Trên từng nắm đất Hàng Dương...

Trên từng nắm đất Hàng Dương...

28 năm trở lại chốn xưa, Côn Đảo như thúc gọi trong trái tim tôi những kỷ niệm khó quên thời tuổi trẻ. Những ngày hồn nhiên nhất của tuổi 20, vượt đại dương đến với vùng đất linh thiêng, nơi đã từng là nỗi ám ảnh trong tâm khảm tôi từ thuở ấu thơ.

Côn Đảo, máu và nước mắt trong những câu chuyện kể của cậu, của dì trở về với tấm thân tàn phế, Côn Đảo gần như in đậm trong tôi nỗi hãi hùng mà trái tim thơ trẻ của một đứa bé lên 10 như tôi không sao có thể chịu đựng nổi. Tôi được nghe vô số câu chuyện từ những người anh hùng đến những kẻ đớn hèn với những kiểu tra tấn dã man không thể tin được là người có thể đối với người…

Đó là vết thương đầu tiên hằn trong tâm trí trẻ thơ, đến bây giờ tôi cũng không sao quên được cảm giác hãi hùng ấy. Và vì vậy, Côn Đảo như có tiếng gọi thiêng liêng đưa tôi đến với vùng đất này ngay từ năm 1977. Ngày ấy, từ Cần Thơ vượt biển bằng tàu đánh cá, cả đoàn chúng tôi, những chàng trai, cô gái tuổi 20 lần đầu tiên biết thế nào là sự khủng khiếp của sóng nhồi cấp 8.

Tất cả đều lả đi trên boong tàu, và trong cơn mê mỏi, những câu chuyện ngày xưa bỗng trở về, nhớ như in từng lời của cậu Năm khi cậu kể tù nhân đưa ra đảo phải nằm dưới hầm tàu xâm xấp nước, chân bị cùm từng hàng dài, nhiều người vết thương tra tấn vẫn còn mưng mủ, mấy trăm con người say sóng nằm, ngồi chồng chất, nôn cả lên mặt mũi nhau…

Trên từng nắm đất Hàng Dương... ảnh 1

Di ảnh của liệt sĩ Nguyễn Công Tộc.

Và tất cả những hình dung xưa đã theo tôi đi qua hết các nhà tù, những cái tên trại nghe rất kêu: Phú Hải, Phú Sơn, Phú Tường, Phú Thọ… mà hằn đầy những dấu tích hãi hùng. Ngày ấy, chỉ mới 2 năm sau giải phóng, nhà tù còn in đầy vết máu. Ở chuồng cọp Pháp vẫn còn dấu vết cô đặc của máu và vôi còn tung tóe trên tường, còn chuồng cọp Mỹ ở trại Phú Bình không ai có thể đứng lâu nổi vì mùi tanh tưởi của máu, nước tiểu và phân người còn đọng lại trong không khí.

Chị Sáu Dinh đã đưa chúng tôi qua khắp chốn địa ngục trần gian ấy bằng những câu chuyện trầm buồn. Chị đã từng ở đây suốt 10 năm, khi giải phóng chỉ còn lại một mình, chồng và con không còn, chị tình nguyện ở lại đảo giữ Nhà bảo tàng. Chị chính là nhân chứng của tội ác. Không có lời thuyết minh nào thuyết phục hơn đôi bàn tay của chị, những ngón tay gần như biến dạng vì đòn tra tấn.

Nhìn thân hình nhỏ bé mỏng manh của chị đứng trong chuồng cọp, nơi chị đã sống và chiến đấu cùng các đồng chí, tôi thật không thể tưởng tượng nổi làm sao chị có đủ sức mạnh để sống được trong những tháng ngày đày đọa ấy. Nghĩa trang Hàng Dương lúc ấy còn rất hoang sơ, chỉ là một đồi cát nhấp nhô mộ đất. Chị bảo chúng tôi hãy đi thật nhẹ, bởi vì dưới chân mình là hài cốt anh em tầng tầng lớp lớp…

Chúng tôi dường như không dám khua mạnh dấu giày, nhè nhẹ trên từng ngọn cỏ úa vàng giữa bãi cát trắng trùng trùng điệp điệp những oan hồn. Vậy mà những cành dương vẫn thẳng tắp và mướt xanh xôn xao trong gió. Chị nói cây dương ở đây cũng linh thiêng vì từng thớ gỗ đã hòa quyện cùng xương thịt anh em mình…

Trong cơn gió u u của trời chiều xám xịt, giọng người nữ tù dường như khản đặt lại vì nỗi đau riêng. Chị kể về mình, quá nhiều nỗi đau đổ xuống cho một con người, nhưng chị không khóc mà chúng tôi lại khóc…

Trên từng nắm đất Hàng Dương... ảnh 2
... và di bút của liệt sĩ Nguyễn Công Tộc.

28 năm qua, tôi trở lại những trại tù xưa. Không còn dấu vết gì, chỉ còn những hình nhân bằng nhựa như một chứng minh thực tế trong vài gian phòng. Cả khu di tích được bảo quản khá sơ sài, có những gian gần như đổ nát. Cũng dễ hiểu thôi, thời gian đã phá mòn vết tích đau thương và thời gian đã làm chai sạn lòng người…

Đi cùng đoàn chúng tôi bây giờ cũng có một nhân chứng sống, đó là anh Nguyễn Quốc Công, người đã bị giam giữ ở trại Phú Sơn 7 năm, và lần đầu tiên anh mới có dịp trở lại. Nhưng chính người tù năm xưa cũng đã lặng đi vì không còn nhận ra được chốn xưa.

