
Chỉ trong tuần lễ đầu ra mắt bộ sưu tập nữ trang mang thương hiệu PNJGold nhân dịp Lễ tình yêu năm 2006 và khai trương Trung tâm Kim hoàn PNJ, doanh thu bán lẻ của toàn công ty đã đạt con số kỷ lục: 24,5 tỷ đồng, một “con số mơ ước” không chỉ của riêng Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận – PNJ.
Việc đầu tư hơn 20 tỷ đồng để cho ra mắt Trung tâm Kim hoàn PNJ (52 Nguyễn Văn Trỗi, Q. Phú Nhuận) – cửa hàng bán lẻ có quy mô lớn nhất trong tổng số 57 cửa hàng - của PNJ khai trương ngay sau Tết Nguyên đán - đã gởi thông điệp năm 2006 tới người tiêu dùng: chất lượng sản phẩm và dịch vụ của PNJ mang tính cạnh tranh cao.

Khách hàng của PNJ trong dịp 8-3.
“Là một thương hiệu về thời trang, các yếu tố về kiểu dáng, chất lượng và uy tín của nhà sản xuất luôn được người tiêu dùng quan tâm, nhưng một chiến lược phân phối đúng đắn sẽ càng góp phần vào sự thành công của thương hiệu”. Bà Nguyễn Thị Cúc, Phó Tổng Giám đốc phụ trách kinh doanh của PNJ, nhận định. Trong năm thứ 2 sản xuất kinh doanh dưới hình thức cổ phần, Công ty PNJ đã mở rộng hoạt động, đưa vào thị trường một số thương hiệu nữ trang mới khá thành công như CAO, PNJGold, PNJSilver.
Trước tình hình giá vàng biến động liên tục, hoạt động ngành vàng nói chung rất khó khăn, chất lượng sản phẩm trang sức là yếu tố được PNJ đặt lên hàng đầu. Do yêu cầu khắt khe từ những lô hàng xuất khẩu đối với sản phẩm CAO, tay nghề công nhân ngày càng được nâng cao.
Bên cạnh đó, sự phối hợp chặt chẽ với các phòng, ban chuyên môn, đặc biệt là phòng Kỹ thuật - Chất lượng, đã giúp sản phẩm không những ổn định và nâng cao về chất lẫn lượng mà còn tạo điều kiện sản xuất được liên tục, không gián đoạn, các đơn hàng giao cho khách đúng hẹn, tuổi vàng đảm bảo. Cùng với chất lượng, hoạt động nghiên cứu thị trường và xây dựng phát triển thương hiệu được PNJ chú trọng.
Để định hướng phát triển cho từng thương hiệu, công ty đã không tiếc tiền và công sức đầu tư. Cuộc nghiên cứu thị trường và nghiên cứu thái độ nhận biết nơi người tiêu dùng đã được PNJ thực hiện với quy mô lớn tại TPHCM và Hà Nội để hoạch định sát hợp cho việc tiếp thị, kinh doanh trong những năm trước mắt và lâu dài. Hơn 100.000 USD mà Công ty PNJ đã chi cho kế hoạch xây dựng thương hiệu trang sức cao cấp CAO là một ví dụ.
Việc thành lập bộ phận chuyên trách xuất khẩu của công ty để lo việc thực hiện các đơn hàng cùng tìm kiếm khách hàng mới; đầu tư trên 10 tỷ đồng cho bộ phận sản xuất cùng tay nghề công nhân được không ngừng nâng lên đã đáp ứng được những đòi hỏi cao của khách hàng về chất lượng.
Các hoạt động đồng bộ trên đã nâng tổng doanh thu của PNJ trong năm 2005 lên 1.726 tỷ đồng (tăng 27% so với năm 2004), doanh thu xuất khẩu tăng hơn 2,3 lần so với năm 2004 với kim ngạch đạt 1.260.317 USD; lợi nhuận trước thuế đạt 25 tỷ đồng, thu nhập bình quân (1.600 lao động) nâng lên 2,8 triệu đồng/người/tháng.
Hàng loạt bằng khen (của UBND TPHCM), danh hiệu đạt được trong năm 2005 (Hàng Việt Nam chất lượng cao do người tiêu dùng bình chọn 9 năm liền; Top 500 Công ty Bán lẻ hàng đầu châu Á- Thái Bình Dương do Tạp chí Retail Asia, Singapore bình chọn; giải thưởng Sao Vàng Đất Việt) đã góp phần giúp PNJ khẳng định được uy tín thương hiệu và vị trí của đơn vị trên thương trường.
Nói về bước chuẩn bị cho những kế hoạch phát triển của công ty cho những năm tiếp theo, Tổng Giám đốc PNJ Cao Thị Ngọc Dung khiêm tốn: “Bên cạnh những thế mạnh sẵn có cần phát huy, công ty chúng tôi cần nắm bắt cho được những thời cơ của thị trường, không ngừng nỗ lực, phấn đấu về mọi mặt để khẳng định vị trí là một trong những thương hiệu hàng đầu trong ngành kim hoàn Việt Nam, đóng góp nhiều hơn nữa cho xã hội và nhất là đáp ứng được sự tin tưởng, mong đợi của các cổ đông”.
ĐÀM THANH