Ngày 7 và 8-3, một số người dân, công nhân của các đơn vị kinh doanh du lịch ven biển Gành Đỏ nỗ lực dọn dẹp, vớt vát tài sản sau đợt triều cường tàn phá. Trên bờ biển, những khối bê tông cốt thép của các công trình bảo vệ nhà cửa người dân bị sóng đánh vỡ nát trôi dạt dần ra biển. Bên trong kè, nhiều công trình, hệ thống ống nước, đường điện cũng bị sóng đánh hư hại, uy hiếp vào khu vực dân cư. Ước tính có gần 100m bờ biển bị xâm thực sâu từ 5-7m.
Nhiều người dân cho biết, triều cường xuất hiện từ đầu tháng 2, cường độ ngày càng mạnh và thường xảy ra vào ban đêm nên rất khó lường. “Cách đây khoảng 2 tuần, đợt triều cường đã phá tan tuyến kè biển chỉ trong 2 giờ. Nếu không kịp thời khắc phục, đầu tư tuyến kè biển thì nhiều khu nhà biệt thự, nhà ở, căn hộ ven biển nơi đây sẽ bị sóng cuốn hết”, anh Phan Ngọc Bách, công nhân đang thi công công trình biệt thự, nghỉ dưỡng ven biển Gành Đỏ, lo lắng. Còn anh Nguyễn Văn Lợi (đang bảo vệ khu biệt thự du lịch ven biển Gành Đỏ) cho biết, chu kỳ triều cường xảy ra thường vào cuối năm, nhưng năm nay mới giữa tháng 2 âm lịch mà vẫn xuất hiện là rất bất thường, nguy hiểm.
Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND phường Xuân Đài, hiện tượng triều cường mạnh vừa qua là kiểu thiên tai không chỉ trái quy luật mà còn diễn ra trong khoảng thời gian dài. “Chúng tôi đã khuyến cáo bà con chủ động nắm bắt thiên tai, triều cường để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản. Đặc biệt, thông tin rộng rãi đến các lồng bè, tàu thuyền ven biển để nắm bắt, chủ động tránh trú”.
Người dân địa phương đề nghị cơ quan chức năng cần chủ động nắm bắt, theo dõi kỹ lưỡng để có hướng dẫn người dân cách ứng phó. Thị xã Sông Cầu là vựa nuôi trồng hải sản lớn nhất miền Trung, với hàng trăm ngàn lồng bè (trong đó số lượng lồng tôm hùm rất lớn), đìa ao nuôi hải sản là nơi nhạy cảm với thiên tai, gió bão nên chính quyền địa phương càng phải quan tâm rốt ráo.
Theo ghi nhận, từ tháng 3-2022 đến nay, ven biển các tỉnh Phú Yên, Bình Định liên tục xảy ra triều cường dị thường với sức tàn phá rất mạnh, gây thiệt hại lên đến hàng trăm tỷ đồng. Đặc biệt, khu vực ven biển huyện Tuy An (tỉnh Phú Yên) thiệt hại rất nặng, hàng chục tàu thuyền, hàng ngàn lồng bè nuôi trồng thủy hải sản của người dân bị sóng biển đánh nát, hư hại; 2 người mất tích.