mỗi người xem chỉ trả 1.000 đồng thì chỉ trong vòng nửa năm, số tiền đã lên đến 95 tỷ đồng. Tuy nhiên, ở nước ta, việc sử dụng video đều không có bản quyền, các trang mạng chỉ đưa video lên để thu hút người truy cập rồi sau đó bán quảng cáo. Việt Nam hiện có khoảng 400 web sử dụng video (phim và nhạc), với 90% lượng người dùng internet đều sử dụng sản phẩm video thì lượng tiền bản quyền bị thất thoát sẽ rất lớn.
Tình trạng vi phạm bản quyền trong văn học cũng diễn ra khá phổ biến, khi vô số bài thơ, truyện ngắn được đưa vào các tuyển tập. Theo ông Đỗ Hàn, Phó Giám đốc Trung tâm Quyền tác giả văn học, thậm chí có truyện ngắn còn được thay tên, đổi họ rồi đăng nguyên trên một tờ báo có lượng độc giả đông đảo. Khi Trung tâm Quyền tác giả văn học chuyển bản thảo gốc ra so sánh, đồng thời chuyển công văn tới tờ báo đó thì họ mới biết sai và gửi trả lại nhuận bút. Những vi phạm đó vẫn chưa thấm tháp gì so với hàng trăm, hàng ngàn tác phẩm của các nhà thơ, nhà văn bị đưa vào khai thác trái phép trên các địa chỉ ebook. Trong đó có nhiều trang web có máy chủ đặt ở nước ngoài nên việc truy ra, đề nghị trả tiền bản quyền là khó khả thi.
Cần một tổ chức quản lý tập thể hoạt động chuyên nghiệp
Ông Alexander Van Duelmen, Giám đốc A Company của CHLB Đức, đưa ra một số khuyến nghị về các biện pháp giúp chống lại sự vi phạm bản quyền tác giả phim điện ảnh, phim truyền hình như việc tự mã hóa tác phẩm… Cũng theo chuyên gia này, trong những hợp đồng của nhà sản xuất với các đơn vị phát hành, các đài truyền hình sử dụng phim hoặc các đại lý hay mọi hình thức truyền tải tác phẩm khác đều phải ghi rất rõ trách nhiệm pháp lý đối với quyền tác giả của tác phẩm. Còn NSND Đặng Xuân Hải, Chủ tịch Hội Điện ảnh cho rằng, đã đến lúc cần thành lập một tổ chức quản lý tập thể cho môi trường điện ảnh ở Việt Nam, giống như trong lĩnh vực âm nhạc có Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam được thành lập cách đây hơn 10 năm.
Tuy nhiên, đây cũng chưa phải là giải pháp thực sự tốt bởi Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả văn học thuộc Hội Nhà văn dù đã thành lập được 9 năm với hơn 900 hội viên ủy thác nhưng mọi hoạt động dường như vẫn dậm chân tại chỗ. Từ đầu năm đến nay, đơn vị này chỉ giải quyết được vài vụ việc đơn lẻ với các nhà xuất bản và số tiền tác quyền “đòi” được chỉ có 15 triệu đồng. Cũng chính lý do hoạt động thiếu chuyên nghiệp và cầm chừng này mà một số nhà văn như Hoàng Quốc Hải, dù biết tác phẩm của mình bị vi phạm tác quyền nhưng cũng đành chấp nhận mà chưa “dám” ủy quyền cho trung tâm này.
Giải thích về sự “èo uột” này, ông Đỗ Hàn cho rằng, trước hết do nhân lực của trung tâm phần lớn là kiêm nhiệm và quan trọng hơn là rất nhiều nhà văn, nhà thơ vẫn rất mơ hồ với khái niệm bản quyền. Có trường hợp như nhà văn Ông Văn Tùng, mặc dù ông than vãn rằng tác phẩm của mình bị nơi này, nơi kia in mà không xin phép nhưng rồi cuối cùng lại xuề xòa cho qua với tâm niệm “họ in cho mình là vui rồi!”. “Hay có những trường hợp sau khi trung tâm “tham chiến” gửi công văn tới NXB nhưng sau đó NXB và tác giả lại tự thỏa thuận mà phớt lờ chúng tôi đi”, ông Đỗ Hàn nói.
Trong tương lai gần, các nghệ sĩ, nhà văn, nhà thơ sẽ có nơi chốn chuyên nghiệp, tin cậy để họ trao quyền bảo vệ những đứa con tinh thần của mình.
MAI AN