“Trợ thủ” đắc lực của chính quyền cơ sở

Chuyển đổi số, áp dụng công nghệ trong cải cách hành chính, xây dựng chính quyền đô thị không dừng lại ở cấp sở, ngành mà đã về đến ấp, tổ dân phố, chi bộ Đảng. Qua các nhóm (group) trên nền tảng mạng xã hội, công nghệ đang trở thành “trợ thủ” đắc lực của tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể cơ sở trong công tác quản lý và phục vụ người dân.
Người dân tổ 41, khu phố 6 (phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức) thường xuyên theo dõi “Group NNTT tổ 41” để nắm thông tin
Người dân tổ 41, khu phố 6 (phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức) thường xuyên theo dõi “Group NNTT tổ 41” để nắm thông tin

Cầu nối người dân với chính quyền

“Những hộ gia đình trong tổ đang cách ly, có nhu cầu mua nhu yếu phẩm, hãy gọi vào số 0982... Cô Út sẽ mua giùm”; “Cô chú, bà con sắp xếp thời gian đổi CCCD từ mã vạch sang gắn chip điện tử. Trường hợp già yếu đi lại khó khăn thì trực tiếp liên hệ cảnh sát khu vực (CSKV) để tổ cấp CCCD lưu động đến nhà làm”… Những đoạn tin nhắn gắn liền với nhu cầu, đời sống người dân như trên liên tục được cập nhật trên “Group NNTT tổ 41” của một mạng xã hội do Thiếu tá Lê Mai Thanh Phong, CSKV tổ 41, khu phố 6, phường Hiệp Bình Chánh (TP Thủ Đức, TPHCM) lập để liên lạc với người dân trong tổ mình phụ trách.

Theo Thiếu tá Lê Mai Thanh Phong, lúc đầu nhóm được thành lập để phục vụ việc quản lý xã hội, an ninh trật tự, nhưng sau một thời gian, nhóm đã trở thành kênh giao tiếp không thể thiếu đối với mọi người. Thành viên tham gia nhóm nhanh chóng vượt 400 người. Mọi thông tin về chủ trương, chính sách của Đảng, chính quyền sớm đưa đến từng gia đình. Người dân có ý kiến đóng góp hay thắc mắc, chưa hài lòng cũng thông qua “Group NNTT tổ 41” phản ánh kịp thời với CSKV, cán bộ tổ dân phố. 

Ở phường Hiệp Bình Chánh, không chỉ CSKV mà UBND phường cùng nhiều chi bộ Đảng, tổ chức đoàn thể cũng áp dụng công nghệ bằng cách lập trang web, nhóm trò chuyện… phục vụ công tác điều hành và nối kết với người dân. Tương tự, tại các quận, huyện và TP Thủ Đức, công nghệ thông tin, mạng xã hội hỗ trợ tích cực cho cán bộ cơ sở, nhất là trong lúc thành phố giãn cách, việc đi lại bị hạn chế. Cùng với Cổng thông tin 1022 của chính quyền thành phố, ở hầu hết các phường, xã, thị trấn, ấp, khu phố, tổ dân phố đều lập các nhóm trên mạng xã hội làm phương tiện liên lạc, nối kết cán bộ với người dân, bác sĩ với bệnh nhân và người dân với nhau để hỗ trợ, chia sẻ cùng vượt qua giai đoạn khó khăn. 

Ông Nguyễn Phước Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, cho biết, trong những ngày cao điểm chống dịch Covid-19 phải thực hiện giãn cách xã hội, đường dây thông tin giữa trung tâm chỉ huy phòng chống dịch Covid-19 của xã với 7 trạm y tế lưu động, người dân ở xã vẫn đảm bảo thông suốt. Cán bộ xã, nhân viên y tế kịp thời tư vấn, thăm khám cho người bệnh, hỗ trợ người dân trong trường hợp cần thiết. Qua các nhóm, người dân không tiếp xúc trực tiếp với bác sĩ, nhân viên y tế nhưng vẫn an tâm vì luôn được hỗ trợ, tư vấn kịp thời.

Phương tiện đắc lực

Thời gian qua, các tổ chức Đảng, chính quyền cơ sở, tổ chức đoàn thể đã tiếp cận, áp dụng rộng rãi những trang web, nhóm trên mạng xã hội. Các nhóm này do các chi bộ Đảng, CSKV hay nhóm cộng đồng tổ dân phố lập ra ở phạm vi địa bàn, đơn vị mình phụ trách và đã mang đến lợi ích rất lớn.

Công nghệ thông tin, chuyển đổi số không nhất thiết là vấn đề lớn lao, đòi hỏi phải có dự án lớn với vốn đầu tư chục tỷ, trăm tỷ đồng, mà có khi đơn giản là tận dụng những ứng dụng sẵn có nhằm kịp thời hỗ trợ, hướng dẫn người dân những vấn đề liên quan đến đời sống. Đồng thời, công nghệ còn là phương tiện đắc lực của cán bộ cơ sở trong công tác điều hành, quản lý xã hội. Ông Nguyễn Văn Học, Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Nhà Bè, cho biết, công nghệ không những giúp người dân có thể ngồi ở nhà vẫn biết được quy hoạch về nhà đất của gia đình, mà còn trở thành phương tiện giúp chính quyền quản lý tình hình xây dựng, trật tự đô thị trên địa bàn. “Mỗi khi phát hiện có hành vi vi phạm xây dựng như xây nhà trái phép, sai phép hay san lấp kênh rạch…, người dân có thể phản ánh ngay qua mạng xã hội”, ông Nguyễn Văn Học dẫn chứng.

Ông Dương Hồng Thắng, Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn, phân tích công nghệ là một trong 3 yếu tố, cùng với vaccine và 5K, đã góp phần rất lớn chặn đứng làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 trên địa bàn huyện. Tính ưu điểm của công nghệ, chuyển đổi số là không có rào cản về địa giới, không phân biệt nội thành hay huyện vùng ven. Thực tiễn cho thấy, chuyển đổi số, áp dụng công nghệ thông tin không dừng lại ở phương tiện cầu nối giữa cán bộ với người dân mà đã trở thành công cụ, “trợ thủ” đắc lực không thể thiếu của các cấp chính quyền trong công tác điều hành, quản lý. “Bây giờ, chỉ bằng cú nhấp trên điện thoại, cán bộ dễ dàng nối kết với cấp dưới, nhận được phản ánh của người dân. Họp hành ít lại, cán bộ có thêm thời gian đi cơ sở, giải quyết thắc mắc của người dân, gỡ vướng cho doanh nghiệp, để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội”, ông Dương Hồng Thắng chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục