
Cách đây 2 tháng, Báo SGGP đã có loạt bài viết đề cập tình trạng “băm nát” công viên để kinh doanh, trong đó nhấn mạnh: “…không có lý nào tại một thành phố có số dân đông nhất nước mà lại không có công viên, không có nơi sinh hoạt cộng đồng… “Lợi nhuận” của công viên không phải “đo” bằng số thu riêng của một đơn vị nào đó được giao nhiệm vụ quản lý nó mà phải thể hiện bằng lợi ích chung của cộng đồng”.
Và gần đây nhất, UBNDTP đã ban hành văn bản tuyệt đối nghiêm cấm mọi hình thức kinh doanh tại các công viên. Tuy nhiên, đến nay, tình hình trên vẫn chưa được cải thiện.
Công viên ngày càng… teo!
Trở lại Công viên Lê Thị Riêng, chúng tôi nhận thấy tình hình kinh doanh tại đây vẫn diễn ra rất sôi động như chưa từng… động tĩnh gì. Dọc đường Trường Sơn ước tính có hơn 40 cửa hàng bán cây kiểng. Chị Nguyễn Thị Thu Trang, lô C đường Trường Sơn, quận 10 cho biết Ban quản lý Công viên Lê Thị Riêng cho tháo dỡ một phần hàng rào công viên dọc tuyến đường Trường Sơn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân ra vào vui chơi, nghỉ ngơi, tập thể dục nhưng vẫn không dẹp bỏ các cửa hàng bán cây kiểng nằm dọc mặt lộ.

Tiểu đảo trong công viên Lê Thị Riêng được tận dụng để kinh doanh giải khát.
Phía trong công viên, các hoạt động kinh doanh nhà hàng, sân tennis, quán cà phê, hồ cá vẫn diễn ra ì xèo và chiếm phần lớn diện tích của công viên. Một nghịch cảnh là khu vực dành cho kinh doanh được ban quản lý chăm chút khang trang bao nhiêu thì khu vực dành cho người dân vào nghỉ ngơi, thư giãn lại... nhếch nhác bấy nhiêu. Những con đường đi lại trong công viên nằm trong tình trạng nắng bụi, mưa lầy, thảm cỏ trơ trụi.
Điển hình nhất trong sự bê bối của một công viên văn hóa là Công viên Tao Đàn. Từ năm 1993 đến nay, UBND TP ban hành rất nhiều văn bản yêu cầu cầu ban quản lý công viên chấm dứt ngay các hoạt động kinh doanh nhà hàng, sân khấu, chiếm đất công viên để kinh doanh… nhưng đến nay tình hình trên vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Hàng rào của Công viên Tao Đàn đã được tháo dỡ, nhưng đây lại là khu vực thường xuyên được chọn tổ chức hội chợ nên hàng rào cứ dỡ rồi dựng, dựng rồi dỡ. Tương tự, tại Công viên Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình), Lý Tự Trọng, Lê Lai (quận 1), Phú Lâm (quận 6)… cũng bị tận dụng tối đa vào mục đích kinh doanh.
Thậm chí, tại Công viên văn hóa Phú Nhuận, Ban quản lý còn xây dựng nhà lồng rộng khoảng ¼ diện tích công viên để kinh doanh loại hình bida. Phía mặt tiền đường Phan Đăng Lưu cũng được ban quản lý công viên tận dụng tối đa cho thuê bán cây kiểng.
Giải thích không thuyết phục
Trong loạt bài trước, đề cập về việc kinh doanh tùy tiện, quang cảnh nhếch nhác tại công viên, bà Lưu Thị Hoa, Giám đốc Công viên Lê Thị Riêng, đã hứa sẽ có kế hoạch chỉnh sửa lại, phủ thêm mảng xanh công viên nhưng đã hơn 4 tháng trôi qua, lời hứa trên vẫn chưa được thực hiện.
Tại Công viên Chi Lăng, Lê Lai, Lý Tự Trọng (quận 1), trong bài viết trước, ông Trần Văn Quang, Trưởng phòng Kế hoạch Công ty Dịch vụ Công ích quận 1 cho rằng những điểm kinh doanh cà phê và nước giải khát trên 3 công viên này nhằm phục vụ khách tham quan, có tác dụng giảm tệ nạn xã hội nên công ty đã làm công văn xin sử dụng mặt bằng tại công viên trên địa bàn… như hiện trạng. Có phải vì lý do trên mà cho đến nay việc kinh doanh tại các công viên quận 1 vẫn được duy trì, bất chấp chỉ thị của UBNDTP là nghiêm cấm mọi hình thức kinh doanh tại công viên?
Có thể thấy, yếu tố thu hút các chủ cửa hàng chọn công viên làm địa điểm kinh doanh là do giá thuê mặt bằng quá hời. Giá thuê một quầy hàng rộng khoảng 30m2 tại Công viên Lê Thị Riêng1 từ 1,5 đến 3 triệu đồng, còn tại công viên trung tâm quận 1 cũng chỉ có giá 3,5 – 25 triệu đồng và nhà tròn Công viên Hoàng Văn Thụ khoảng 13 triệu đồng/tháng… – quá thấp so với giá thuê mặt bằng khu vực xung quanh đó.
Việc biến tướng các công viên thành khu vực kinh doanh đã lây lan sang các sân vận động và bảo tàng. Chị Hạnh, người quản lý cửa hàng của Công ty phong lan Việt Thái, cho biết công ty chị đã mướn mặt bằng tại Bảo tàng Miền Đông Nam bộ rộng gần 30m2 chỉ với giá 8 triệu/tháng.
Đây chính là nguyên nhân khiến tình hình mua bán tại các khu vực dành cho sinh hoạt công cộng diễn ra hết sức sôi động. Và nếu như tình trạng này không sớm ngăn chặn thì chỉ trong thời gian ngắn, thành phố sẽ không còn nơi nào được gọi là khu vực sinh hoạt cộng đồng.
Tại sao ở một thành phố lớn như TPHCM lại tồn tại cảnh cắt xén không gian sinh hoạt công cộng của người dân? Trên bảo ngưng nhưng dưới vẫn làm, vậy đâu là tính nghiêm minh của việc chấp hành nguyên tắc quản lý nhà nước và tình trạng trên còn tiếp diễn đến bao giờ?
ÁI VÂN