Anh chỉ gian chuồng cọp số 14 là nơi anh bị giam giữ, nhưng anh không muốn chụp ảnh lại di tích xưa, vì nơi đó chỉ còn là một gian phòng bình thường, không thấy dấu tích của xiềng xích, thì làm sao hình dung nơi đây là nhà tù địa ngục trần gian? Nghĩa trang Hàng Dương bây giờ đã khác xưa nhiều lắm, những nấm đất hoang sơ ngày ấy đã được đắp lên mang hình dáng một ngôi mộ, nhưng vẫn quá sơ sài…

Đi giữa đồi cát bạt ngàn 20ha, là đi trên hài cốt 20.000 anh hùng liệt sĩ, nhưng nghĩa trang chỉ có 1.800 ngôi mộ được đắp lên, và có đến 1.000 mộ khuyết danh! Chúng tôi dừng lại ở phần mộ Nguyễn An Ninh, Lê Hồng Phong, Võ Thị Sáu, đốt một nén nhang cho những anh hùng, liệt nữ mà không khỏi chạnh lòng.

Trên từng nắm đất Hàng Dương... ảnh 3

Mộ Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu.

Bởi ai nào có thể viếng thăm hết những nấm mộ nhấp nhô lặng lẽ trùng trùng giữa những hàng dương kia, với những tấm bia đã ngả sang màu đất không tìm thấy tên người? Tôi muốn đi tìm mộ anh, Nguyễn Công Tộc, người trí thức cộng sản mà tôi đã từng đọc qua sách vở, và ở đây, giữa bảo tàng Côn Đảo, tôi xúc động khi nhìn thấy bức di ảnh anh với gương mặt ngời ngời chính khí, với dòng chữ rất đẹp viết nắn nót: “Tôi ký tên dưới đây là Nguyễn Công Tộc, xin xác nhận lập trường là tôi không ly khai Đảng Cộng sản”.

Vì sao một cậu công tử học trường Taberd lại có thể bỏ tất cả để đi cùng kháng chiến. Ba lần bị tù, bị biệt giam ở chuồng cọp và bị địch tra tấn đến chết chỉ vì dòng chữ kiên trung bất khuất: Tôi không ly khai Đảng Cộng sản! Anh đã hy sinh lúc 36 tuổi, chưa kịp lập gia đình, bởi cả tuổi trẻ của anh đã cống hiến hoàn toàn cho cách mạng. Tôi đi tìm anh, đi tìm những anh hùng trùng trùng lớp lớp nơi đây trong nỗi xúc động nghẹn ngào. Những dòng máu đã lặng thầm đổ xuống, lặng thầm bị địch vùi dập ở đây, và lặng thầm đến một dòng chữ họ tên cũng không ai biết.

Có biết bao người yêu nước đã chọn nhục hình tra tấn đến chết như anh để tỏ lộ chí khí của mình. Đó chính là những anh hùng với dũng khí cao ngất của người cộng sản chân chính. Nhưng đã bao năm đã trôi qua, những cái chết vinh quang dường ấy vẫn mãi mãi trong bóng tối, mãi mãi lẩn khuất giữa những hàng dương xanh ngát… và sẽ chìm đi trong sự lãng quên?!

Trên từng nắm đất Hàng Dương... ảnh 4

2 vạn chiến sĩ cách mạng đã ngã xuống ở vùng đất linh thiêng này, và Nhà tưởng niệm cũng đã được xây dựng rất bề thế nhưng vẫn còn trống không, chưa biết để làm gì? Đã 30 năm qua, dẫu không tìm thấy hài cốt, nhưng tên tuổi những người đã hy sinh ắt phải còn lưu trong sổ sách, cả của ta và của địch.

Nấm mồ có thể vô danh, xương thịt của hơn 1 thế kỷ qua có thể đã tan vào đất Hàng Dương, nhưng những con người bất khuất ấy không thể không có một cái tên, bởi đó là những người cách mạng, hoạt động có tổ chức, có quê quán, có gia đình… Nhà tưởng niệm phải có nhiệm vụ ghi lại hết tên tuổi của các liệt sĩ trong suốt hơn 100 năm trường chinh giành độc lập dân tộc. Không làm được điều này là chúng ta có tội với những dòng máu linh thiêng nơi đây.

Nơi đây, máu của 2 vạn người đã đổ xuống mà biển vẫn ngát xanh, mà cát vẫn trắng ngời… Côn Đảo vẫn đẹp như một giấc mơ. Như những kỷ niệm thơ ngây của những ngày mê mỏi trên con tàu giông bão ngày nào. Một chút bồi hồi, một chút chạnh lòng và một phút lắng lòng lại cùng nhiều nỗi nhớ.

Thời gian trôi đi băng băng, ngoảnh lại đã gần 30 năm. Vẫn còn đây ánh trăng vàng ối tít xa ở bải biển Hàng Dương năm nào. Những người tuổi trẻ năm xưa đã đi gần hết cuộc hành trình của cuộc đời, mỗi người một nẻo riêng tư, với những tất bật đời thường… Nhưng Hàng Dương thì mãi mãi sẽ không già, và từng thế hệ sẽ nối tiếp chúng tôi bước nhè nhẹ trên từng nắm đất, đốt nén nhang để lắng nghe tiếng hát chị Võ Thị Sáu vút cao, bay quyện trong từng ngọn gió Hàng Dương…  

NGÔ NGỌC NGŨ LONG

Tin cùng chuyên mục