
Trong tiếng nhạc ngợi ca Tổ quốc, hơn 500 thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ tiêu biểu ở TPHCM cùng hòa mình trong không khí ấm áp nghĩa tình tại buổi giao lưu với các gia đình thương binh liệt sĩ do Thành ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ TPHCM tổ chức vào sáng 19-7 nhân kỷ niệm 60 năm Ngày Thương binh liệt sĩ (27-7). Tham dự ngày họp mặt có đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM cùng đông đảo các bạn trẻ, đoàn viên thanh niên thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu.

Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải thăm hỏi bà Hồ Thị Như Hồng là thương binh, vợ liệt sĩ. Ảnh: VIỆT DŨNG
Chiến tranh đã trôi qua 32 năm, nhưng hôm nay, vết thương chiến tranh vẫn âm thầm trong mỗi thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ. Nhưng ở họ cùng toát lên một ý chí, niềm tin mãnh liệt để đứng vững và tiếp nối truyền thống cha anh trong công cuộc đổi mới đất nước.
Vẫn còn đó mảnh đạn găm trên mình, anh thương binh 2/4 Dương Văn Hào kể: Anh về nơi cư ngụ ở phường 4 (quận 4) với chiếc chân giả, đã gặp muôn vàn khó khăn, bươn chải cuộc sống. Năm 1990, anh được cấp nhà tình nghĩa, rồi được vay vốn XĐGN làm ăn. “Quả là một giấc mơ! Nhà nghèo như tôi làm gì mơ có được ngôi nhà khang trang thế này! Tôi tự bảo với mình phải đóng góp sức đền đáp công ơn mọi người, xứng đáng là “Anh bộ đội Cụ Hồ” - anh Hào bày tỏ nỗi niềm.
Vừa kiếm sống, anh vừa tham gia các công tác xã hội ở địa phương với nhiều “chức vụ” ở khu phố. Người thương binh đó đã tham gia 50 vụ bắt cướp, trả lại nhiều tài sản quý giá cho người bị mất. Không ít lần, chỉ bằng tay không, anh Hào đấu lại những kẻ dùng mã tấu và chiến thắng bọn chúng. Nhiều người lo lắng, nhưng anh vẫn quyết tâm: Hiểm nguy đâu thấm gì ngoài chiến trường giữa cái sống cái chết cận kề! Ở phường 4 (quận 4), anh trở thành khắc tinh của tội phạm.
- TPHCM có 2.051 bà mẹ VNAH; 26.334 thương-bệnh binh; 14.760 thân nhân liệt sĩ; 9.389 thân nhân thờ cúng trên tổng số 45.319 liệt sĩ. |
Cả hội trường một lần nữa cảm kích về câu chuyện “gác bút nghiên” của anh thương binh “để lại” 2 tay và 1 chân ở chiến trường Tây Nam, anh Nguyễn Hoàng Dũng - người tàn nhưng không phế. Lời tri ân đầu tiên anh dành cho thầy giáo PGS-TS Lý Hòa, cũng là một thương binh, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp TPHCM, hiện có mặt tại hội trường để theo dõi bước trưởng thành của cậu học trò cưng.
Ở Dũng, toát lên niềm khát vọng vô bờ muốn được trở lại đời thường, muốn được làm việc, cống hiến cho xã hội. Nhưng có lúc, Dũng tưởng không vượt qua nỗi đau bất hạnh thể xác và cả tinh thần mòn mỏi. “Thầy ơi, chẳng lẽ em bất lực hay sao, chẳng lẽ em không thể trở về với đời thường này được nữa sao?” - Dũng đến tận phòng thầy Hiệu trưởng Lý Hòa để bày tỏ nỗi niềm của mình. Bao bọc trong tình thương yêu của mọi người, hôm nay, Dũng đã tốt nghiệp cử nhân Anh văn, cử nhân kinh tế, thạc sĩ hành chính, lý luận chính trị cao cấp và hiện là Phó Giám đốc Nhà xuất bản Đại học Quốc gia TPHCM.
Cả hội trường, một lần nữa vỗ tay, dành tình cảm trân trọng với Nguyễn Hoàng Dũng khi thấy anh bước xuống hội trường, đến bên PGS-TS Lý Hòa, cúi đầu chào thầy với tất cả lòng thành kính. Anh nghẹn ngào: “Em vô cùng biết ơn thầy. Thầy đã sinh ra em lần thứ hai. Thầy đã cho em cuộc sống hôm nay”. Tình cảm thiêng liêng đó và lòng quả cảm, vượt qua bao thách thức ở Dũng cũng chính là hình ảnh sinh động, tiêu biểu cho những “Anh bộ đội Cụ Hồ” ở TPHCM.

Thanh niên TPHCM thăm hỏi mẹ VNAH, gia đình thương binh liệt sĩ trong buổi họp mặt. Ảnh: Việt Dũng
Cũng như Dương Văn Hậu, Nguyễn Hoàng Dũng, anh thương binh 4/4 Trần Trọng Thành vượt qua “sóng gió cuộc đời” để từ hai bàn tay trắng, hôm nay anh đã là chủ trang trại với mô hình nuôi trồng thủy sản, cây kiểng khá quy mô. Chẳng những làm giàu, anh còn giúp đỡ những cảnh đời khốn khó, những cậu bé như Nguyễn Hoàng Phương để em có thêm vốn làm ăn và tựa vai cho Phương vượt lên số phận nghiệt ngã.
Với Trần Trọng Thành làm công tác xã hội cũng là niềm vui, là trách nhiệm công dân. Anh tâm sự, dù làm nhiều việc giúp ích cho đời, nhưng anh vẫn cảm thấy “còn nợ” những đồng đội ngã xuống trên mọi miền đất nước, gia đình mất người thân và bao Bà mẹ Việt Nam anh hùng hy sinh cả chồng lẫn con. Anh sống bao dung, hòa thuận với mọi người và luôn giúp đỡ người khác. Cả 3 hoàn cảnh mất mát trong chiến tranh dù khác nhau nhưng đều toát lên họ tấm lòng quả cảm, sự khát khao vươn lên và nghị lực phi thường để vượt qua chính mình.
Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải không nén được xúc động: “Các anh và các gia đình có mặt hôm nay là những tấm gương mẫu mực, xứng đáng là những “công dân kiểu mẫu”, “người cách mạng gương mẫu”. Đền ơn đáp nghĩa là công trình của trái tim, của nhiều thế hệ, không chỉ đời này mà cả các thế hệ mai sau”.
Kết thúc cuộc gặp gỡ kỷ niệm 60 năm Ngày Thương binh liệt sĩ trong tiếng nhạc “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng…”, hàng trăm người đứng dậy vỗ tay theo nhịp bài hát. Phải - chính họ, những thương binh, bệnh binh và thân nhân các gia đình liệt sĩ đã đóng góp xương máu, làm nên chiến thắng lịch sử ngày 30-4-1975. Còn hôm nay, họ và các gia đình liệt sĩ vẫn giữ vững và phát huy phẩm chất “Anh bộ đội Cụ Hồ”, tiếp tục viết lên khúc khải hoàn ca trong sự nghiệp xây dựng thành phố mang tên Bác kính yêu.
Họp mặt nữ thương binh, vợ thương binh, liệt sĩ vượt khó |
TUẤN SƠN